Thứ Năm, 8 tháng 11, 2007

Những ngày lang thang - Việt Nam, trước khi sang Lào

Chuyến đi lần này được chuẩn bị bởi 1 nhóm bạn và từ rất lâu. Tình hình chỉ hơi phức tạp là thời gian rảnh của mỗi người khác nhau. Do vậy, điểm hẹn sẽ là cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang. Các bạn có thể đến đó từ nhiều nơi khác nhau nhưng dự định là sẽ gặp nhau vào 16.11.2007.

Vì vậy, rảnh rỗi trước nên mình lên đường trước. Bắt đầu ngược từ Nam ra Bắc. Hầu như các tỉnh Nam và Trung bộ mình đều đã đi qua, đi làm và đi chơi rất nhiều, nhiều lần, nhưng chưa một lần dừng lại thật lâu (hoặc nghỉ lại đêm ở Phan Rang). Do vậy, quyết định điểm dừng chân đầu tiên lần này của mình sẽ là thành phố với nhiều di tích của Vương triều Chămpa.

Chuyến tàu rời SG lúc 13.30 dừng ở Ga Tháp Chàm vào lúc 6.30. Từ ga vào nội thị hơi xa, khoảng 7km, trong thành phố có rất nhiều Guesthouse, giá dao động từ 100-150.000vnd, bạn nên chọn một nơi có cả dịch vụ cho thuê xe để có thể tự đi chơi vào ngày hôm sau. Ngày hôm nay thật là một ngày rất mệt, vì những cuộc "chia tay" trước đó. Việc quyết định lên đường cũng là một cố gắng "rất lớn", do vậy, quyết định là sẽ dành cả ngày kế tiếp để ra biển nằm nghỉ ngơi, không làm gì cả và những ngày kế tiếp sẽ đi lòng vòng chơi.

Biển Ninh Chữ, biển đẹp sắp đi vào lãng quên sau khi con đường Đà Lạt-Nha Trang đã đổi tuyến, rút ngăn còn 110km và không còn ngang qua Phan Rang nữa. Không khí trong lành và biển vắng mùa chớm đông đã làm mình thật sự khỏe lại, có đủ sức cho những ngày kế tiếp.

Ngày tiếp được bắt đầu từ rất sớm, chạy xe vào làng Tuấn Tú, một làng của người Chăm chỉ cách thị xã Phan Rang 3km nhưng có một không khí khác hẳn. Các tour du lịch chưa thấy nói đến, nhưng có thấy LP đề cập đến làng này. Đặc biệt cũng là dân tộc Chăm nhưng dân làng Tuấn Tú theo đạo Muslim thay vì Hindu như hầu hết người Chăm. Những em bé trong làng rất dễ thương, dù chỉ nói tiếng Chăm, không nói tiếng Việt. Sau đó là chạy xe tiếp đến làng Gốm Bàu Trúc, nơi vẫn còn những người phụ nữ làm gốm bằng tay và các dụng cụ rất thủ công. Các em bé ở đây rất giỏi, còn bé xíu mà đã giúp gia đình và điều khiển cả một chiếc xe bò to tướng. Các dì người Chăm cũng rất dễ thương, đang dở tay làm gốm, ngừng lại để nói với một chú nhóc (khi mình hỏi thăm đường đi tháp Poreme) là: "Con phải giúp người ta (ý là đi với mình đến đó) thì mai mốt ra đời mới có người giúp mình chứ". Chuyện thật đơn giản nhưng rất ý nghĩa. Nhưng mình từ chối, việc gì chứ đường đi thì tự hỏi được mà.

Tháp Poreme không nằm trong các tour du lịch Việt. Chỉ có khách balo và khách nghiên cứu (nhất là khách Nhật) vào vì nó không nằm tiện đường như cụm tháp Kolonggiarai. Đường vào tháp Poreme không xa lắm (khoảng 17km) nhưng khó đi (với đường cũ) nhưng đường rất đẹp. Bạn có thể thấy những con đường rợp bóng những hàng cây đan chéo vào nhau, cũng như những đoạn cầu cống bị nước lũ cuốn trôi, phải lội qua sông suối mà đi, may mà không có lũ quét! Ha Ha!!!

Sau khi vượt qua những đoạn đường thú vị (có những đoạn rất khó đi như đường vào Vat Phou, Champasak/Pakse hôm nào), ngôi tháp đã hiện lên kiêu hãnh từ xa, trên ngọn đồi cao. Điều này hơi khác giữa kiến trúc của người Champa và Khmer. Giống nhau ở điểm là cửa của chánh điện luôn hướng về Đông, mặt trời mọc, nhưng các cụp tháp của người Champa thường nằm trên đồi cao, còn của người Khmer luôn có hào sâu (hoặc hồ nước) phía trước và tựa lưng vào dãy núi (thường là phía Tây) bảo vệ phía sau, Angkor và cả Vat Phou.

Tháp Poreme nhìn từ xa, và gần. Đây là cụm tháp của vị vua cuối cùng của vương triều Champa. Có thêm một truyền thuyết về công chúa Ngọc Trân (không phải là Huyền Trân) với vị vua này, được kể lại do chú Lượng, người giữ đền dưới chân tháp kể lại. Truyền thuyết này khi trao đổi với anh Lý, cán bộ tại tháp Polonggiarai thì bảo rằng có nhiều điều chưa rõ, nên không kể ra đây nhưng cũng rất lý thú (VD như chuyện về Công chúa Ngọc Trân giả bệnh bằng cách lót bánh tráng dưới giường để khi vua đến thăm thì lăn qua lăn lại để "xương khớp" kêu lách cách... rất giống một tình tiết trong chuyện cổ tích nào đó).

Trưa vắng, nắng ngày chớm đông không gắt nhưng vẫn vàng cả ngọn đồi đầy xương rồng ngăn ngắt xanh 4 mùa. Người giữ tháp đã xuống nghỉ, một mình trên đồi nắng, bên tháp, dưới bóng cổ thụ, bên những di tích hùng vĩ của tháng năm, kiêu hãnh và đơn độc... nhắm mắt lại. Sẽ thấy được những gì, của ngày xưa, ngày hôm qua, bây giờ và ngày mai?

Sau khi rời tháp Poreme, rời chốn uy nghiêm của vương thánh ngày xưa, của những hồn dân Hời lang thang trong đêm khóc cho vận nước chơi vơi... đầy huyền bí, trở về cuộc sống trầ tục, chạy xe té khói ngược về Phan Rang và ngược lên 7km nữa về cụm tháp thứ 2, Poklonggiarai. Cụm tháp này được xây dựng TK XIII-XIV (Poreme TK XVII) và hầu như được trùng tu tương đối kỹ ngày hôm nay. Đây cũng là điểm du lịch của Phan Rang, rất nhiều xe du lịch trên tuyến đường SG-NT hoặc ĐL-NT đều có dừng ở đây cho khách tham quan. Ngày hôm đó, chỉ có duy nhất mình là khách lẻ đi lang thang ở đây. Tháp đẹp, hoành tráng, nhưng "mới" quá nên cũng làm giảm chút "nhuệ khí". Lội nắng, ngược dốc lên đỉnh đồi, ngồi dưới bóng tháp chờ khách vắng, trưa về, ... có lẽ sẽ hay hơn.

Rời Poklonggiarai, lại lên xe xuống biển. Biển Ninh Chữ hôm nay rất đẹp, nhất là khi dự báo thời tiết cho biết sắp có bão trong vài ngày tới nên hầu như không có khách du lịch. Biển vắng trước ngày mưa bão chợt sáng lạ. Thời gian cũng không còn nhiều, tận hưởng đi để còn về lên xe đi Nhatrang, tiếp tục hành trình chứ, đâu có thể dừng lại quá lâu khi phía trước đường còn dài.

Chuyến xe "hàng" mình đi từ PR ra NT, xe chỉ chở và chở đầy rau củ PR cung cấp cho NT. Mình còn được đi city tour mấy vòng nữa, được cái là chủ xe và phụ xe rất dễ thương (mình còn thắng độ 2 lần 3x2=6 chai bia (nhưng không lấy) vì thắng cá độ a/ về quốc tịch, Việt Nam hay Việt kiều; b/ về tuổi! Ha ha.

Bình minh ở Nha Trang. Sóng đã bắt đầu mạnh, về theo áp thấp nhiệt đới. Tuy vậy, mặt trời vẫn sáng ấm biển Nha Trang ngày đông sắp về.

Trưa ở Sailing Club, Nha Trang. Chỉ ra đó nằm dài là "đủ tiền" đi Nha Trang rồi, không còn cần đi đâu nữa.

Tuy vậy, buổi chiều cũng chạy ra bãi Tiên để ngắm hoàng hôn, chứ nằm ở Sailing Club thì không thấy được.

Và hoàng hôn ở Nha Trang. Thật khác ở Sài gòn! Ha Ha!

Chiều tối, lên xe Sinh Cafe đi Hội An. Và đây HA trong sáng sớm. Càng ngược ra miền Trung, càng đi vào vùng mưa mùa đông. Rất may sáng hôm đó, HA chỉ lạnh, rất lạnh chứ không mưa, làm phố cổ càng ấm áp hơn, với những chiếc đèn lồng nhiều màu.

Chùa Cầu HA sáng sớm vắng hoe, tranh thủ lúc còn chưa thu phí chạy tọt sang về, ngắm nghía, chụp hình...

Hình ảnh 2 cụ bà tâm sự trên ghế đá, sau khi đi tập thể dục về, trong sáng đông Hội An, thật dễ thương.

Và đây, những đốm lửa làm ấm mùa đông trong gian hàng nhỏ của 1 cụ bà khác ở HA

Khi đi xuống chợ, thì càng thấy ấm hơn vì cúc, vì vạn thọ, vì lay-on, vì mẫu đơn... Cứ ngỡ là chợ hoa ngày tết, té ra hôm nay là ngày Mùng 1, tháng 10 Âm lịch. Đã không biết bao lâu rồi mới gặp lại cảnh này, hình ảnh những quầy, nải chuối, những giỏ hoa vàng đỏ rực ấm cả góc chợ những ngày lễ nho nhỏ mỗi đầu cuối, giữa tháng AL này lâu, rấ lâu lắm rồi mới được gặp lại.

Và dĩ nhiên là không từ chối tô Mì Quảng, bên gánh mì nhỏ, góc chợ. Chỉ có 5.000vnd thôi. Ấm bụng, và tiếp sức cho việc lang thang tiếp phố Hội.

Hàng cây cổ thụ tỏa bóng ở đường Hoàng Diệu, trước cây cầu sang cù lao Cẩm Nam bên sông.

Những chiếc xe xích lô sắp hàng trên cầu chờ khách du lịch.

Bến sông vắng sáng mùa đông. Và chia tay sông Hoài êm ả để tiếp tục lên đường đi Huế.

Ghé lại ở Hang Âm phủ, Ngũ hành sơn. Hang cũng hay, ý nghĩa cũng hay nhưng "mông má" và nhân tạo quá nhiều, lại làm mất hay.

Và cũng dừng ở Lăng Cô. Biển xám, giận dữ trong gió gào, không còn êm ả như Nha Trang, Ninh Chữ không xa.

Đến Huế. Trời mưa bay mờ mịt. Mưa không lớn, như tóc trời giăng giăng. Nhưng trời lạnh, và mưa làm thêm lạnh. Đi lang thang trong mưa Huế cũng thật thú vị, nếu không bị các cò khách sạn, cò du lịch làm phiền. Đành chui tọt vào nhà hàng nổi trên sông Hương ngồi thưởng ngoạn mưa và bia Huế cho chắc. Trời lạnh, bia lạnh trên sông mưa bay mờ mịt, còn gì bằng! Ha Ha.

Cầu Tràng Tiền mờ mịt trong mưa mùa đông Huế. Và những con đò cũng chìm khuất, lúc ẩn lúc hiện trong màn nước.

Chùa Thiên Mụ, trong mưa và lúc chợt hiếm hoi tạnh. Và Sông Hương, nhìn từ chùa.

Và hình ảnh khó quên của chú tiểu lặng lẽ đọc sách hay học bài dưới hiên bên chuông, trong lúc từng đoàn khách du lịch ồn ào xuôi ngược.

Chia tay Huế, đêm ra Đông Hà ngủ, chờ xe sáng sớm mai đi Savanakhet (còn được gọi tắt là Savan). Ở đây gặp 1 khách Thụy điển khác cũng mua cùng vé đi Savan ngày mai, vì trong vé có bao gồm cả chi phí Guesthouse nên sẽ share chung phòng nếu không muốn bỏ thêm tiền để giữ riêng 1 phòng. Tại sao lại phải tốn thêm tiền, thế là share phòng với Helena, cô gái Thụy điển 22 tuổi xinh đẹp. (Chuyện share phòng tạm dừng ở đây và sẽ được share sau, cho vài người bạn thôi. Ha Ha).

Chào nhé! Hẹn gặp ở Lao Bảo và Savanakhet ngày mai.

2 nhận xét:

cò đen nói...

Xin cho phép tôi sử dụng bức ảnh chú tiểu đang đọc sách để làm ví dụ trong 1 bài báo sắp tới của tờ Hoa học trò

backpackervn nói...

@ Blackstork, Okie! Nếu bạn cần hình hi-res thì báo, để mình gửi file.