Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

Hành trình Bờ Y-Hạ Lào-Cambodia-HCM - 3

Vat Phou trong hoàng hôn

Salavan-Pakse

Sáng, dậy rất sớm và đi lang thang ra chợ lúc khoảng 6am. Đây là điều vẫn thường làm trong những hành trình balo để có thể cảm nhận nhiều hơn cuộc sống của cư dân địa phương. Rất may vừa ra khỏi nhà là gặp ngay 1 đoàn chú tiểu ôm âu đi khất thực. Tranh thủ chụp hình các chú tiểu xong là gặp 1 đoàn các bé gái quẩy măng đi bán, có lẽ là măng rừng hay măng tre trúc gì đó vì rất nhỏ. Các chú tiểu chỉ quay mặt đi lúc bị chụp hình, không dám rời bỏ đội ngũ chứ các bé gái thì bỏ chạy tán loạn, cũng may là chụp được vài tấm. Đi tiếp vào chợ thì thấy cũng giông giống các chợ nhỏ ở vùng quê Việt Nam, chỉ khác là họ bán rất nhiều kỳ đà (nhìn mà thèm vì đã ăn rồi, rất ngon), kỳ nhông, cá Mekong và đặc biệt nhiều là măng. Salavan là 1 trong 2 vựa lúa của Lào với phù sa màu mỡ của sông mẹ Mekong nhưng các phẩm vật địa phương cũng không nhiều. Chợ thì nhỏ, ướt và lầy lội nhưng xung quanh (và cả trong chợ) có rất nhiều anten chảo, loại thu sóng vệ tinh vì đường kính rất lớn 2-3m. Có cả 1 chú gà trống phi thân lên chảo, đứng gáy rất hùng dũng trên đó nữa. Hình ảnh tương phản thật thú vị nhưng lôi máy ra chụp không kịp, thật tiếc.

Lang thang, lòng vòng trong chợ 1 tý lại phải về vác đồ để ra bến xe cho chắc ăn. Hơi bất tiện là ở tỉnh nhỏ, lại không phải ở khu văn phòng, hành chính nên hầu như không ai nói tiếng Anh được, phải gọi ngược lên Vientiane, nhờ 1 người bạn Lào nói giúp cho tài xế tuk-tuk chở ra bến xe đi Pakse, có khi tiền ĐT gấp mấy lần tiền xe!!!. Tip: nếu bạn không học vài từ tiếng Lào đơn giản kịp thời, hãy chụp hình hoặc kiếm hình nơi bạn muốn đến (hoặc tương tự cũng được) đưa ra cho các bác tài xem, để việc trao đổi thông tin tốt hơn. Vừa tới bến xe gặp lúc 1 chuyến xe, đề bảng Salavan – Vientiane đang rời bến (7.30am), có lẽ do được chỉ dẫn rõ ràng bởi người bạn ở Vientiane, tài xế tuk-tuk đã hướng dẫn lên ngay xe này. Lúc đầu còn ngại, sau nhớ câu chuyện được nghe dọc đường hôm qua là xe đi Vientiane cũng phải ngang qua Pakse, dù dài hơn và ngược đường do vòng xuống rồi lại ngược lên. Lý do là con đường tắt, ngắn hơn khoảng 70km kia xấu quá nên các bác tài đành chọn đường này. Mà nói về đường “xấu hơn” ở Lào, Cambodia chắc các bạn khó tưởng tượng nổi nếu chưa từng đi.

Nếu nói xe này chạy với tốc độ rùa bò, không chừng bạn sẽ bị đồng chí rùa đâm đơn kiện vì tội lăng mạ. Chỉ với 113km xe chạy từ 7.30 đến gần 11.00 mới tới dừng lại 2-3 chỗ, không kể là dừng lại đón khách và cho cả 1 chiếc xe máy lên xe (chứ không phải mui xe). Cũng may là con đường cũng thú vị, xuyên qua những cánh đồng của Lào, rất khác biệt với các cánh đồng bên Việt Nam. Khác thứ nhất là bên Lào ăn nếp chứ không phải lúa, do vậy những cánh đồng này rất xanh tốt và cao lớn. Tuy vậy điểm khác biệt quan trọng không phải là điểm này. Đó chính là: rừng giữa đồng. Ngay giữa những cánh đồng, vẫn có những cây cổ thụ hoặc ngay cả những cây nhỏ hiên ngang mọc thẳng, chung với lúa. Người Lào khi khai phá đồng ruộng không chặt hết các cây mà vẫn để chúng phát triển bình thường, có khi còn trồng thêm nữa (chưa được kiểm chứng nhưng có lẽ vậy vì vẫn có các cây nhỏ). Do vậy khi nhìn vào các cánh đồng bên Lào, bạn không thể nhìn xa được vì các hàng cây đan xen vào nhau, giống như bạn đang thấy rừng và đồng lúa đang chung sống – rất ấn tượng, về cảnh quan này cũng như ý thức bảo vệ cây cối của dân Lào. Cũng dọc theo đường đi, bạn sẽ càng ấn tượng hơn nữa khi thấy các hàng cây mới trồng ven đường, có những cây bé như ngón tay út, cao vài chục cm nhưng lại được bảo vệ bằng hàng rào làm bằng những thanh, cây gỗ lớn gấp mấy lần cây con này, mới biết họ quý cây như thế nào. Và bây giờ, những cánh rừng đại ngàn gìn giữ bao đời nay của học đang “được” người anh em Việt Nam sang ồ ạt khai thác!!! Chiếc xe bò rù rà rù rì thật chán vì cảnh vật cũng không đổi thay gì nhiều. Được một cái là trên xe còn có 1 đầu DVD hay VCD gì đó, mở đĩa cho bà con có cái gì nghe nhìn những lúc buồn chán. Nhưng cái không được của việc này là luôn bị tra tấn bởi các bài hát Lào, Thái gì đó rất đơn điệu, nhàm chán, lập đi lập lại những ca khúc với ca từ na ná, âm điệu cũng ná ná, và cách biểu diễn cũng na ná. Nhận xét về nhạc Lào như vậy bổng tự hỏi là “Có ai nhận xét về nhạc Việt như vậy chưa ta?” Cũng hơi ngộ nghĩnh là trong 1 lần thay đĩa, tình cờ bài hát “Vầng trăng khóc” được bật lên. Như vậy không chỉ ở Pakse mà có thể ở Sanavan cũng có nhiều người Việt sinh sống.

Cà rịch cà tang, sau khi bị “bán” qua 1 xe tuk-tuk ở 1 ngã rẽ cách Pakse 10km, Pakse đã hiện ra phía trước. Xe tuk-tuk bỏ khách tại một cái chợ có tên là New market nên không định hướng được vì không tìm thấy tên chợ này trong bản đồ. Sau này mới biết New Market này chính là Daoheung Market (của bà chủ người Việt, tên là Đào Hương) trong bản đồ. Quanh co, lòng vòng 1 hồi, nhìn thấy dòng Mekong phía trước bèn lon ton hướng đến bờ sông để xem có dễ định vị hơn hay không, với chút kinh nghiệm nữa là các nhà nghỉ, hàng quán thường nằm dọc bờ sông. Tới bờ sông, hơi thất vọng khi chẳng thấy nhà nghỉ, hàng quán gì hết. Nói chuyện với tài xế tuk-tuk, định vị bằng dòng sông mới biết rằng ngôi chợ lúc nãy chính là chợ Daoheung. Thế là biết đường rồi, bèn tót lên xe tuk-tuk yêu cầu được đưa đến khu trung tâm, đến được KS Lankham nữa thì càng tốt. Gần đến nơi, khi tài xế còn đang bối rối tìm đường đến Lankham thì thấy trước mặt là một bảng hiệu bằng tiếng Việt “Quán cơm Liên Hương”, thế là chẳng cần tài xế đi tiếp, tót xuống xe vào hỏi thăm chủ quán Liên Hương, té ra Lankham nằm cách đó vài chục bước, bên kia đường. Thế là check-in luôn, 50.000kip/phòng là giá thấp nhất. Thực ra nếu đã đến được khu này, chịu khó cuốc bộ theo các bảng hướng dẫn 1 tý, vào các đường nhỏ hơn, có khi bạn sẽ kiếm được phòng rẻ hơn nhiều.

Cũng có cái được là Lankham ở cạnh Lanexang Travel, nơi có dịch vụ du lịch tương đối tốt, cũng như đã cung cấp những thông tin rất hữu ích cho khách. Chưa kịp cơm nước, đã “lê văn Tám” với cả 2 tên, 1 lễ tân của KS Lankham và nhân viên của DL Lanexang đã biết được lượng thông tin đáng kể. Sang Liên Hương cơm nước (cơm Việt!!! thật khác với tiêu chí bình thường của mình là đi đâu ăn đó, uống đó) và chuẩn bị lên đường. Mục tiêu chuyến đi chiều nay là đi được khu đền đài cổ Wat Phou, sang được bên kia đất Thái, qua cửa khẩu Vang Tao của Lào sang cửa khẩu Chongmek, Thailand. Thuê xe Honda ở Pakse là 80.000 kip/ngày, hơi đắt và không có việc thuê ½ ngày. Cứ tính đủ 24h trả tiền, ít hơn cũng phải trả đủ như vậy. Dịch vụ có kèm theo mấy cái nón bảo hiểm nặng như cái cối đá nhưng cũng phải đeo vào, cho an toàn với đường lạ và với CSGT. Ah có 1 điểm bạn cần chú ý là muốn thuê xe, bạn sẽ phải gửi lại pass-port, nhưng như vậy bạn sẽ không sang Thailand được. Do vậy bạn cần gửi lại ít nhất 500$ thế chân cho chiếc xe trị giá khoảng chừng 200-300$ này, không có cơ hội lựa chọn. Ưu tiên là đi trước là Vang Tao vì sợ rằng đi trễ cửa khẩu sẽ đóng cửa, với lại, tên tiếp tân tại Lankham còn chỉ 1 đường rẽ vào Wat Phou trên đường trở về từ Vang Tao, không nhất thiết phải quay về Pakse để đi, như theo đường thông thường. Dù đã hỏi rất kỹ là đường này có dễ đi không và nhận câu trả lời, kèm 1 chút ngần ngừ của y là dễ đi. Sau đó mới biết, dễ đi cho người Lào rất khác với cho người Việt!

Pakse-Vang Tao-Chongmek-Wat Phou-Pakse

Từ Lankham, Pakse đi Vang Tao mất 44km, đi thẳng đường 13, đến chợ Daoheung rẽ phải, qua chợ, chạy qua cầu, cứ đi thẳng sẽ đến biên giới. Con đường xuyên qua những thị trấn nhỏ, cánh đồng và cả những căn nhà sàn nơi các cô gái Lào đang giã gạo bằng cái cối đá ngày nảo ngày nao ở Việt Nam. Đường đi nắng lóa mắt, cái nắng thật khó chịu của xứ Lào. Đặc biệt là phía bên Lào, trước khi đến và ngay kế với cửa khẩu là 1 bãi rác với những thùng, vỏ… “made in Thailand”. Sao không dời đi đâu xa một chút, đất Lào còn thênh thang mà, sao lại chình ình ngay cửa ngõ đất nước như thế này. Đến cửa khẩu Vang Tao, bạn phải gửi xe lại, làm giấy tờ ra khỏi Lào, đóng tiền 1$/passport (và như vậy nữa khi bạn quay lại, nhớ nhé). Sang đất Thailand làm thủ tục tiếp thì lại miễn phí (bình thường mất 50 baht) khi nhân viên hải quan hỏi và biết rằng chỉ qua Chongmek chơi 1 tý rồi về trong ngày (và khi về phải vào đưa cho họ xem lại passport là có đúng vậy không, thay vì chỉ làm thủ tục ra khỏi đất Thái ở bàn xuất cảnh mà thôi). Tip cho bạn: sau khi đi, có thấy, mới tin được thông tin trên mạng có nói, mà lúc đó lại không tin là: bạn không cần làm thủ tục ở 2 cửa khẩu này vừa tốn tiền, vừa tốn công, vừa tốn thời gian nếu như bạn chỉ định đi lơn tơn qua đó chơi 1 tý là về. Bên cạnh con đường nhỏ làm thủ tục có cổng, bàn, NV hải quan … để kiểm tra giấy tờ là 1 khu vực rộng thênh thang đang xây dựng và bạn có thể thoải mái đi qua, đi về được. Dân balo quen sử dụng thẻ ATM thay vì tiền mặt thường đi rút tiền theo kiểu này, vì chỉ ở bên Thái là có quầy rút tiền, còn ở Pakse hoàn toàn không và do đó đã đưa thông tin này lên net. Còn khi bạn muốn vào hẳn đất Thái và xuất ra bằng 1 cửa khẩu khác của Thái thì chắc chắn là bạn phải làm thủ tục check in/out rồi. Nếu không, bạn có thể trở thành 1 anh chàng giống Tom Hanks trong một “The Terminal” mới nhé.

Cửa khẩu Chongmek bên Thailand còn đang xây dựng dở dang, nhưng rất hoành tráng. Từ đây vào thành phố gần nhất là Ubon của Thái khoảng 60km. Ubon cũng như Pakse bên Lào là nơi có nhiều Việt Kiều sinh sống. Có điều nhóm Việt Kiều bên Ubon là từ rất lâu, còn ở Pakse là vừa có mới vừa có cũ. Chongmek không phải là thành phố hay thị xã lớn, chỉ là “village”, theo như cách nói của cánh tài xế Thái, khi nghe khách hỏi là muốn đi thăm 1 city nào đó gần đây, nhưng không phải là Ubon vì quá xa. Do vậy, chắc ngoài khu biên mậu này, vào trong sâu 1 tý nữa cũng không có gì (thông tin này chưa kiểm chứng). Ý định đi thăm thú 1 thành phố Thailand nào đó gần biên giới tiêu tan vì xuống tận Ubon thì xa quá (!), gần thì không, mà chuyến đi này thời gian cũng hơi cập rập. Đành ở lại Chongmek. Có điều Chongmek nóng quá, kiểu nắng nóng vùng cao nguyên, khó chịu đến lóa mắt khi ngoài nắng nhưng vào bóng râm lại dịu mát ngay. Có điều bóng râm ở đây hơi ít. Các sạp hàng quán kế biên giới bán các thứ hàng linh tinh cho dân nông thôn, chẳng có gì đặc sắc. Chỉ hơi lạ là các món côn trùng như dế cơm, cào cào… được chiên vàng ruộm bày bán giống như các món nhắm, món khô mực, khô khoai… của dân Việt. Điều rất vui là đi chợ ở đây giống như đi chợ tình buổi tối ở Sapa, Việt Nam: các chủ sạp dù già trẻ luôn có 1 cái cassette mở inh ỏi những điều nhạc buồn chán, đơn điệu của người Thái, Lào, mà bạn sẽ dễ dàng nhận ra sau này, dù gặp ở đâu vì nó rất đơn giản và rất ít âm tiết, cung điệu. Nghe nhạc này trong cái nắng nóng cao nguyên, trong lúc đang say nắng thì chắc dễ bị khùng quá. Cũng may là còn có các em dân tộc xanh xanh đỏ đỏ đi tới đi lui đỡ mỏi mắt.

Nguyên tắc ăn chơi balo hàng đầu là đi đến đâu, ăn tại đó và uống bia địa phương đó cần được tuân thủ. Do vậy, lại được tiếp tục thưởng thức Shingha beer, với ý định tiếp theo nữa sẽ là Chang beer (định vị bên Thái của 2 bia này giống như Heineken và Tiger ở VN, tuy là bia local). Ah, có một điều bạn cũng nên biết, để lên kế hoạch cho tốt và đỡ bị sốc là bia ở Thái, dù chỉ là cái quán ọp ẹp ở biên giới, giá gấp đôi bia Lào (dù bia Lào ngon hơn – đã kiểm chứng và được nhiều người đồng ý). Ngồi trong 1 góc chợ nhỏ, mà chắc mai mốt sẽ bị dẹp khi khu thương mại xây xong, nhìn đoàn người đủ các dân tộc ríu ra ríu rít, Tàu xí lô xí là, Tây đủng đa đủng đỉnh… uống bia trốn nắng cũng là 1 kỷ niệm khó quên, nếu bạn không quá mệt và không quá vội. Không vội sao được vì đã hơn 3pm, bạn chỉ còn ít thời gian để đi từ Km44 Vàng Tao về đến Km 18 (ngã rẽ vào huyện Champasak) là mất 26km rồi, sau đó phải rẽ phải, đi 50km mới đến Vat Phou. Thế là ý định làm thêm Chang beer bị phá sản, có gì đâu lần sau “trả thù” gấp đôi, gấp ba. Vội vã làm thủ tục rời khỏi Chongmek, Vang Tao để ngược về Pakse. Đường về nhanh hơn đường đi, nhưng vì các hướng dẫn chỉ đường ở Lào quá tệ nên phải dừng lại nhiều lần để hỏi thăm đường. Cuối cùng rồi cũng vui mừng rẽ vào con đường đất đỏ, con đường tắt khác đến Wat Phou, di sản UNESCO thứ hai của Lào. Tip: Bạn sẽ thấy bảng hướng dẫn vào Champasak District, gần 1 cây xăng, chứ không phải là bảng hướng dẫn đi Wat Phou, cho dù Wat Phou nổi tiếng như vậy và nằm trong lòng huyện Champasak.

Con đường đất đỏ lúc đầu rất tốt, vì đã có hỏi thông tin từ nhân viên lễ tân tại KS Lankham, được trả lời OK rồi nên cũng yên tâm. Vừa đi vừa cảm thấy may mắn (!) là vì trao đổi thông tin kỹ nên biết thêm 1 tuyến đường mới vì hấu như mọi người chỉ đi Wat Phou bằng con đường chính từ Pakse, sang sông bằng phà chứ không đi đường này. Do vậy, rất phấn khởi là mình đi đường này, về đường kia là được 2 đường, rất balo. Đường đất đỏ nhưng nhà sàn của dân địa phương 2 bên cũng tương đối nhộn nhịp, những cánh đồng nếp xanh rì rì đang trổ đòng thoảng nghe mùi hương lúa non. Cảnh vật cũng như bừng sáng với những tia nắng cuối chiều dát vàng những đầm nước, hàng cây bên đường. Thế nhưng niềm vui bắt đầu bị soán chỗ bởi nỗi lo khi đường đất càng ngày càng tệ, đường rất kỳ là khúc tốt xen lẫn với khúc bị ổ voi ổ gà và đặc biệt là rất sình lầy. Do vậy sẽ càng hoang mang hơn vì không biết phía trước là như thế nào, khi bỗng nhiên có lúc trời mây vần vũ báo mưa và trời cũng đã gần tối… nhưng lòng thầm tự an ủi là nếu tên lễ tân đã nói là OK thì chắc cỡ này chứ không hơn nữa. Và thật ra là nếu không phải chạy đua với thời gian thì chắc sẽ không lo lắm, chỉ sợ đi quá xa rồi đến nơi, Wat Phou đã đóng cửa, rồi còn đường về như thê nào nữa… Bắt đầu từ km20 sau khi rẽ vào, đường ngày càng xấu hơn, và đặc biệt việc không có bảng hướng dẫn nào trên suốt con đường này (mãi cho đến vòng xoay khoảng 1km trước khi vào Wat Phou, nghĩa là gần 50km!!!) làm nỗi hoang mang càng tăng. Cứ hỏi đường suốt, hơn hai chục lần. Nhiều lúc hỏi xong lại nghi ngờ phải hỏi tiếp, nhất là khi đến cách Wat Phou khoảng 5km, nếu đi thẳng tiếp là con đường nhựa rất tốt nhưng mọi người lại chỉ là phải rẽ trái vào con đường đất đỏ, rất tệ, để đi tiếp. Rất may, ở lần hỏi đường cuối này, có 1 học sinh Lào biết chút chút tiếng Anh đã vẽ sơ đồ, vẽ rõ luôn vòng xoay sắp đến làm tin tưởng hơn chứ thật sự lúc đó cũng rất lo, khi mặt trời cũng gần tắt nắng. Thế là đi tiếp và rất vui mừng khi con đường nhựa và vòng xoay xuất hiện, rẽ trái thấy bảng “Welcome to Wat Phou”, tấm bảng chỉ đường đến WP duy nhất được thấy trên hành trình hơn 50km này. Thế mới biết cách làm du lịch của người Lào! Mà bạn cũng cần lưu ý là âm “h” ở Lào là âm câm trong 1 số trường hợp, do vậy Wat Phou thì đọc là “Vát Pu” người ta mới biết, chứ nếu có sai lệch 1 âm nhỏ như vậy, với 1 địa danh nổi tiếng như vậy mà cũng nhiều người dân cũng không biết khi hỏi thăm đường. 1 kinh nghiệm khác là bạn nên mua post-card hoặc lên mạng tải hình về và in ra, để khi hỏi đường sẽ dễ hơn khi chỉ vào đó mà speak-English-by-hand…

Quay lại việc Wat Phou rất nổi tiếng, mà vẫn có vài người dân địa phương không nhận ra khi bị phát âm sai một tý. Ở Lào chỉ có 2 di tích được UNESCO công nhận, đó là TP Luang Prabang ở Tây Bắc Lào là cố đô với rất nhiều những chùa chiền nổi tiếng Vat Mai, Vat Xiengthong… Điểm thứ 2 chính là Khu Di tích Wat Phou ở tỉnh cực nam Champasak này. Trước đó vùng này là của dân tộc Champa (tên Champasak xuất phát từ đây), sau đó khi đế chế Khmer chiếm giữ vùng này đã xây dựng Wat Phou, mô hình đền đài Hindu đầu tiên nhưng sau đó vì nhiều lý do, đế chế Khmer đã chuyển xuống phía Nam và xây dựng Angkor Wat, Angkor Thom sau này. Như vậy là Wat Phou đã được xây dựng trước cả Angkor lừng danh. Nhưng các kiến trúc đều có những nét rất chung. Khi đến nơi điều đầu tiên “buồn rầu” nhận thấy là cũng giống các Ankor, Wat Phou được xây dựng hướng về phía mặt trời mọc, sau lưng, hướng tây dựa vào 1 dãy núi. Do vậy tuy đi ngoài đường, lúc gần đến, lòng vẫn khấp khởi khi thấy còn chút nắng. Nhưng đến đây thì trời bắt đầu sập tối rất nhanh vì dãy núi phía tây sau lưng Wat Phou đã che gần hết ánh hoàng hôn. Dù tự an ủi rằng cơ hội thăm thú, chiêm nghiệm những đền đài thành quách cũ trong bóng hoàng hôn hoặc bóng đêm là 1 dịp hiếm có nhưng thực lòng là cũng hơi tiếc!!! Chưa hết, vừa đến nơi, khoảng hơn 6pm, thì thấy cổng đã đóng và ghi chú giờ thăm viếng chấm dứt lúc 4.30pm. Bỏ bao nhiêu công sức lặn lội đến nơi mà không được vào, vô cùng tiếc. Lại không có chú bảo vệ nào đâu đó hối lộ hoặc xin xỏ để cho vào. Vừa chớm ý định leo rào thì 1 chú nhóc địa phương cũng chỉ tay vào hàng rào khi thấy khách cứ quanh quẩn nhìn xuôi trông ngược. Thế là vứt xe, nón bảo hiểm leo hàng rào (may mà cũng thấp) vào và bươn thật nhanh về phía trong, mặt trời gần tắt rồi. Cũng như Angkor, dưới chân các đền đài Wat Phou là hồ nước êm đềm mà nếu chụp hình khéo, bạn có thể lấy được 2 Wat Phou, 1 trên cạn 1 dưới nước. Xây dựng đã lâu hơn cả Angkor nhưng Wat Phou cũng còn giữ được rất nhiều đường nét điêu khắc tinh xảo. Về kiến trúc, sau khi đi hết những khu vực bảo vệ vòng ngoài bên dưới, bạn sẽ leo lên chín cụm thang để đến 5 ngôi đền, 4 phụ 1 chính. Bạn nhớ đếm giúp mỗi cụm bao nhiêu bậc nhé vì lúc đó vừa tối, vừa mệt, mắt mũi thì kèm nhèm nên bỏ qua công đoạn này, dù vẫn thường hay làm trước đó. Quên chưa “lê văn Tám” là sau khi vào chụp hình được vài phút, bỗng xuất hiện 2 người tự nhận là nhân viên của Khu Di tích yêu cầu ra ngoài (English by hand) vì đã quá giờ. Sau đó vì được gửi tiền vé (hay tiền hối lộ) họ đã để khách ở lại chụp hình nhưng lẽo đẽo theo sau và yêu cầu khách ra về khi thấy dừng lại quá lâu trong đền. Lúc này, bóng tối đã bao trùm khu đền đài cũ, cũng may là bầu trời ở vùng nông thôn thường rất sáng nên cũng thấy được cảnh vật lờ mờ. Trong bóng đêm, các đền đài vươn lên mạnh mẽ, các khối đá dù đã sụp lở vẫn toát lên 1 vẻ rất kiêu hùng, các con đường lát đá vẫn như còn nguyên sau 15 thế kỷ… thật ấn tượng. Dừng chân trong bóng tối, côn trùng ếch nhái râm ran, nhìn những di tích từ thế kỷ thứ V, VI vẫn còn mãi đến giờ lòng có 1 cảm giác thật lạ, khó tả… Tính hỏi “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?” nhưng không dám! Chỉ sợ họ trả lời là mình chạy không kịp.

Đi bộ lang thang đến cổng, xe và nón vẫn còn nguyên vẹn, thế mới hay. Ở các điểm du lịch ở Việt Nam chắc cái dấu vết của chiếc xe chắc cũng không còn. Lên đường hướng về Pakse, nhưng theo đường mới, con đường “chính thống” theo như bản đồ hướng dẫn. Tuy tương đối chắc chắc vì hầu như chỉ có 1 con đường độc đạo, nhưng khi cứ đi hoài không tới và đường càng lúc càng vắng, do vậy lại cứ phải liên tục hỏi đường. Lúc này lại xuất hiện 1 nỗi lo khác, có khi nào đến quá trễ, phà không còn hoạt động nữa. Ở Việt nam, những chuyến phà liên huyện như phà Bé Tư ở Hậu giang năm nào mình đi cũng chỉ chạy đến 6pm, huống chi lại đang ở Lào, nơi thời gian (và cả công việc!!!) đều ngưng đọng. Do vậy cứ vừa đi vừa hỏi, đi một lúc thì ngang qua thủ phủ của huyện Champasak, đã hơi bình tâm, nhưng cũng tiếc (lúc nào cũng tiếc!) là nếu có thời gian sẽ dừng lại nơi đây một lúc để khám phá vùng đất xưa cũ này.

Chạy thêm 1 đoạn nữa thì rất vui mừng khi thấy “bến phà” trước mặt. Sở dĩ phải để trong ngoặc vì ở đây thật sự hông có bến phà, chạy thẳng từ trên dốc xuống là lên ngay chiếc phà cập sát mé sông và rất rộng như 1 cái cầu phà ở Cát lái, Thủ thiêm. Lúc đó cũng chỉ nghi nghi thôi và cứ nghĩ rằng đây là 1 bến phà và mình đang chờ phà từ bên kia sông sang. Càng tin nó là bến phà và nỗi nghi ngờ dường như bị tan biến khi thấy rằng từ xa đang có 1 chiếc “phà” từ bên kia sông sang. Thật vậy, có 1 chiếc “phà” đang sang và có cấu tạo rất ngộ nghĩnh, làm bằng 2 chiếc thuyền độc mộc nối với nhau bằng 1 tấm ván, diện tích khoảng chừng 1.5mx3m. Và thế là người và xe ngồi trên tấm ván giữa 2 chiếc độc mộc đó đó, ca hát inh ỏi trên chuyến phà đặc biệt này, trong khi đó, phà vận hành bằng 1 trong 2 chiếc độc mộc bé xíu. Và cả sự cập bến của chiếc “phà” này cũng vô cùng ấn tượng, chỉ có 1 miếng ván nhỏ xíu bắc từ “phà” vào “bến phà”, rất chông chênh vì phía bên phía “phà” cao hơn phía “bến phà” khoảng 40cm mà miếng ván dẫn lại rất ngắn. Cả nam lẫn nữ cứ thế mà phi xuống dốc với miếng ván bề ngang chừng gang tay! Hơi hoang mang nhưng lúc đầu cũng nghĩ rằng nếu đây là phương tiện duy nhất thì chắc mình cũng phải đi thôi, vì no-way-out. Rất may là sau đó được giải thích là phương tiện nguy hiểm này chỉ được dùng cho dân trong vùng. Và cũng chỉ vài phút sau, khi có thêm 1 chiếc xe tải chạy xuống “bến phà”, cái “bến phà” từ từ khởi động và nhổ neo. Thì ra, nãy giờ đang đứng trên chiếc phà mà cứ mải ngỏng cổ sang bên kia sông tối đen như mực để mong chờ 1 chiếc phà khác xuất hiện! Cũng hay, không đi làm sao biết. Phà đi trong đêm tối đen trên con sông Mekong cũng tối đen, sang sông mất khoảng 10p. Lên bến đã hơn 8pm, thẳng tiến về Pakse, còn khoảng hơn 30km nữa.

Đường đi tối đen như mực, lúc còn đi con đường nhỏ trong bản Muang (vừa qua phà lên), đom đóm bay lập lòe đây đó, hương hoa café chắc ở đâu cũng xa nên chỉ hơi dìu dịu. Đường rất tốt, chỉ khổ nỗi là hơi tối và đặc biệt là các cây xăng lớn nhỏ đều đã đóng cửa dù chưa tới 9pm. Cũng may là có vài điểm bán xăng lẻ lề đường như ở Việt Nam nên ghé vào đổ xăng cho yên tâm. Nói phỉ phui, đi đường này ban đêm mà xe bị hết xăng, xẹp lốp hoặc chết máy chỉ có nước ngồi khóc tiếng Mán chứ chẳng biết làm gì hơn vì suốt đoạn đường gần 30km chỉ thấy 2-3 cụm dân cư còn sáng đèn và rất lâu mới có 1 chuyến xe ngang qua. Và rất mừng khi đến được ngã rẽ lúc trưa bị xe bus “bán” cho tuk-tuk. Kể lại thì thật dài, thật nhiều việc nhưng thời gian từ trưa đến giờ thì chỉ mới có 1 buổi chớ mấy, thế sao “vẫn có chỗ” cho biết bao nhiêu là “biến cố”. Có quá nhiều những điều mới lạ cho những chuyến balo phải không bạn! Vậy sao bạn chưa chịu lên đường?

Về Pakse, tắm rửa xong, phi ra đường cũng gần 10pm. Cũng may là lúc nãy trên đường về có ngắm nghía 1 vài quán đông đúc. Quay lại thì may thay quán vẫn còn đông. Thế là vào, uống beer Lào, với đặc sản Lào, cái “phức hợp” lẩu + barbecue mà đã từng thưởng thức ở Vientiane, Luang Prabang, Panam, Houixay, cả ở 14 Bà Huyện Thanh Quan, SG nữa (nhưng hơi bị ẹ). Thú thật là sau 1 ngày rất mệt vì đủ thứ chuyện trên đời nhưng vẫn cảm thấy món ăn rất ngon, bình thường chắc còn ngon hơn nữa (?). No cơm chán chè lại chạy tiếp ra bờ sông, lúc này hàng quán đã dẹp hết, chỉ còn một quán “bar-café” bờ sông còn mở cửa. Vào, gọi bia chưa kịp uống là thấy mắt bắt đầu díp lại đành đi về ngủ sớm – có lẽ do ngày hôm nay đường đất quá nhiều, quá mệt. Với lại, sáng mai tranh thủ dậy sớm đi vòng vòng Pakse chuyến chót vì đã đặt chỗ chuyến đi lúc 8.30 đến vùng Siphandon 4.000 đảo rồi, không có chuyến trễ hơn. Thế là đành “Good night” đêm Pakse ngoan hiền, ngủ sớm!

Không có nhận xét nào: