Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

Những ngày lang thang - Đồng Văn-Mèo Vạc-Khâu Vai-Phó Bảng-Quản Bạ

Trước khi đi vào chi tiết hành trình, xin tóm tắt lại cung đường Đông Tây Bắc Việt Nam đã đi trong chuyến này. Những địa danh được liệt kê ở đây, cũng như sẽ tường thuật lại, đều là những nơi đã lưu lại, hoặc qua đêm, hoặc “tương đối” đủ lâu để có thể kể lại với các bạn, dĩ nhiên là theo thứ tự về thời gian. Những địa danh trong ngoặc chỉ là nơi tạm dừng chân, hoặc dừng chân không đủ lâu, hoặc là điểm dừng chân bị trùng lắp do kế hoạch chưa chuẩn.

(Đoạn trước của hành trình: HCM – Phan Rang – Nha Trang – (Ngũ Hành Sơn) – (Lăng Cô) – Huế - (Đông Hà) – (Lao Bảo) – Savanakhet / Lào – Mukdahan / Thailand – That Phanom – Nakhon Phanom – Sakon Nakhon – (UdonThani) – Nongkhai – Vientiane – Vang Vieng – Vientiane).

Vientiane – (Namphao / Cầu Treo) – (Vinh) – (Hà Nội) – (Hà giang) – Yên Minh – Đồng Văn – Lũng Cú – Phó Bảng – (Đồng Văn) – Khâu Vai – Mèo Vạc – Lũng Pù – (Đồng Văn) – Phó Bảng – Quản Bạ - (Hà Giang) – Thanh Thủy / Tan bao (TQ) – (Hà Giang) – Bắc Mê – Bảo Lâm – Cao Bằng – Trùng Khánh – Bản Giốc – (Cao Bằng) – Phủ Thông / Bắc Kạn – Ba Bể - (Đà Vị / Tuyên Quang) – Nà Hang – Đà Vị - (Tuyên Quang) – (Đoan Hùng) – (Yên Bái) – (Lào Cai) – Mường Lay / Điện Biên – Mường Tè – Lai Châu – Sìn Hồ - Sapa – Lào Cai – Cốc Ly – (Bắc Hà) – (Simacai) – (Phố Ràng) – (Lào Cai) – (Hà Nội) – Cát Bà – (Hà Nội) – (HCM).

Hành trình ở Việt Nam sẽ không đi nhiều vào chi tiết, vì hầu như các bạn nhiều hoặc ít cũng đã từng đi hoặc biết, chỉ dừng lại ở các điểm nhấn và đặc biệt các bức hình “chộp được”. Các “cảm nhận” sẽ có thể gây phản cảm sẽ được ghi lại trong các entry khác.

Xe bus khởi hành từ Vientiane lúc 7pm, cho dù 5.30pm bạn sẽ được đón tại guesthouse đến điểm tập kết để chờ. Xe chạy gần đến biên giới Lào Việt khoảng 2-3am sẽ dừng lại ngủ để chờ sáng mai làm thủ tục. Bạn nên đi xe của Lào, giá vé 22US$, thay vì đi xe Việt, xe chạy rất đàng hoàng và không có cảnh dừng lại đón khách hoặc trả khách trong suốt chuyến vì hầu hết khách trên xe là dân balo, đi thẳng từ Vientiane đi Hà Nội. Đến sáng, xe chạy đến biên giới để làm thủ tục. Cảnh tượng rất hỗn độn, nêu không muốn nói là hơn thế, do thói quen không biết xếp hàng và luôn thích chen lấn của dân Việt công với sự tắc trách của cán bộ hải quan 2 nước. Hôm đó, đã mất gần 2.5h cho việc làm thủ tục, dù không cần làm visa. Tây có cửa riêng và còn bị hạch sách đủ điều tệ hơn rất nhiều. Và thế là lên xe nghe chửi. Xe chạy đến Vinh khoảng 12am. Các hàng quán tại đây lại “mài dao” chém khách Tây một cách vô cùng tham lam và thô thiển (vì bị làm phiên dịch bất đắc dĩ hôm đó). Lên xe nghe tụi Tây balo chửi mà cảm thấy nhục. Tình trạng này cũng tiếp tục lập lại khi xe về đến Hà Nội, khoảng 8.30pm. Các nhân viên (tự xung là HDV du lịch) hay dân côn đồ (dù là nữ) của các nhà nghỉ tại khu phố cổ Hà Nội lại tiếp tục lên xe lừa gạt khách Tây balo và hăm dọa gào toáng lên (dù trước đó “dịu dàng” dụ dỗ lúc còn trên xe) “Bà đập cho vỡ mặt…” khi mình chỉ đường giúp cho 1 số khách thận trọng (vì được cảnh báo rõ ràng trong nhiều guide-book) hỏi thăm. Người Hà Nội thanh lịch là đây sao? Mệt mỏi – mới quay lại VN chỉ nửa ngày mà sáng giờ đã nghe khách Tây chửi dân Việt đầy lỗ tai 3 lần, đúng 3 lần bước xuống đất (cửa khẩu, Vinh, Hà nội). Vác tấm thân ra bến xe Lương Yên (bến xe gần khu trung tâm nhất nhất có tuyến đường đi Hà Giang) kiểm tra giờ giấc và sang khu đối diện thuê nhà nghỉ. Đi ăn tối, và cũng bị chém nữa, dù mình là dân anamit 100%. Thôi kệ, mệt mỏi quá rồi, về ngủ sớm để sáng mai dây sớm đi kịp chuyến xe 3h sáng.

Sáng 19.11. Dậy rất sớm, ra bến xe lúc 2.30am và chờ đến 3.30am. Xe tiếp tục làm city tour để đón khách, tiếc là trời tối mịt chẳng thấy được gì!!!! Xe này phục vụ cũng rất Bắc. Khi xe dừng lại, tài xế xuống uống chè, hút thuốc lào. Mình bước xuống, vừa gọi đồ ăn sáng, vừa bưng lên là tài xế và chủ xe đứng lên cho xe chạy, dù biết rất rõ là mình chưa kịp ăn (dĩ nhiên là phải trả tiền). Cũng chẳng đáng gì, vì mình chịu đói cũng được. Chỉ nhớ hôm từ Vang Vieng về Vientiane, cũng tương tự vậy, nhưng cô bé chủ xe đã chờ mình ăn xong, lên xe ngồi đàng hoàng rồi mới cho xe chạy, dù mình bị trễ, chứ không như ở Hà Nội thanh lịch, mình vừa chưa ăn, vừa phải chạy trối chết theo xe. Đường từ Hà Nội lên đến ngã 3 Đoan Hùng xấu nhưng xe vẫn chạy như đi ăn cướp, không thì mất khách thì sao. Đường từ Tuyên Quang đến Hà Giang tốt hơn. Và khách đi Hà Giang bị chuyển (hay bán) sang 1 xe khác ở ngã 3 Xín Mần! Dù sao, cũng đến được Hà Giang lúc 11.30am. Mừng quá!

Đến bến xe Hà Giang, đi lòng vòng kiếm điểm internet để chép hình vào đĩa CD cho an toàn nhưng cả mấy nơi (kể cả cái BĐ to vật vã của nhà nước đều không có ổ CD). Trời thì nóng, đường thì bụi mà hỏi thăm đường xá, quán ăn… theo guidebook hướng dẫn thì chẳng ai biết (!). Chán quá ra lại bến xe, quyết định đi thẳng lên Đồng Văn luôn. Ra đến nơi, hỏi thăm (kể cả chủ quán ăn chuyên phục vụ cho cánh tài xế ở bến xe) đều cam đoan là xe Đồng Văn gờ này không còn. Chán hơn nữa, và mệt nữa. Ngồi đại xuống quán cơm ngay bến xe kêu đại cơm trưa. Cơm vừa đem lên thì thấy xe đi Đồng Văn chạy ngang qua, ra chận xe đón và kêu chờ, thì “được bảo” là chỉ chờ “1 tý” thôi. Thế là vội vàng lua vài miếng và lên xe. Đúng là …!!!

Xe chỉ có 2 – 3 người Kinh (quá), còn chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mong, Dzao… và bị phụ xe đối xử thật tệ. Nhồi nhét (dĩ nhiên cả mình cũng bị nhưng còn đỡ hơn), chèn ép, la mắng… dù tiền vé vẫn như nhau. Cố quên mọi thứ và bắt đầu mục đích chính của hành trình, chime ngưỡng cảnh vật của cao nguyên đá Đồng Văn. Đường từ Hà giang lên Đồng Văn ngang qua 2 huyện Quản Bạ, Yên Minh, với điểm nhấn là Cổng trời Quản Bạ. Đường đi thật đẹp. Đoạn đầu, rất ấn tượng với Cổng trời, nhưng càng lên cao, những con đường ngoằn ngoèo nguy hiểm của Yên Minh và cao nguyên đá Đồng Văn dần hiện ra với núi đá cao chập chùng, những núi đá, bãi đá tai mèo xen lẫn với hoa chó đẻ tím, hoa tam giác mạnh đủ màu hồng trắng tím, hoa cải vàng… rất ấn tượng. Đó là chưa kể đến những ngôi nhà “trình tường” bằng đất lúc vàng lúc trắng lúc hơi đỏ (làm bằng đất, vách dày 40-50cm), những hàng rào đá, những mái nhà lợp ngói âm dương, những hàng hiên nhà treo đầy ngô vàng, ngô đỏ, lá thuốc lá nâu… thật ấn tượng. Thêm nữa là hình ảnh những chiếc váy hoa nhiều màu của các bà các chị hay những chiếc áo xanh màu chàm đơn giản của cánh nam giới, gùi những bó rau, đậu, những bó củi… to đùng như những điểm nhấn trên con đường đèo hun hút lúc chập chờn nắng lúc lãng đãng mây.

Dừng lại ở Yên Minh, cũng đủ lâu để đi lòng vòng phố thị và sau đó xe bò đến Đồng Văn lúc 5pm. Các KS đều nằm gần chợ huyện. Sau khi nhận phòng, “tám” với lễ tân để biết tình hình ăn chơi cũng như các dịch vụ khác, ra đường làm 1 vòng và quanh lại kiếm quán ăn. Đã bị cảnh báo nhưng chủ quan, tất cả (cũng chỉ có 3 quán) đều không nhận khách ngoài vì hôm nay chỉ nhận đặt tiệc cho ngày 20.11 và tour du lịch đặt trước. Không lẽ ăn mì gói, thế là nói với chủ quán là mình chỉ cần một chỗ ngồi và ít thức nhắm để uông rượu thôi (!), không cần ăn cơm. Thế mới xong. Cũng may là nơi đó tổ chức 20.11 cho các thầy cô giáo huyện Đồng Văn, cùng lúc với nhóm khách Tây du lịch bằng xe máy và 2 HDV du lịch. Được chúc mừng các thầy cô bằng “hoa ngô” (rượu ngô) Đồng văn, bị hỏi thăm về cảm nhận Đồng Văn… thế là vừa uống rượu (với chủ yếu các cô), vừa “lê văn Tám”… cuộc vui bắt đầu ở quán, sau đó là lên trường cấp 2-3, nơi tổ chức đêm Hội diễn văn nghệ 20.11, và kết thúc (phần dài nhất của đêm) ở quán cháo đêm, nơi gặp rất nhiều anh bộ đội, công an biên phòng, nơi cụ chủ nhà người H’Mong vui vẻ nâng chén với các chú Tây và cả khách SG, nơi các cô giáo cùng “cạn ly bôi” với các anh bộ đội… cho đến đêm, 0.30am mới lê về đến KS, trong cái giá lạnh của cao nguyên đá mùa đông. Đêm đầu ở Đồng Văn thật vui, biết thêm vài người bạn, thầy giáo Đức (đã chuyển sang công tác Đoàn), cô giáo Phong, cô giáo Thanh…

Sáng hôm sau dậy sớm ra chợ dòm ngó. Dù gì cũng phải chờ chiến hữu từ Hà Giang trưa mới lên tới để đi tiếp nên còn rất nhiều thời gian. Chợ huyện nằm ở khu phố “cổ” của Đồng Văn. Vì ngày chợ phiên là hôm qua nên hôm nay hơi vắng. Do vậy, quyết định đổi hướng đi lang thang vào các hẽm của thị trấn, cũng rất hay. Bỏ qua mặt tiền phố xá là các nhà xi măng, chỉ cần rẽ ngang là bạn gặp ngay cánh đồng bậc thang cuối mùa gặt trơ khấc những gốc rạ, các con đường râm mát, các căn nhà đất, nhà trình trường với hàng rào đá, những dây phơi với những chiếc chăn, chiếc váy, khăn đủ màu sặc sỡ… bay trong ngày nắng hiếm hoi. Chỉ tiếc là một số ngôi nhà đã bắt đầu thay bằng xi măng, mái ngói âm dương hay vảy cá (không biết gọi vậy có đúng không) thay bằng mái tôn, mái ngói, hàng rào đá xếp thay bằng hàng rào đá xây tô với xi măng… các chàng trai H’Mong đã vây quanh chiếc bàn bi-a thay vì khèn môi khèn lá, phi như bay trên những chiếc xe cào cào (Win Tàu hoặc gần giống như vậy) thay vì cỡi ngựa… Có điều là các em bé, các bà cụ vẫn rất dễ thương, rất vui vẻ với khách lạ.

Trưa. Thuê xe máy tự đi Lũng Cú. Ngược lại đường về Hà Giang 14km và rẽ thêm 26 km vào Lũng Cú địa đầu tổ quốc. Đường đi cũng tuyệt đẹp như đã đề cập, chỉ có khác là hôm nay đi xe máy, tự đi nên cảm giác khác hẳn. Đường thì hẹp hơn, dốc hơn và cũng quanh co hơn và do chưa quen nên chạy rất rất chậm. Dù sao thì cuối cùng cũng tự hào đã tự bò lên được đến Lũng Cú. Và rất tự hào được đứng nơi cột cờ. Ngồi chơi, nói chuyện chụp hình với các cô giáo địa phương đi chơi ngày 20.11 xong xuống núi và đi tiếp qua Phó Bảng, nơi được đề cập, giới thiệu là rất đặc biệt trong một vài blog du lịch.

Phó Bảng trước là thủ phủ của huyện Đồng Văn, thay vì trung tâm huyện hiện nay, dời vào năm 1979 – có thể do tình hình an ninh lúc đó – từ trung tâm Phó Bảng đến biên giới Việt Trung chỉ 3km. Cao nguyên Đồng Văn, xã Phó Bảng trước kia nổi tiếng với hoa anh túc, hiện nay đã thay bằng các cây trồng khác (theo báo chí), đặc biệt là các vườn hồng, có thể thấy trên đường vào. Phố cổ tại Phó Bảng thật đẹp với những căn nhà trình tường bằng đất nhưng có 2 tầng. Vào chơi nhà bác Lý Hội Vần, người Pú Péo, uống trà và nghe kể chuyện xưa thật thích nhưng vẫn phải chào để về sớm vì nghĩ đến đoạn đường xa xôi (gần 45km) đường dốc chưa quen mà phải chạy tối. Thế là về, thật tiếc và hẹn sẽ quay lại (đã thực hiện sau đó). Cũng vừa kịp là trên đường về còn ghé được vào Nhà Vương, thăm di tích lịch sử của Vua Mèo vùng cao nguyên đá (vì còn có các Vua Mèo khác nữa, như ở Bắc Hà…). Về đến nhà trời tối mù mịt, dù chỉ mới hơn 6pm. Đi ăn xong, lòng vòng sao lại leo Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Văn (mà lúc đầu cứ tưởng là đường lên lô-cốt cũ thời Pháp, lên đến nơi mới biết). Ngồi chơi cho đến lúc có các cặp cư dân địa phương lên tâm sự (mà lúc đầu cũng hơi sợ vì tưởng là…) mới xuống phố, lê la phố phường (phát hiện được điểm thuê xe máy 100.000d/ ngày, thay vì 400.000d nếu thuê từ KS (cũng chỉ thuê giùm)!!!!) cà-phê,… về KS “lê văn Tám” với mấy cư dân địa phương, đến gần 12pm mới đi ngủ, sau khi phát hiện thêm nhiều điều “hay mới lạ”.

Sáng 21.11. Dậy sớm vì chương trình ngày hôm nay rất dài. Trước tiên là leo lên khu di tích lô-cốt của Pháp. Vốn nhát xe, đã tính bỏ xe đi bộ từ chân núi nhưng 2 tên CA quen hôm trước nói là chạy xe lên được, mình cũng ráng chạy lên (cũng có phần chủ quan vì nghĩ đã quen đường khi hôm qua đã chạy hơn trăm cây số). Không ngờ lên nửa chừng dốc quá phải quăng xe đi bộ. Lúc xuống, chạy không được, dắt không được, đành xuống nhờ dân địa phương dưới chân núi cũng bị từ chối phải ra tít ngoài phố mới nhờ được 1 thanh niên trẻ. Lúc đầu cậu chàng cũng nghĩ là chạy được, leo lên ngồi chạy thử nhưng cuối cùng cũng phải xuống dắt bộ với sự trợ giúp ghì kéo từ phía sau của mình – như vậy là tại quá dốc chứ đâu phải mình quá tệ. Quay lại lô-cốt cũ thời Pháp. Nơi đây đúng là vị trí chiến lược, có vách núi đá che chở phía sau và nhìn được hết đồng bằng Đồng Văn bên dưới. Đã hơn ½ thế kỷ trôi qua nhưng mọi thứ hầu như còn nguyên, trừ phần mái.

Xuống núi, chuẩn bị đi Mèo Vạc và đèo Mã Pí Lèng huyền thoại. Thật không hổ danh, Mã Pí Lèng (MPL) thật hoành tráng và thật đẹp. Đường đèo cheo leo hiểm trở giữa núi rừng trùng điệp hiểm trở bên vách núi, bên đèo sâu. Xa xa bên dưới, thi thoảng sông Nho Quế như 1 dải lụa xanh chảy mượt, chợt ẩn chợt hiện trong cao nguyên đá thật đẹp và ấn tượng. Chỉ tiếc là máy chụp hình không pro nên chụp không đẹp lắm trong điều kiện thời tiết mùa đông hiếm nắng. Dừng chân, ngồi thơ thẩn tại bia đá tưởng niệm những người công-nông dân xây dựng đèo MPL cũng như đường Hạnh Phúc từ HG đến Mèo Vạc, cảm giác thật lạ, thật khó diễn tả. Đi mãi trên đường cũng hết con đèo dài 22 km (được mệnh danh đẹp nhất VN trong vài guidebook), đi ngang qua 1 bản làng của dân tộc Lô Lô trước khi đến thị trấn Mèo Vạc. Trong trí tưởng tượng cũng như nghĩ về địa hình, tên gọi… cứ nghĩ Mèo Vạc hoang sơ hơn, nhỏ hơn Đồng Văn nhưng không phải. Mèo Vạc đã được xây dựng từ trước, rộng hơn và cũng Kinh hơn rất nhiều. Vào chợ lang thang thấy giống như chợ miền xuôi, ít “dân tộc” hơn Đồng Văn nhiều. Đi lang thang ăn “phở chấm” đặc sản xong lên xe chạy tiếp đi Khâu Vai, vùng đất của phiên chợ tình 27.03 mỗi năm. Đường đi càng lúc càng cheo leo hơn vì càng vào sâu, đường đi chưa làm xong, lởm chởm hầm hố, bụi đất mù trời, gò đống ngổn ngang… Hôm nay Khâu Vai có chợ phiên. Trên đường đi có rất nhiều anh chị em các dân tộc đi chơi chợ về. Từng tốp, từng tốp, có tốp nam thanh nữ tú trò chuyện ríu rít, có tốp các phụ nữ lớn tuổi lầm lũi gùi hàng, có tốp các anh các chú lờ mờ đi trong men say…trông thật hay. Đến chợ phiên Khâu Vai trời đã quá ngọ, chợ phiên đã tàn, chỉ còn những người dân tộc anh em đang ngồi uống rượu vui vẻ. Kế bên chợ là trường học và khu nội trú của các em bé dân tộc. Các bé thật dễ thương trong khi các cô giáo người Kinh thì quá “chằng”, la mắng hò hét các bé không 1 chút gì gọi là sư phạm, khi thấy các em chưa dọn dẹp xong. Như vậy thì còn dạy cho ai hả trời, chỉ tội nghiệp các bé, rất vui vẻ chào đón các anh chị người Kinh và rất vui mừng khi được chụp hình. Các bạn có đi Khâu Vai thì nhanh lên vì hiện nay, ở đây đang xây dựng khu thủy điện, 1 con đường bê tông đang chạy ngang qua xã, công nhân đang đổ về…. và sắp đến Khâu Vai sẽ không còn cả chợ tình cũng như những gì còn dễ thương sót lại hôm nay. Trên đường về, rẽ trái vào Lũng Pù. Con đường thật lạ và đẹp với những bãi đá tai mèo nằm ngay bên đường, chen lẫn với những cánh đồng ngô, những hàng rào đá… Vào đến Lũng Pù, tìm thầy giáo Hưng không gặp (HDV tự nguyện địa phương), vào thăm các cô giáo vùng cao, “lê văn Tám” xong lên đường ngược về Mèo Vạc. Về đến Mèo Vạc, lang thang phố thị, lang thang vào bản Lô Lô chụp hình… xong lại leo ngược Mã Pí Lèng về Đồng Văn. Dĩ nhiên là vẫn ghé lại điểm dừng Bia tưởng niệm để ngắm hoàng hôn cao nguyên đá trước khi ngược tiếp, vì biết rằng lần quay lại nơi đây sẽ còn rất xa. Về lại Đồng Văn, đi lòng vòng ăn uống, lê la ngồi quán mía hấp lề đường… xong về ngủ sớm vì sáng mai phải khởi hành rời Đồng Văn lúc 5h sáng rồi. Kế hoạch là đi chuyến sớm để ghé Phó Bảng chơi sau đó bắt chuyến xe trưa để kịp về Quản Bạ (mỗi ngày chỉ có 2 chuyến).

Theo đúng KH, sáng 22.11 lên đường rời ĐV lúc 5am. Xe đến Phó Bảng thả khách xuống lúc gần 6am, đường phố còn tối thui, lạnh buốt, vắng tanh. Lang thang trong phố, ghé nơi này nơi khác, ăn uống, chui vào quán làm phụ bếp giúp anh chủ quán người dân tộc vui tính…xong thuê xe máy chạy lên biên giới. Nài nỉ, khóc than… nhưng cũng không được qua biên giới (vì không phải là người địa phương nên không làm thẻ thông hành được) đành đứng xớ rớ chụp vài tấm hình xong lại ngược về Phó Bảng. Đi lòng vòng tiếp, cuối cùng đi bộ (5km đèo dốc) ra ngã ba chờ chuyến xe trưa về Quản Bạ. Đường đi thật đẹp và rất thú vị vì được nhiều người anh em dân tộc trố mắt nhìn, có lẽ lần đầu họ thấy anh em người Kinh đi bộ, giống mình.

Ra ngã ba chờ xe, đây cũng là 1 cổng trời (không nhớ tên vì không ghi lại) giữa Yên Minh và Quản Bạ. Gió lồng lộng trải dài, nhiệt độ nơi ngã ba này lạnh nhất Đồng Văn, như lời người dân địa phương. Cuối cùng, xe cũng đến Quản Bạ lúc gần 3pm. Quản Bạ này gần như thị trần người Kinh vì rất gần Hà Giang. Okie, lang thang trong phố 1 hồi (thăm chợ, núi Cô Tiên (dzỏm)…), quyết định sẽ chinh phục cổng trời Quản Bạ bằng “chân” thay vì bằng xe máy. Đường thật dốc, Cổng trời mà, do vậy gần 4km từ Tam Sơn (thị trấn thủ phủ của huyện Quản Bạ) lên đến đỉnh phải dừng chân nghỉ vài lần (tuy vậy độ dốc ở đây cũng chưa bằng ở Côn Đảo, ở đường lên đài ra-đa). Và cuối cùng, cổng trời hùng vĩ đã hiện ra, lúc hoàng hôn dân tắt những tia nằng cuối cùng. Ngồi ngay cổng trời hun hút gió hoàng hôn vừa xuống bên này, trăng vừa lên bên kia vách núi sẽ là thời khắc khó quên. Nhưng rồi cũng phải về vì trời đã tối, đêm đã đen, sương đã lạnh. Men theo đường, đi bộ xuống núi trong ánh trăng cao nguyên vằng vặc, trong cái lạnh theo sương đá ùa về, trong gió núi hoang hoải và thi thoảng tiếng chim rừng khoắc khoải đâu đó vọng về… đây là những lý do để bạn có thể quên được những khó chịu vì thái độ cư xử của những người dân (làm dịch vụ) ở vùng đất Bắc Việt này.

Không có nhận xét nào: