Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2007

Về lều, ngày yên bình




Về lều, ngày yên bình, không bạn bè, không bia bọt, chỉ có nắng qua vườn tràm, có gió qua rặng trúc, có những bông súng trắng ngơ ngác nở trong ao nhỏ.

Sông xa đầy nắng

Cánh đồng lúa xanh vẫn ngang qua nhiều ngày nhưng nay mới ghi lại

Ngõ nhỏ, hàng cau nhỏ

Hàng trúc bên sân

Góc sân nhỏ bình yên ngày nắng hiếm hoi cuối mùa.

Súng dại nở lạc loài bên ao nhỏ

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2007

Lướt qua Kanchanaburi - Sangkhlaburi - 5




Hôm nay lại được thư giãn, nhâm nhi, nhấm nháp nhìn hoàng hôn trên sông nữa. Quá đã! Các bé phục vụ dễ thương, cám cảnh khách ngồi một mình tội nghiệp (hic) đã phục vụ rất nhanh chóng, nhanh hơn các bàn bên cạnh, mà đi lúc nào đi ngang qua cũng cười cười. Cũng cười cười lại, cho đời thêm tươi! Lạ, uống vài ly vào hoàng hôn nhìn đã đẹp càng đẹp hơn, may mà không sống cùng thời với Lý Bạch ôm trăng! Xa xa bên kia sông là dãy núi đá chạy dài dọc theo bờ sông, lúc gần lúc xa. Sông ở đây thì không có khói lam chiều từ các ghe đò của dân vạn chài, chỉ có tàu du lịch dùng toàn bếp gas nên chẳng thấy sương khói mờ ảo. Do vậy hoàng hôn xuống không lãng mạn như ở Luang Prabang hay Houiyxay, Sangkhlaburi… nhưng cảnh tượng lúc mặt trời dần chìm sau núi, sông mênh mang xanh chuyển dần sang đỏ, sang tím, sang đen và lúc này lại sóng sánh ánh đèn cũng làm khách cô đơn cảm thấy bồi hồi (hic), hay nhờ sự hỗ trợ của tý men. Cứ thể, cám cảnh sinh sự, khách cô đơn cứ mặt sông mà ngắm, bàn bên cạnh, bàn chung quanh, cả quán… thì rất ồn ào vui vẻ. Chỉ có 1 bàn lặng lẽ, nhưng vẫn vui, như thường.

Cứ thế, đêm trôi - được 1 khúc. Gần 8pm rồi, phải chuyển chỗ thôi. Số là lúc chiều đi lang thang trên đường, có thấy 1 chiếc xe nhong nhong đi phát tờ rơi về chương trình firework-show kể lại lịch sử cầu sông Kwai, nghe hấp dẫn, đã đặt chỗ. Tưởng đông khách lắm, té ra chỉ có 3 người (!) và đây cũng chỉ là minishow. Show chính thức diễn ra hoành tráng trên sông Kwai chỉ tổ chức vào cuối tháng 11 hàng năm. Ai ngược Kanchanaburi vào lúc đó, nhớ hú nhé! Dù sao cũng là lạ, ngồi xem, nghe khoảng 30p, cũng biết thêm chút chút về lịch sử cây cầu này, chút thôi vì nghe cũng không hết chăm-phần-chăm. Dù sao cái này cũng hay-mới-lạ, chưa xem làm sao biết.

Em gái nhân viên của show rất dễ thương, sau khi xem xong lấy xe chở ngay tới 1 pub của dân địa phương theo yêu cầu của khách. Đi bụi chỉ thích vào chỗ nào cho cư dân địa phương thôi, pub cho Tây ở xì-gòn chơi cũng được, đi đâu cho xa. Theo bé, đây là pub nổi tiếng hay nhất, vui nhất và đông đúc nhất cho dân địa phương, ở đó có cả 1 cái sàn nhảy nho nhỏ ở giữa nữa, ai thích cứ chơi. Thế nhưng khi rủ bé vào bé từ chối, nói có hẹn rồi. Mà đúng rồi, hôm nay là thứ Bảy, đâu phải lúc nào cũng có khách dễ thương (!) mời đi chơi, không hẹn đi chơi trước không lẽ bây giờ về nhà viết blog à! Đành tự thân vận động vào pub (không dùng từ một mình nữa vì quá nhiều và quá nhàm!). Đúng là dội thật. Bước qua 2 lớp cửa kính âm thanh cứ đập ầm ầm. Kệ, mình còn trẻ mà (!), nhằm nhò gì mấy cái trò này. Thẳng tiến tới quầy bar kéo ghế ngồi gọi nước. Kinh nghiệm là sẽ không ai hỏi đi bao nhiêu người, lại buồn nữa. Mà đúng thật. Các bạn trẻ ở đây thật vui, lúc còn sớm, trên sân khấu còn có 1 ban nhạc và nhiều ca sĩ hò hét nữa, không biết có nhép không chứ kiểu vừa hét vừa nhảy thế này, giỏi lắm mình làm được nửa bài! Ngồi chơi quên cả thời gian, cứ lắc lư thoải mái, uống và hò hét thoải mái, nhờ thế mà đỡ say, như lúc đi rống karaoke vậy. Đêm gần tàn, có các bạn trẻ ngồi bàn kế bên thấy mình tự thân vận động nãy giờ, mà sung quá, chìa ly qua cụng côm cốp. No refuse, why not? Thế là mình cũng tham gia luôn. Cũng rất may là pub xuống nhạc, sáng đèn… thế là bớt uống. Bạn trẻ rủ đi tiếp. May vẫn còn đủ tỉnh táo để biết thân biết phận, nãy giờ đã quá nhiệt tình rồi, sức lực cũng xuống cấp ít nhiều sau mấy ngày đi bụi, với lại sáng mai phải thức sớm làm một vòng trước khi về Bangkok cho kịp chuyến bay nữa. Cám ơn lời mời, cũng như nhiệt tình đòi chở về giúp xuống đường lang thang đi bộ về. Pub này cũng gần GH và cả nhà hàng nổi vừa ngồi lúc nãy. Đi bộ theo con đường dọc bờ sông, hít thở khí trời trong lành cho nó khỏe, với lại, cho nó ra vẻ nữa. Cứ thế, từng bước, từng bước thầm, lê chân về GH và Good night Kanchanaburi!

Sáng thức thật sớm vì cảm giác tiếc nuối sắp chia tay Kanchanaburi. Đi lững thững trên đường, xuôi đến 1 ngôi chùa thật lớn, có 1 bức tượng chú ngựa đang bay thẳng lên trời và phun lửa phía sau, chứ không phải khạc ra lửa. Ngộ nhỉ. Và được xem 1 cuộc diễu hành và đón tiếp 1 hòa thượng nữa. Nhưng chỉ xem và đoán thôi, chẳng hiểu gì cả. Vào bảo tàng JEALTH gần đó thì thấy 8am mới mở cửa, do vậy chỉ đi loanh quoanh vòng ngoài xem mấy bức tượng, phù điêu… nói về Thế chiến thứ hai. Vẫn còn sớm, thực ra đã gần 7am rồi nhưng có lẽ là sáng CN nên thành phố vẫn còn ngái ngủ. Trời chợt mưa bay bay. Hứng chí lên lại lội ngược ra phố bờ sông tính ăn sáng, uống café ngắm mưa bay trên sông nhưng lội bộ rã cả chân cũng chẳng thấy quán nào mở cửa. Có lẽ tại đêm Thứ Bảy tối qua hoạt động quá khuya nên sáng CN nghỉ ngơi tý chút. Mất cả hứng mà mưa thì càng lúc càng nặng hạt hơn. Đành phải chui vào 1 quán cóc gần đó (nhưng không nằm bên phía bờ sông) ngồi chơi chờ mưa tạnh, cũng kiếm chút café cho nó tỉnh táo, và cũng để thưởng cảm giác “sáng nay Kanchanaburi, café một mình, ngoài kia trời như mùa đông”. Thật, vì mưa bay trên sông buổi sáng trời xám xịt gió hiu hắt lạnh tạo cảm giác rất đông. Nhưng cũng nhanh, cũng như Sài gòn chợt mưa chợt nắng, mưa ngừng. Đi được rồi, giờ về đã đến, cuộc chơi đã tàn. Một chuyến đi chỉ có 2 ngày mà như vậy thì quá “lời” rồi, còn tiếc nuối gì nữa. Lủi thủi ra bến xe, lên xe về Bangkok, chia tay Kanchanaburi trong thầm lặng. Hẹn gặp, hẹn gặp, ngày gần!

Lướt qua Kanchanaburi - Sangkhlaburi - 4




Cầu sông Kwai chỉ cách khu trung tâm khoảng 3 km, sau khi đi qua Nghĩa trang Kanchanaburi, của những tù nhân của phe Đồng minh đã ngã xuống trong quá trình xây dựng chiếc cầu, vào thời Thế chiến thứ 2. Khách đến thăm Kanchanaburi bây giờ không chỉ thăm viếng cầu mà còn thăm cả đường ray tử thần (Death Railway) vì thực ra, cây cầu này chỉ là 1 phần trong kế hoạch xây dựng đường ray xe lửa từ Thailand sang Myanmar, chính xác là nối liền Bangkok và Rangoon, Myanmar, để phục vụ cho quân đội Nhật bản. Ngoài ra, còn có các di tích khác nữa như Hẽm núi Lửa Địa Ngục (Hellfire Pass Memorial), Bảo tàng chiến tranh JEALTH, Nghĩa trang Chungkai… Chỉ tại Nghĩa trang Kanchanaburi, số tù nhân phe Đồng minh ngã xuống là 6.982 người. Hẽm núi Lửa Địa Ngục là đoạn đường dài 500m và có 26m đục xuyên qua núi đá. Các tù nhân chỉ làm đường, phá bằng các cuốc chim, búa và các dụng cụ thô sơ. Họ dùng cuốc chim để đục các lỗ và đặt thuốc nổ vào, sau đó, dọn dẹp đất đá bằng tay trần. Hơn 1.000 tù nhân người Anh và Úc đã mất 12 tuần (1943), để đục hẽm núi, trong đó 700 người đã nằm xuống. Cái tên lửa địa ngục bắt nguồn từ những ngọn đuốc mà các tù nhân chong lên trong đêm để làm việc. Điều đáng buồn là ở Kanchanaburi chỉ có các nghĩa trang cho tù nhân phe Đồng minh, không có nghĩa trang nào khác cho các tù nhân và các công nhân Châu Á, mà con số tử vong nghe nói còn cao hơn gấp nhiều lần, đến vài chục ngàn.

Cầu sông Kwai hôm nay không giống như ngày xưa, trong phim ảnh. Mới và đẹp và lạ, không như trong suy nghĩ. Cây cầu cũ đã bị ném bom sập trong chiến tranh và người ta đã xây cây cầu này để tưởng niệm, và cũng để phục vụ cho du lịch nữa. Khách du lịch rất đông, bên cạnh những khách Châu Âu muốn tìm đến thăm nơi có người thân hoặc đồng hương đã ngã xuống, đông nhất vẫn là khách Nhật, như muốn đến để thắp nén nhang tạ lỗi cho những gì cha ông ngày trước đã làm. Cạnh cây cầu bây giờ là khu đô thị tấp nập sầm uất. Sông Kwai nước vẫn trong xanh, thi thoảng những chuyến xe lửa chở đầy du khách phì phò qua lại trên chiếc cầu huyền thoại. Cảm giác như thế nào giữa chốn ồn ào náo nhiệt này? Đâu rồi cây cầu của David Lean, Omar Sharif…. Cũng có chút chút cảm giác, nhưng không nhiều. Đến đây, cần có nhiều thời gian hơn, có lẽ nên đến vào buổi tối, cuốc bộ dọc theo đường ray để vào sâu trong rừng chắc sẽ ấn tượng hơn rất nhiều. Hẹn dịp khác với Cầu sông Kwai huyền thoại, với những tiếng huýt sáo không thể lẫn vào đâu được khi xem và rất nhiều năm sau khi xem bộ phim quá hay này.

Hành trình kế tiếp là đi Tiger Temple, ngôi chùa cưu mang những con hổ mua lại từ các thợ săn trộm, hoặc thương tích… nuôi dưỡng và thuần hóa chúng để du khách có thể đi dạo, chụp hình với chúng, như với những chú cún con hiền lành. Nghe thích không nào, vậy sao không đi nhỉ. Đường đi hơn 40km, chạy gần 1h về hướng Sangkhlaburi và xuyên qua những cánh rừng còn rất tươi tốt, khác với Tây Nguyên mến yêu của chúng ta, và sau đó rẽ vào một con đường đất đỏ nhỏ đầy bụi. Té ra ở Thailand vẫn còn những con đường như vậy à? Đến nơi, buồn muốn khóc (hic), vì vừa bị quá giờ vào xem hổ, mà chỉ mới vài phút. Ở đây hàng ngày chỉ mở cửa cho khách tham quan từ 1pm đến 4.30pm, giờ thích hợp nhất là từ 3-4pm. Đã cất công chạy từ xa thật xa mà không được vào. Mà không chỉ có mình, nhiều khách khác đi theo nhóm, tour vẫn bị trễ. Sao kỳ vậy ta, khách đi theo tour, nhóm thường phải biết thông tin này chứ? Đành đi 2-3 vòng trước sân, căng mắt nhìn qua hàng rào sắt (mà chẳng thấy gì cả), xem các bảng biểu thông tin, poster… nói về nguồn gốc, hoạt động của ngôi chùa rồi lên đường về lại thôi. Bác tài xe ôm cũng rất áy náy khi thấy mình bị hụt hẫng như vậy. Thôi kệ, như vậy mới có dịp trở lại Kanchanaburi lần nữa, và nhiều lần nữa chứ. Đây cũng là hệ lụy của việc chuyến xe từ Sangkhlaburi đi Kanchanaburi bị trễ đã đề cập ở trên. Ở đời ai biết trước được chữ ngờ. Về, hôm sau nghe đồn rằng hôm đó có 1 chú hổ trở tính, đuổi khách chạy có cờ, có người xém bị ăn thịt nữa. Tự nghĩ, té ra mình còn may (à just kidding, tin này từ Thông tấn xã Con vịt cồ).

Về lại Kan rồi, chia tay bác tài xe ôm đi lơn tơn về GH. Tắm rửa cái chứ, cả buổi nhiều lông nhông ngoài đường rồi còn gì. Tỉnh cả người. GH chẳng có ai cả, thế là “bành trướng” cái ghế dài nằm ngắm sông chiều chơi chút, cho nó ra vẻ nên thơ. Nhưng nên thơ gì nổi, vừa kéo ghế ra nằm bỗng nghe tiếng gì kêu ục ục đâu đó, nhìn quanh quẩn chẳng thấy ai, nghe kỹ là cái bao tử của mình!!! Xấu hổ quá, ra sông thôi, vì hàng quán đều nằm bên bờ sông mà. Chẳng kịp nghỉ ngơi gì cả, đi lon ton ra bờ sông, ngắm xem cái nhà hàng nổi nào đông khách chút chút xông vào vì an toàn hơn mấy chỗ vắng khách – chắc thế nào cũng có lần bị tổ trác vì cái vụ “ham đông” này quá. Vào an tọa trong 1 nhà hàng, lấy vị trí tốt ngay lan can, ngồi sát sông luôn, quá đã, nhưng lại gặp chút chút khó ăn về ẩm thực. Không phải là vì món ăn, vì vốn rất dễ nuôi, mà vì cái menu. Thực đơn ở đây không có bán lẻ (!) mà là a-la-carte theo từng phần, là nguyên dĩa/tô, mà dĩa nào dĩa nấy bự chà pá, kêu 1 món chắc chỉ ăn được 1 phần tư vì ăn hết làm sao ăn món khác. Đây cũng là “khó khăn” thường gặp phải trên bước đường “độc hành lang thang”. Thây kệ. Dân chơi gặp mưa rơi thì mặc áo mưa, sợ gì! Cứ gọi đại.

Người Thailand quả là biết kinh doanh. Khúc sông dày đặc những nhà hàng còn chưa đủ, còn có quá trời các nhà hàng du thuyền, các chiếc phà-nhà-hàng… thôi thì đủ kiểu. Có cả phà-nhà-hàng-disco nữa, mở nhạc ầm ĩ và nhảy nhót ì xèo, dù chỉ mới cuối giờ chiều. Các chiếc tàu-phà-nhà-hàng này tới lui nhộn nhịp cả khúc sông nhưng có lẽ nhờ có tuân thủ các điều kiện vệ sinh nên sông vẫn sạch. Ở VN mà như vậy, chắc sau 2 tháng sông này trở thành kênh Nhiêu Lộc hay sông Tô Lịch quá.

Lướt qua Kanchanaburi - Sangkhlaburi - 3




Không khí trong lành của Sangkhlaburi, và cả hơi lạnh nữa đã đánh thức mình rất sớm, không cần cả báo thức dù đêm qua… Tắm rửa nhanh, vọt ra đường vẫn còn kịp chụp được hình các nhà sư đi khất thực. Chưa có gì hoạt động cả, thị trấn vẫn còn đang ngủ, chỉ có các bác tài xe ôm đón khách sớm mà thôi. Thời gian lang thang hôm qua, tranh thủ hỏi thăm, Lê Văn “Tám”, đã biết thêm thông tin về du lịch cũng như các tuyến xe về lại Kanchanaburi. Do vậy, thời gian eo hẹp, cơ hội không nhiều chỉ có thể: đi thăm Chùa Vàng; cầu gỗ (longest homemade wooden bridge in Thailand) dài nhất Thailand (dài bao nhiêu quên mất rồi), và ngôi chùa chìm dưới nước Wat Sam Prasop, ở hồ Khao Lam trong vòng 2-3 tiếng để kịp chiếc minibus đầu tiên trong ngày về lại Kan, lúc 9am. Thương lượng xong xuôi với 1 anh tài xe ôm, lại tiếp tục lên xe, lên đường, chưa kịp ăn sáng, thế mới biết là ham chơi hơn cả ham ăn!

Thường là ghe tham quan chỉ chở đoàn, đi ít người phải bao nguyên ghe. Kệ, dân chơi sợ gì mưa rơi, thế là leo tót lên ghe, cùng anh tài xe ôm, cũng chưa đến đó lần nào. Té ra mình cũng hay nhỉ, hơn cả người địa phương!!! Hồ này, có tên Khao Lam, là hồ nhân tạo, được hình thành từ 1980, khi ngăn đập để làm thủy điện, thủy lợi gì đó. Nhà của cư dân dưới lòng hồ (chủ yếu là người Mon) chuyển lên vùng cao hơn. Do chủ yếu làm bằng gỗ, họ tận dụng hầu hết những vật liệu cũ nhưng ngôi chùa vẫn được giữ nguyên, hiện đang trở thành điểm tham quan rất “hot” của khách du lịch đến Sangkhlaburi. Nếu đi vào mùa nước cạn (tháng 12 đến tháng 4), có thể vào được (nền cũ) chùa. Còn mùa nước lớn thì ghe chỉ đứng nhìn từ xa. Đợt đi lần này, tháng 3, nước cũng cạn nhưng người chủ đò bảo rằng nó gần sập rồi, nguy hiểm lắm (!) không cho vào. Sau về mới biết bị “quả lừa” vì tên đó làm biếng, muốn chở mình quay về ngay, để còn làm vòng khác! Đi bụi đời không mua tour, đôi lúc cũng có chuyện “thua thiệt” giống vậy đó. Nhưng dù sao rất đáng đồng tiền bát gạo vì sáng sớm tinh mơ được đi dạo trên hồ để ra ngồi-chùa-chìm-trong-nước Wat Sam Prasop thật thú vị. Nước mát lạnh, gió sớm cũng lạnh, những ngôi nhà, thuyền câu, vó lưới… hình như còn đang ngái ngủ, chưa hoạt động gì cả. Ngôi chùa chìm cũng thật ấn tượng (bạn có thấy ở đâu chưa?), tới gần có thể thấy được rất nhiều tượng nhỏ được chạm khắc trên các vách tường bao bọc xung quanh chùa. Và cả nhiều tháp, đền nhỏ xung quanh nữa. Đi đã đời, về đến nơi mới thấy du khách lục tục kéo xuống bến chuẩn bị lên đò đi thăm viếng. Ha ha, như vậy hôm nay xứng đáng nhận phiếu Bé Ngoan rồi, làm gì cũng sớm nhất cả!!! Ha ha!

Về thôi, muốn đi nữa cũng lỡ cỡ, dù cũng chưa gần đến giờ. Nhảy xuống bến xe, kiếm gì ăn đã, còn sớm mà. Chap Chap xong xuôi rồi hỏi đường đến bến xe (hay nhà xe thì đúng hơn) minibus thì được 1 chú nhóc địa phương dẫn đi đến tận nơi (!!!), trên đường đi có gặp chú xe ôm trẻ chở đi TPP hôm qua, cười chào rất tươi (vì đâu biết nói gì). Thật tiếc là không biết tiếng Thái (phải trách mình trước chứ) để có thể giao lưu tốt hơn trong những chuyến lang thang. Đến bến xe minibus (rất gần bến xe bus công cộng, cứ đi theo con đường đối diện với bến xe, dọc theo hông chợ khoảng 200m là đến), mới biết là 9.30am mới chạy, thế là toi thêm 1 khúc của cải thời gian quý báu rồi. Còn dẫn đến hệ lụy khác ở Kanchanaburi, mà sau này mới biết, dĩ nhiên rồi, phải không? Chợ, trước mặt bến xe, đã đi mấy vòng chợ đêm, chợ sáng rồi, nắng nôi thế này cũng lười đi tới đi lui. Mà đi nhiều vậy nhiều khi bị nghi ngờ nữa chứ. Thôi thì cứ ngồi chờ, vừa chờ vừa ngáp cho đến giờ lên xe, tranh thủ ngủ gà ngủ gật để dưỡng sức. Đi bụi, lấy xe làm giường là tiêu chí đầu tiên! Đi khoảng 3.5h là đến bến xe Kanchanaburi, vừa rời khỏi hôm qua. (Anh hái tặng em đóa phù dung) Mới thôi mà đã một ngày! Ha ha.

Lúc lên xe đi Kanchanaburi từ Bangkok có cầm theo 1 xấp giới thiệu tour, guesthouse ở Kan. Bây giờ lấy ra áp dụng. Xoay ngược xoay ngang cái bản đồ miễn phí đính kèm, rẽ phải ra khỏi bến xe hướng về khu trung tâm, kiếm cái gì chén cho nó định thần sau chuyến xe bão táp (xe 12 chỗ, chạy rất nhanh mà đường thì đèo núi khúc khuỷu). Xong, thẳng hướng bờ sông tiến bước. Đến bờ sông, x1c định hướng đi rồi nhưng vẫn bị nhầm đường, phải vòng lại 2 lần mới đến được cái guesthouse, chỉ có 2.5$/đêm, rẻ hơn ở Lào nữa trời ạ, Nita Raft House. Phòng ốc, nhà tắm (chung) thì hơi tệ, nhưng who-care! Được cái là GH này là nhà nổi trên sông, do đó các phòng nhìn ra sông, hướng mặt trời lặn và có 1 khoảng nhà sàn chung, nhỏ thôi, nhưng có 2-3 cái ghế dài, ai đến sớm thì xí phần mà ra đó ngồi / nằm. Không kịp tắm rửa, mà sáng giờ chỉ có ngồi xe máy lạnh thì cần gì, cuốc bộ ra bến xe lúc nãy, cũng gần, khoảng 3-400m, đón xe ôm đi Cầu sông Kwai và Tiger Temple. Các bác tài ngạc nhiên lắm vì Tiger Temple hơi xa, gần 40km, mà với khoảng cách này, dân Thailand hoặc dân du lịch 1 là đi tour, 2 là đi xe hơi chứ ai đi Honda ôm. Kệ, thích thì đi. Tour thì làm gì có lúc 3pm này nữa. Xong xuôi, lên đường ngược lại hướng Sangkhlaburi (!) bắt đầu đi Cầu sông Kwai trước

Lướt qua Kanchanaburi - Sangkhlaburi - 2




Xong. Thoải mái! Cũng nhờ được đi city tour miễn phí lúc nãy nên đã xác định đường đi sơ sơ. Ra bến xe, hỏi đường ra bến sông không ai biết (tiếng Anh), may quá, có 1 bác xe ôm lớn tuổi có vẻ hiểu hiểu khi mình nói từ “river” đến “water”, đến vẽ hình trên bàn tay… OK, lên đường, đúng ngay chóc. Ngay sát bên chiếc cầu bê tông bắc qua sông (không nhớ tên cầu) có nhiều khu nhà nghỉ, resort (thô sơ), và tất nhiên là cả quán xá nữa. Chọn nhà hàng đẹp nhất tiến vào, Songkalia River Hut & Resort. Các nhân viên phục vụ có vẻ ngạc nhiên khi chào tiếng Thái nhưng mình lại nói “no no”. Thật ra, mình cũng thường bị nhầm là người Thái khi đi nước ngoài mà. Có lẽ các bạn ấy còn ngạc nhiên khi thấy người “ngoại quốc châu Á” mà lại đi một mình. Châu Âu thì còn có thể chấp nhận và còn thấy, chứ Châu Á, nhất là Việt Nam nữa ở xứ khỉ ho cò gáy này thì họ chưa thấy, bao giờ. Và điều này cũng đã được các bé xác nhận sau đó, lúc ngồi Lê Văn “Tám” các bé, mà thực ra chỉ có 1 bé biết nói tiếng Anh mà thôi. Khu resort này cũng được, có nhiều tầng từ mặt đường xuống và tầng dưới cùng là 1 nhà hàng nổi trên mặt sông, nhưng không có khách. Hỏi thì biết là nếu khách có nhu cầu vẫn có thể phục vụ, nhưng khách thì có 1 mình mà bắt chị em chạy lên chạy xuống mấy chục thước (chiều cao) để phục vụ thì chẳng nỡ. Mà cũng không biết là có ai để gọi phục vụ hay không nữa. Đành bỏ ý tưởng ăn tối trên “nhà hàng nổi”, chỉ đi 1 vòng cho biết, chụp vài tấm hình rồi leo lên trên ngồi.

Chiều xuống rất nhanh ở vùng núi. Mới đó mà đã sập tối, khói lam trên sông giờ đã chìm sâu vào sông chiều hay đã tan vào mây trời, chẳng còn thấy nữa. Sông hắt ráng đỏ, rồi vàng, rồi nhạt dần, rồi tím, rồi chuyển dần sang đen. Chọn góc xa trong nhà hàng, hiện chỉ có 1 khách duy nhất, góc có thể nhìn xuống dòng sông đang chìm dần vào bóng núi và nhìn ngược lên cây cầu đang dần rực sáng, hắt xuống sông đêm những vệt lung linh. Gió sông hiu hắt, đèn điện chập chờn vàng vọt, ngồi một mình, ăn một mình, uống một mình, suy nghĩ vẩn vơ một mình, trong nhà hàng chỉ có 1 khách… cũng rất hay, nhưng sẽ rất khó với bạn nếu bạn chưa quen, phải không? Cũng xong vài chai bia Chang bự tổ chảng thì quán bắt đầu đông khách, là các đoàn du lịch người Nhật (vốn rất thích đi du lịch ở Kanachanburi, nơi lính Nhật xây dựng cầu sông Kwai nổi tiếng) và cả người Thái đi du lịch cuối tuần. Hơi ồn. Dời chỗ vậy. Biết đâu biết thêm chỗ mới.

Làm gì có xe ôm mà tìm, mà đi, giờ này, ở chốn heo hút này. Thế là đi bộ vậy, cũng gần mà, với lại trời đêm vùng cao nguyên cũng mát mẻ, đi tý cho khỏe người rồi tính tiếp. Đường tối thui, vắng tanh, đi cả khúc mới có xe chạy qua, mới có 1, 2 căn nhà sáng đèn. Đi lơn tơn 1 đoạn như vậy, tự nhiên có 1 chiếc xe rà rà chạy chậm lại sau mình, tưởng là xe ôm, cương quyết từ chối vì đang “phởn”, muốn đi lang thang, cho nó ra vẻ! Nhưng không, anh chàng ngồi trên xe cứ nhiệt tình hỏi mình muốn đi đâu và kêu mình ngồi lên xe và cứ nói “no money, no money, I’ll help you”. Cái gì chứ việc người ta tự nguyện giúp thì không nên từ chối, buồn lòng họ. Với lại, biết đâu có thêm bạn (nhậu!) mới thì sao. Lên xe, thẳng tiến về hướng chợ, nơi duy nhất còn sáng đèn, lúc 8pm ở Sangkhlaburi! Tới nơi, nhảy xuống xe và mời người tốt bụng đi làm vài ly bia, thì bị từ chối. Sao kỳ vậy ta, anh chàng này còn rất trẻ, khoảng 20-22 là cùng, sao lại từ chối (Thailand có tỷ lệ tiêu thụ bia rượu / đầu người cao nhất khu vực Đông Nam Á). Hỏi đi hỏi lại, cuối cùng hỏi đại 1 câu, “Are you Muslim?” thì nhận được cái gật đầu. Té ra là thế!!! Đành chịu! Sangkhlaburi mà có quán café nào thì cũng sẵn lòng mời nhưng giờ chỉ còn duy nhất 1 cái quán lề đường bên chợ còn sáng đèn!!! Làm gì còn café, cà pháo. Đành nói lời cám ơn, chia tay và hẹn gặp lại. Vừa đi, vừa nghĩ, mình có cần theo đạo Muslim không nhỉ, vừa cai được rượu bia, vừa được quyền nuôi đến 4 con gì “ăn nhiều, nói nhiều, mau già, nhanh xấu, lâu chết” trong nhà nữa (à Just kidding).

Buổi tối Sangkhlaburi vắng tanh, buồn tênh. Đèn điện heo hắt, vàng võ. Chỉ có khu vực xung quanh cái chợ bé xíu là còn sáng đèn đây đó, nhưng chỉ còn duy nhất 1 cái quầy bán mấy thứ giống hủ tiếu, cơm chiên… và các hàng rau cải đang dọn dẹp cũng như đang nhận hàng chuẩn bị cho buổi chợ sáng mai. Cũng lượn vài vòng cho biết, cho tan cơm, tiêu mỡ, bay hết bia rồi mới ghé quán chứ. Tiếp tục by-hand nữa, lần này thì dễ, mua đồ ăn, thức uống chỉ cần chỉ trỏ vào các thứ trên quầy, hoặc cả trên bàn của người khác nữa. Bia thì còn dễ hơn, thích chai nào cứ vào tủ lạnh xách ra uống, vậy thôi. Vừa ngồi nhìn cái chợ đêm buồn hiu hắt, nhìn sinh hoạt chậm chạp của cư dân ở đây, vừa nhâm nhi, tự sướng một mình vậy mà cũng hay. Có điều cư dân ở đây cứ nhìn, rồi cười rúc rich, nhất là mỗi khi phải băng qua mấy hàng rau cải vào trong chợ để tìm nơi “cứu thân”. Chắc họ nghĩ có người bị khùng, hoặc thất tình chứ ai lại đi lang thang một mình như vậy, đêm hôm khuya khoắc nữa (mới 9pm!). Thôi kệ, mình biết ta là đủ rồi, phải không. Cũng đã tưng tưng, chuẩn bị về thì bàn bên cạnh có 2 chiến hữu trẻ, chắc thấy “người ngoại quốc!” ngồi một mình tội nghiệp, và chắc cũng đã hơi lưng tưng (giống nhau) nên cầm ly, chai qua mời. Đã đề cập nhiều lần là không nên từ chối thiện cảm người khác, mang tội! Do vậy, việc gì mà không nhiệt tình cụng ly lại. Cũng là dân chơi “có số”, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này. Kốp kốp vài lần, 2 cái bàn ghép lại!!! 2 tên này rất vui, dù nói tiếng Anh quá tệ. Ngà ngà say mới biết là hình như là 2 tên này đang hoạt động bí mật gì đó (vùng biên giới này cũng chưa an toàn lắm), nhất định không cho chụp hình. Cũng chưa tin, nhưng khi cầm cái nón len để trên bàn đội vào mới biết. Đây là loại nón mà bọn cướp nhà băng trong phim Mỹ hay sử dụng, kéo xuống là che kín mặt và có khoét 2 lỗ chỗ 2 con mắt để nhìn (có chụp hình để “cưa bom”). Hơn nữa, sau đó một đồng chí còn cho mình thấy khẩu súng lục đang nhét ở bên hông nữa. Vụ này mới hay. Sau này về Việt Nam đọc thêm mới biết, đó có thể là quân tự do Karen Liberation Army (KNU). Làm gì ở đâu không biết nhưng 2 tên này rất nice và rất vui, sau đó còn kêu thêm 1 đám bạn tới và sau đó nữa là sang nhà 1 tên trong nhóm, ngay bên kia đường gầy sòng tiếp. Rất vui vẻ và hơi ồn ào, nhưng người Thái thường quý khách và cũng ít để ý đến hàng xóm nên có ồn tý chút cũng chẳng sao. Đêm Sangkhlaburi yên bình đã bị mình đầu têu phá vỡ mất rồi! Cứ thế, đêm trôi.

Lướt qua Kanchanaburi - Sangkhlaburi - 1




Tháng Ba, 07, đi Thailand công tác. Lịch công tác đã biết, lịch ăn chơi cũng đã chuẩn bị, nhưng còn phải chờ xem thiên thời địa lợi nhân hòa như thế nào nữa. Miền ngược Bắc Thailand đã từng lang thang rồi, miền Nam thì xa ngái và đang bất ổn, bạo động. Miền Tây Bắc Thailand vậy. Kế hoạch được chuẩn bị hướng về Cầu sông Kwai và vùng biên giới Thailand – Myamar. Tuy không phải là một Border-collector nhưng mỗi lần được qua một vùng đất mới, một biên giới mới, niềm phấn khích bao giờ cũng dâng trào. Nhất là khu vực này đã được giới thiệu bởi 1 HDV du lịch Thailand trong đợt lang thang Chiangmai, Tam giác vàng đợt trước, đã định đi nhưng cuối cùng dự định lại bất thành.

Đêm cuối của chuyến công tác, về đến khách sạn hơn 3 giờ sáng, tin không? Quay phim xong là gần 10pm, về studio đi mất cả giờ, vào làm hậu kỳ… đến lúc mắt mở không ra đành giao phó công việc cho đối tác và studio để mò về khách sạn. Vừa đi vừa ngủ gục trên xe. Người như gục xuống và nhủ thầm rằng chắc phải hủy chuyến đi ngày mai, dù đã chuẩn bị trước rất lâu, vì đã tính toán chắc chắn phải đi chơi, để bù cho dịp Tết phải đi làm, không đi lang thang được. Dù sao, vẫn cứ cài báo thức lúc 6.30, dậy nổi thì đi, không thì ngủ tiếp, mất gì mà sợ.

Reng Reng Reng!!! Đến giờ vẫn còn nhớ cảm giác khó tả lúc bị chuông réo đánh thức lúc đó. Người cứ bần thần, không hề biết mình đang ở đâu, mơ mơ màng màng, lê tấm thân dậy đi kiếm điện thoại, mà đã rút kinh nghiệm đã để rất xa giường (!). Cũng chưa tắt hẳn báo thức, để chế độ nhắc sau 5 phút và ngủ chập chờn sau 4-5 đợt chuông reo mới hơi tỉnh tỉnh. Lết tấm thân đến dưới vòi nước, xối cả nước lạnh lẫn nóng chừng 10p mới bắt đầu tỉnh táo và chuẩn bị lên đường.

Kẹt xe ở Bangkok đã quá nổi tiếng rồi. Kinh nghiệm về các bến xe và tuyến đường Nam-Bắc của Bangkok cũng đã “học” nên lần này quyết không lặp lại sai lầm đi nhầm bến nữa. Trả phòng, hỏi thông tin chi tiết từ lễ tân, lao nhanh ra đường, tránh xa lời mời chào, dụ dỗ của các bác tài taxi, hướng thẳng đến bác tài motorbike, ngã giá xong xuôi, đội cái nồi cơm điện và leo lên xe. Đi Bangkok rồi, chắc bạn cũng biết là người Thái thích chạy xe 2 thì dạng Suzuki, Yamaha hơn là những chiếc xe Honda hiền lành. Thế là con cào cào băng gió chạy len lỏi qua những chiếc xe hơi lớn nhỏ đang nằm san sát, mất khoảng 20p, đến bến xe Nam Bangkok (nếu đi taxi chắc mất hơn 2h!), tốn 99 baht mua vé, kèm theo 1 xấp tờ rơi giới thiệu nhà nghỉ, tour du lịch ở Kanchanaburi và lên xe thắng tiến Kanchanaburi. Xe bus to đùng, máy lạnh lạnh ngắt, đang cơn buồn ngủ, khách cũng vắng vẻ, tranh thủ ngủ 1 tý. Lúc tỉnh lúc ngủ, mơ mơ, màng màng sau 2h, xe đến Kan. 129km, xe chạy khoảng 2h, rất bị “được”. Xuống bến xe Kanchanaburi, đến thẳng phòng vé mua vé đi Sangkhlaburi. Em bán vé nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn, thế cũng phải đi mấy vòng mới mua được vé vì các xe minibus, VIP đã hết vé, phải đợi đến chiều, sau cùng phải leo lên chiếc xe bus bình dân đi chung với những người anh em Thailand. Xe này giống xe khách liên huyện ở Việt, cũ, cửa trống toang toác, ghế cũ… nhưng được cái sạch. Kệ, tận hưởng gió trời đi vì đây cũng là khu vực nông thôn rồi. Trên xe cũng chỉ toàn dân quê thôi, vì xe hơi ở Thái cũng rẻ, giá vé xe VIP bus, minibus cũng rẻ, do vậy biết ngay là xe bus hạng chót này dành cho ai mà, mình chứ ai, ha ha. Tuy vậy, xe chạy rất đàng hoàng không bắt khách dọc đường mà chỉ nhận khách đúng bến, trạm. Giữa đường, xe dừng nghỉ chân ở 1 thị tứ nhỏ, đến gần 1 tiếng. Khu này mình cũng chẳng biết là nơi nào, cũng chẳng thể hỏi ai, vì không gặp ai biết nói tiếng Anh. Chơi ngay 1 Thai Noodle soup cho ấm bụng, bữa đầu tiên trong ngày!!! Sau đó vác máy ảnh đi lang thang, tranh thủ chụp được mấy tấm hình bên 1 tượng Phật rất lớn, nằm giữa khu vườn giá tị (hay gần giống vậy). Tiếp tục lang thang đến khi xe chạy tiếp. Đòng đưa mãi trên đường xe mới đến bến xe Sangkhlaburi lúc gần 4pm. Như vậy từ Kan đến Sang xe bus bình dân này chạy mất gần 5,30h cho 230 km, trong đó có 1h nghỉ ngơi. Đi minibus chỉ mất 3.5h mà thôi, lần sau nhớ tranh thủ sắp xếp đi sớm hoặc đặt chỗ trước để đi minibus hay VIP bus nhé! Bến xe Sangkhlaburi bé xíu, đầy bụi, vắng tanh, chỉ lèo tèo vài cái xe cũ kỹ và 1 tấm bảng thông báo giờ chạy về lại Kan ngày mai. Chuyến xe mình là chuyến xe bus bình dân cuối cùng trong ngày. Đọc kỹ, hỏi thăm tài xế giờ giấc cho chắc ăn. Xong, xi-pik-inh-lit-bay-hen với 1 chú Honda ôm tre trẻ, ngã giá và lên đường đi Three Pagodas Pass (TPP), biên giới Thailand-Myamar.

Xe lại chạy ngược về hướng Sangkhlaburi, khoảng 5km mới rẽ trái ở 1 ngã ba mà lúc nãy mình cũng đã ngờ ngợ đó là đường đi TPP. Đường rộng thênh thang nhưng vắng tanh, xe lèo tèo, nhà cửa leo teo… có ngang qua trạm gác của mấy chú cảnh sát Thái dừng lại để kiểm tra pass-port (vì khu vực này có rất nhiều người tị nạn từ Myanmar, đến TPP gần 5pm. Quá buồn, vì hết giờ sang Myanmar rồi. Chỉ mới biết khi đọc thông báo của trạm hải quan gần đó, ghi rõ rằng 4.30pm hết giờ làm việc, làm sao cấp giấy thông hành. Trao đổi thông tin với bác hải quan được rõ là nếu không có visa, du khách có thể đóng 1 khoản tiền nhỏ nhận giấy thông hành, được qua Myamar chơi trong ngày, nhưng cũng không được đi sâu hơn 10km vào lãnh thổ Myamar. Làm sao tính được là 10km, hay là có 1 trạm gác ở cây số 10. Chẳng biết, nhưng mình có đi được đâu mà nghĩ cho nó nhọc thân. Buồn tình, chơi mấy tấm hình chụp ở biển báo biên giới Myanmar (để về “cưa bom”) rồi đi lang thang tiếp ở khu buôn bán đồ thủ công mỹ nghệ, lưu niệm kề biên giới. Mới phát hiện được điều hay, quả là trời thương kẻ khù khờ. Bạn có biết, những căn nhà, những cửa hàng đang bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ ở đây mặt trước là đất Thái, nhưng ra cửa sau lại là đất Myanmar. Xuống giọng nho nhỏ, năn nỉ thế là được chủ nhà cho phép chạy tọt ra sau. Ha ha, như vậy là đã đặt chân lên đất Myanmar rồi nhé. Đi lang thang được 1 khúc, dòm ngó đây đó, chụp vài tấm hình, hỏi thăm mấy anh thanh niên Myamar quấn xà-rông, nhai trầu đỏ lòm lòm vài câu rồi chia tay Myamar (!) về lại đất Thái. Lại đi lang thang tiếp. Tám với 1 cậu bé học lớp 6, nói Tiếng Anh rất khá, đang lẽo đẽo theo dụ dỗ bán cho mình loại bột gì gì đó, mà nói rằng thoa lên mặt sẽ rất tốt. Hèn gì, nãy giờ thấy mấy cô gái thoa các vòng tròn trắng trắng đỏ đỏ trên má, trên trán lại cứ tưởng đang trừ ma, ếm bùa gì đó. Dĩ nhiên là mình không cần bột này rồi, phải không! Trời gần tối rồi, lên đường về lại Sangkhlaburi thôi.

Anh tài xe ôm trẻ lại bương gió ngược về đường cũ. Chỉ mới gặp lần thứ 2 nhưng các cảnh sát hải quan đã vui vẻ chào hỏi mình, chả bù với các bác hải quan mặt tiền, à quên, mặt lạnh như tiền xứ Việt. Xe về đến Sangkhlaburi, vì đã giao kèo trọn gói là phải chở mình đi kiếm nhà nghỉ nên anh tài cứ phải chạy vòng vòng để mình xem, trả giá… để cuối cùng, sau khi đi city tour miễn phí, lại quay về 1 nhà nghỉ gần bến xe, cho chắc cú việc đi lại ngày mai. Cám ơn anh tài, hẹn gặp lại! Lên phòng, nhanh nhanh gột rửa bụi trần để còn đi tiếp. Tranh thủ chứ, đang là kẻ “kiết xác” về thời gian mà.

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2007

Nha Trang biển đầy…




Nha Trang biển đầy….

Ra Nha Trang những ngày trung tuần tháng 10, thấy mùa thu vẫn chưa về trên thành phố “tình yêu không có đây”. Sau buổi sáng u ám vì ảnh hưởng vùng không khí lạnh phía Bắc, nắng đổ về hanh vàng tràn ngập phố phường. Biển đã chuyển từ màu đùng đục thiếu nắng sang xanh thẳm, gió cũng ùa theo về làm những lá phượng bay đầy trong nắng. Những chiếc lá phượng li ti xa hè đã bắt đầu úa hay màu nắng làm lá vàng thêm.

Cát trắng (CT) là 1 resort mới tại Dốc Lết, Ninh Hòa. Khuôn viên khá rộng, được chăm chút tương đối kỹ nhưng vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó. Bóng cây. Điều ngạc nhiên là CT được xây dựng từ 1 đồi dương, như khu Dốc Lết kề bên, nhưng khi xây dựng đã hạ gục sạch sẽ không còn 1 gốc dương nào. Thay vào đó là cỏ, được trồng và chăm sóc cẩn thận, những cây gộc từ rừng được đưa về trồng, với những cành bị cưa cụt ngủn (để vận chuyển) trông thật tội,… bao giờ mới quen với đất miền biển, bao giờ mới cho lại bóng mát. Dù sao, thư giãn trong quầy bar, nhìn ra biển xanh xa xa ngoài kia, qua những mái nhà nâu đỏ mới, khoảng sân cỏ mới cấy còn vàng vàng… cũng rất dễ chịu. Đây là lý do đi biển, dù hiếm khi tắm biển?

Dốc Lết vẫn cũ như đã từng. Vẫn đồi dương muôn đời che bóng, hát những khúc ru khi gió về trên cao,… rất dễ đưa người vào giấc Nam Kha, nhất là sau khi bạn bè đã bù khú với nhau ti tí. Lần rất lâu trước đây có đến DL, đêm đi lang thang nghe chú bảo vệ nói là sẽ có dự định chặt hết dương liễu và thay bằng dừa. Lý do là có nhà khoa học gì gì đó ngâm cứu và thấy rằng các bãi biển trồng dương liễu ngày càng bị đen đi vì lá dương liễu li ti lại rất khó phân hủy, rụng xuống hòa vào cát, làm “đen” cát!!!, còn lá dừa thì không đợi phân hủy mà còn có nhiều công dụng khác!!! Không biết cái nghiên cứu này có giống công trình “khoai mì bổ hơn thịt bò” ở những ngày đất nước còn đóng cửa hay không chứ nhìn thấy đồi dương còn nguyên vẹn thì rất mừng.

Thập diện mai phục ở Nha Trang

Hoa vàng mấy độ, cầu nhỏ mấy bước sang ngang

Đêm, Sailing Club càng về khuya càng đông. Rất sáng tạo, giải quyết việc thiếu thốn mặt bằng và tiết kiệm, những chiếc khắn thổ cẩm trải trên bãi cát bỗng trở thành bàn, ghế. Tuy nhược điểm là không có chỗ tựa lưng nhưng bù lại bạn có thể nằm lúc nào tùy thích. Chỉ cần ngã ra sau thôi mà. Vậy bạn sẽ chọn ngồi trên quán hay ngồi trên bãi biển? Rất thích hợp cho những khách có thói quen “ngủ lấy sức” giữa những cuộc chơi. Và cũng rất thích hợp với khách muốn thử cảm giác ngủ giữa ngàn sao. Hành vi tiếp thêm nước cho biển cả bị 1 số khách nước ngoài “dòm ngó” nhưng thử hỏi, có ai chưa từng làm vậy khi đi tắm biển. Nếu có, sẽ có giải Nobel hoặc ít ra cũng là kỷ lục thế giới trao tặng. Chỉ tiếc là biển đêm lại nhiều muỗi (!), đành phải chia tay biển, chia tay chiếc khăn thổ cẩm chưa kịp ấm hơi người, về.

Đóa sen đất e ấp nấp trong vườn

Đại an, Núi Chúa là 1 di tích quốc gia tại Nha Trang nhưng ít khách biết, kể cả người có thời gian đi NT 1 lần/tháng. Đây là nơi nguồn cội của Đức Thánh mẫu Thiên Y A Na, mà đền thờ đang bên cầu xóm Bóng, hoặc tận Châu Đốc xa mờ. Đường vào chùa tuyệt đẹp, xuyên qua 1 cánh đồng được che chở, ôm quanh bởi các dãy núi. Chùa nằm trên lưng chừng 1 ngọn núi, có thể thấy thấp thoáng từ xa. Leo lên hơn trăm bậc, bạn sẽ được chào đón bằng hương ngọc lan dịu nhẹ, cùng gió, cùng bóng bồ đề cổ thụ, cùng tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh… cơn mệt sẽ dịu, sẽ tan. Nhìn từ chùa xuống, cánh đồng vàng mênh mang, núi xanh rì lừng lững, mây bay hững hờ… lòng người cũng chơi vơi, cũng muốn tan theo tiếng kinh kệ. Chưa từng đến, nhưng thầm nghĩ rằng 1 đêm trăng sáng được ở đây sẽ rất thú vị, nhất là khi sương đêm sẽ giữ hương ngọc lan đừng bay xa, ở lại vấn vít bên người.

Xuống núi, hỏi cậu bé giữ xe đường lên chùa có bao nhiêu bậc. Câu trả lời là không biết, dù em sinh ra và lớn lên ở đây? Như vậy là mình quá tính toán hay cậu bé vô tư. Lên chùa là cứ lên, sao phải đếm bao nhiêu bậc?

Trưa, Sailing Club giờ này thật yên bình. Thả mình trên ghế thư giãn. Ngoài kia là nắng vàng rực rỡ, biển xanh mênh mông, ghe thuyền lác đác qua lại điểm xuyết… Trong này là gió nhẹ, nhạc nhẹ, trên bàn có chai bia nữa, còn muốn gì hơn?

Chiều, lên Nhân Tâm, khu du lịch sinh thái mới ở Diên An (hình như vậy?) trên đường đến Khánh Vĩnh và xa nữa là Đà Lạt. Khu du lịch rộng 16ha này hơi xa, lại còn rất thô sơ nhưng được cái nhân viên rất nhiệt tình. Tưởng là rừng, nhưng không phải, chỉ là trang trại và rừng nhỏ mới trồng, từ các rẫy mía, sắn của dân kinh tế mới ngày nào. Cũng lạ lạ khi lang thang qua rừng trúc “thập diện mai phục”, qua cầu treo trên dòng sông nhỏ, đong đưa, đong đưa nhè nhẹ. Đó đây, những đóa sen cạn e ấp bên cạnh những vườn cam (chua lè) trĩu quả, vườn sapoche teo tắt… Dù sao, cũng biết thêm 1 địa điểm, là đủ.

Nha Trang mùa này vẫn chưa vào thu, biển vẫn đầy, tình yêu vẫn không có đây. Vậy, lên tàu. Về.

Hành trình Bờ Y - Hạ Lào - Cambodia - 5

Siphandon-Stung treng

Nói vậy thôi chứ cũng chưa “dứt tình” đi được, vì vẫn còn phải vác balo cuốc bộ ngược ra bến đò. Cũng còn sớm được mấy chục phút nên đi lòng vòng thăm thú miệt trên của đảo mà hôm qua chưa đi (hướng rẽ phải khi ghe đò vừa tới bến Done Dhet). Khu này hàng quán đông đúc hơn, có 1 ngôi chùa thật lớn nằm xa xa sau hàng cây. Đường xá cũng rộng rãi dễ đi hơn và những sinh hoạt hàng ngày cũng đã bắt đầu xôm tụ, trong khi đó, xóm dưới vẫn còn đang ngái ngủ. Ở đây cũng có nhiều đại lý / tổ chức bán vé du lịch nội địa quốc tế… và đều để thời gian khởi hành là 8.00; 8.30am, thế nhưng tới giờ rồi mà chẳng có khách nào ở bến ghe cả. Vậy sao đây? Nhưng thật không ngờ, gần đúng 8.00am, một chiếc xuồng nhỏ lơn tơn rẽ nước chạy sang và ra dấu hiệu đón khách đi biên giới. Lúc này mới thật sự là “dứt tình” với Done Dhet để xuống đò xuôi về bến cũ, bên đất liền.

Chùa ở đảo Done Khone, Siphandon

Lúc về, nước xuôi nên đò chạy nhanh hơn, khoảng gần 20p là đến bến cũ. Chẳng thấy xe nào đợi cả. Hoa chân múa tay bằng ngôn ngữ hình thể, người lái đò trải một chiếc chiếu trên chiếc chõng tre trong chiếc lều, vốn được dùng để đón khách, và ra hiệu nằm nghỉ. Thế là được tiếp tục nghỉ ngơi chờ đợi. Mải đến gần 9.10 mới có 1 chiếc minibus chạy đến, thả xuống vài khách để sang đảo và đón khách đi biên giới. Trên xe chủ yếu là các bạn trẻ Lào sang Phnom Penh để học ĐH. Xe chạy chưa đầy 10p thì đến cửa khẩu hải quan Lào, cách bờ sông vài chục met. Thành thật mà nói, trong chuyến đi này, các nhân viên hải quan Lào ở cửa khẩu này là thân thiện nhất. Không đòi tip, vui vẻ trao đổi, hướng dẫn, “tám” thêm vài câu khi biết là người Việt… chứ còn các cửa khẩu khác thì…! Thế nhưng “đoạn trường” khác lại bắt đầu từ đây, khi tài xế của Cty Lanexang bên Lào chuyển khách sang cho đối tác Cambodia.

Cho dù chính HDV (hay chính là cò xe) này là người đã xác nhận với nhân viên của Lanexang Travel tại Pakse là luôn có xe đi từ TP Kratie đến cửa khẩu Xa Mát, nhưng khi khách vừa đến thì được nhận thông báo ngay là không có xe bus cho tuyến đường và nếu muốn thì phải thuê xe đi, mất 80$. Dĩ nhiên là có dân balo nào đồng ý với cái giá trên trời này. Tiếp đến, chưa kể việc bực mình vì phải chờ đợi đủ khách, chuyển xe qua, lại 2, 3 lần, nhồi nhét khách trên xe chờ cho đủ người trên 1 chiếc xe vô cùng cũ kỹ… khi hỏi HDV nếu muốn đi tiếp từ Kratie đến Phnom Penh sẽ phải trả thêm bao nhiêu thì bị hét là 15$/person (trong khi đó, nếu mua vé từ Pakse thì chỉ mất thêm 6$). Thật sự là bực mình với cách làm việc của tên cò K này! Tuy vậy, với sự kiên quyết của khách, trước lúc xe di chuyển vé đã giảm xuống còn 7.5$ cho quãng đường thêm từ Kratie đến Phnom Penh. Và cũng sáng suốt là đã mua vé từ đây, dù cũng hơi hồi hộp là trả tiền xong là nó biến mất, vì nếu không mua vé, chắc đoạn từ Kratie về Phonm Penh chắc chắn đã bị bỏ lại rồi (hạ hồi sẽ rõ). Cù cưa, nhồi nhét… hơn một tiếng đồng hồ, xe mới rời cửa khẩu Lào lúc khoảng 10.30am. Xe chạy xuyên qua 1 con đường rừng xấu nhất mình từng đi, nối liền 2 cửa khẩu Lào-K. Đoạn đường rất ngắn, có lẽ chỉ 1-2 km nhưng chạy rất lâu vì toàn những ổ voi và những khúc đường nát bét. Xe lúc nãy còn hơi chật vì nhồi nhét (4 người/1 băng ghế, loại xe 12 chỗ) bây giờ bắt đầu thấy rộng, sau bao nhiêu lần bị nhồi xóc. Đến Hải quan Cambodia, phải vào làm Visa mất 22$ (trong đó bao gồm 2$ là dịch vụ phí, chính thức) ra đóng dấu hải quan vào đất Cambodia mất thêm 1$, cũng là dịch vụ phí. Mấy vụ này mình đã có kinh nghiệm đau thương hôm đi từ Aranyaprathet-Thai qua Poipet-K, mất gần 5$ cho dịch vụ phí, không chính thức và gần đây có đọc thông tin trên mạng về cửa khẩu Veun kham-Stung treng này nên cũng đã biết trước và chấp nhận. Nhưng có 1 khách balo Tây Âu không chịu nộp, cự cãi tùm lum (từ trong ra ngoài), đòi ghi tên họ NV hải quan để báo cáo tại đại sứ quán, lãnh sự quán, tổng cục du lịch… nhưng các nhân viên hải quan K lạnh băng, bỏ passport của khách vào trong ngăn kéo và đóng lại, said “no money, no passport”. Cuối cùng, chú Tây cũng phải đóng tiền và mua thêm cả sự bực mình!!! Nhưng nhìn về 1 cách khác, hay tính tranh đấu của người Việt mình giờ không còn nữa hay đã quá quen với tiêu cực?

Qua K, trời bắt đầu nóng, cảnh vật trơ trụi không còn rừng cây xanh tốt 2 bên đường như ở Lào nữa. Con đường từ cửa khẩu về thị xã Stung-treng khoảng 50km nhưng xe chạy từ 10.30 đến 12.00 mới đến. Ngoài lý do là dừng lại để đón thêm khách, tám với các tài xế khác thì nguyên chân chính là thỉnh thoảng phải dừng lại múc nước đổ vào lốp xe đang nóng bốc khói (không biết nguyên nhân tại sao nữa, mà trước giờ chỉ thấy đổ nước vô lốc máy thôi chứ đổ nước vô bánh xe thì chưa thấy bao giờ). Ngủ gà ngủ gật trên xe vì hơi mệt bởi hành trình “bắt đầu đau khổ” từ sáng đến giờ, đến 12.00 xe chạy đến bến phà cửa ngỏ vào thị xã Stung-treng. Bến phà này rất nhỏ, phương tiện qua sông là những chiếc ghe lớn, do vậy chiếc xe ở lại bên sông, hành khách lục tục vác hành lý xuống ghe sang sông. Từ trên ghe, nhìn xuôi theo dòng thấy 1 chiếc cầu sừng sững bắc qua sông (lên bờ đọc thì thấy do Úc viện trợ), chắc cũng gần xong rồi. Tương lai, bến phà nhỏ này chắc sẽ đi vào quên lãng như bắc Cần thơ ngày nào.

Bến phà trước khi vào Strung Teng

Stung Treng – Phnom Penh

Lên bến, băng ngang qua đường là Mr. T’s Tour & Guest-House, được đề cập trong 1 số blog, cũng được biết là nơi tổ chức du lịch tốt nhất tại thị xã này. Đây cũng chính là điểm dừng chân và sang xe. Như đã nói bên trên, việc mua thêm vé đi Phnompenh ngay từ cửa khẩu Lào thật ra là điều may mắn đột xuất, vì nếu không đã bị bỏ lại tại Stung Treng hoặc Kratie vì khách quá đông. Với chiếc xe 12 chỗ ngồi, cũ hơn chiếc xe đi từ hải quan Lào (và sau đó, xe càng ngày càng cũ hơn nữa!) nhưng 1 băng ghế đến 4 người ngồi, chưa kể hành lý. Băng ghế của mình “may mắn” được đến 5 người (trung bình 60-70kg) vì còn có thêm 1 em bé. Còn băng phía trước, 3 chú Tây bự xự ngồi còn chưa đủ lại còn phải đèo bòng thêm 1 phụ nữ người địa phương!!! Chưa kể trên mui xe còn có 2 phụ xe ngồi nữa!!! Vì đông vậy, nếu không mua vé sẵn từ biên giới chắc nó cũng không cho mình lên xe rồi! Tuy nhiên, việc khởi hành này xảy ra gần 1 tiếng rưỡi kể từ lúc đặt chân đến Stung Treng, sau khi cho khách ngồi chờ chán chê không 1 lời giải thích hay hẹn hò. Hình như là phải chờ 1 người dân địa phương mua đủ hàng, vì sau khi khách lên xe rồi, xe còn chạy vòng vòng đi nhận hàng ở 2 chỗ nữa. Cũng nhờ vậy, được đi “city tour” miễn phí. Stung Treng nhỏ, buồn hiu hắt. Chỉ có chỗ Mr.T’Guesthouse ngồi nhìn ra phía bờ sông là còn tạm được chứ trong phố rất đìu hiu. Chợ bé xíu, bán toàn đồ Việt Nam, kể cả những hàng hóa có bao bì tiếng Việt nhưng chưa bao giờ mình nhìn thấy ở VN nữa! Tuy vậy, nhờ rảnh rỗi lúc nãy đi quanh quẩn mới biết được là Stung-treng còn có các VIP bus đi PP, SR, nhưng chỉ chạy 1-2 chuyến mỗi ngày vào sáng sớm. Sau khi đã thực hiện xong hành trình Stung Treng-Phnom Penh mới biết những thông tin này quý giá cỡ nào; vì những chuyến xe sắp đi rất rất tệ, đến mức khó tưởng tượng. Xe nhỏ, chật, nóng nhưng chạy nhanh. Nhanh đến nỗi giữa đường lúc thì gió giật tung tấm bạt phủ hành lý, lúc thì giật rớt cả hành lý của hành khách đã cột chặt ở trên mui xe. Lại một phen náo nhiệt. Tuy xe nóng, chật vậy nhưng chớ đừng mong mưa dù có những lúc trời tối đen. Đơn giản là mưa thì sẽ phải đóng cửa – còn nóng hơn nhiều. Và điều đó cũng được chứng thực, cộng thêm khuyến mãi đặc biệt nữa là cả nước chảy giột trong xe như thác!!!. Đúng là không còn thiếu màn nào cả. Bù lại thời gian những lúc lên xuống hàng, xe chạy xé gió, đến Kratie khoảng 4.30, tại Guest House You Hong ngay đầu 1 cửa chợ. Cũng chẳng nghe thấy 1 lời thông báo nào, hành khách lục tục chuyển hành lý xuống đất, vào nhà ngồi chờ xem chuyện gì xảy đến kế tiếp, trong khi chiếc xe vừa đến, bỏ khách và hành lý xong là chạy mất. Mọi người mệt đến nỗi ngay bên kia đường là 1 cái chợ nhỏ địa phương mà cũng chẳng ai buồn lội sang bên đó tăm tia thử có gì mới lạ hấp dẫn hay không. Kratie là 1 thị xã (hay thành phố) nhỏ, nổi tiếng với khúc sông có nhiều cá heo nước ngọt tụ tập. Do cũng đã được xem chúng bơi lội ở vùng Siphandon nên cũng không còn háo hức nữa, thêm nữa lại quá mệt mỏi vì chuyến xe cũng như việc đợi chờ nên chỉ mong sao cho xe lại lên đường sớm.

Cà rịch cà tang, đến 5.30, có 1 chiếc xe còn cũ hơn chiếc xe lúc chiều chạy đến. Xe cũ đến nổi cánh cửa bên phải của buồng lái không mở được, muốn vào chỉ có cách chui qua cửa sổ bên phải hoặc đi vào từ phía ghế bác tài, bên trái! Đã vậy, băng ghế trước còn nhét 2 chú Tây to chà bá, chui cửa leo vào. Nhưng xe có chạy liền đâu. Vừa chỉ nổ máy, xe lại chạy vào 1 xóm vùng sâu, hạ hành lý của khách xuống để chất lên 1 cái giường to đùng vừa mới đóng xong. Thế là kẻ khuân người kéo, người cột hành lý lôi ra lôi vô lung tung… Sợ quá, đành phải lôi chiếc balo từ phía sau bỏ dưới chỗ ngồi, chật chội tý nhưng chắc ăn. Chất cái giường xong, xe rục rịch khởi hành, vẫn với 2 phụ xe khác trên mui, trong đó có 1 phụ nữ trạc 40+! Xe lại tiếp tục lên đường, mới thấy là con đường từ hải quan Lào sang K sáng nay tuy xấu nhất từ trước đến giờ nhưng còn có thể chấp nhận được vì là đường rừng và rất ngắn. Và tuy vậy cũng chẳng ăn thua gì với con đường tắt từ Kratie qua Konpong Cham (đường 73, đi đường này tiết kiệm được 90 km, chỉ có 250km so với 340km nếu đi quốc lộ 7) – nhưng đường quá xấu, theo net là trước đây thường bị ngập vào mùa lũ Mekong nữa. Đường 73 dọc chạy theo sông Mekong, có lẽ sẽ rất đẹp nếu đường tốt và được lên đường sớm hơn để ngắm hoàng hôn. Nhưng con đường rất rất tệ (chỉ có đi rồi mới biết, không thể tả vì nếu tả đúng thực tế sẽ bị xem là dùng biện pháp nói quá!) làm mọi người vô cùng mệt mỏi khi xe bò qua, trườn qua, lết qua… các vũng sình lầy lội (chứ không còn là ổ voi nữa). Điều ngạc nhiên là con đường này lại chạy giữa khu dân cư chứ đâu phải trong rừng xanh núi đỏ đâu? Như vậy, hàng ngày người dân vẫn đi về bằng con đường này sao. Điều khó chịu kế tiếp là sau khi bò được qua những khúc lầy, bác tài (một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết) cứ thế phóng tới tới ở những khúc đường còn tương đối tốt. Thế là đang bò trườn, chuyển qua tăng tốc rồi chuyển qua trạng thái rơi xuống kêu ầm ĩ – khi xe đi qua những chiếc cầu gỗ!!! Mấy chú Tây, chắc thấy giống như đi du lịch adventure, tỏ vẻ rất thú vị (hay để che lấp nỗi sợ hãi), có lúc còn vỗ tay (?). Thật là 1 đoạn đường “ấn tượng khó phai”. May mà các “nữ thí chủ” dự tính đi cùng đã “bỏ của chạy lấy người” ngay từ đầu chứ nếu đi về đợt này, bắt đền mình về cả ngoại hình bị tàn phá, lẫn tinh thần bị khủng bố, lẫn sức khỏe bị xâm hại,… không biết lấy gì để mà đền!!!

Một chuyện ngoài lề, là dù đường đi rất xấu như vậy nhưng nhóm các bạn trẻ Lào cũng rất vui vẻ, cho dù thấy rõ là họ cũng rất mệt qua những tư thế ngủ ngồi vất vưởng trên xe của họ. Thế nhưng các bạn ấy thỉnh thoảng vẫn hát nho nhỏ rất tự nhiên khi xe chạy qua những vùng ít giằn xóc. Không thể tự an ủi mình là vì các bạn đó quen rồi vì bên Lào cũng gần như vậy. Thực tế hơi khác là bên Lào xe cộ chỉ cà rịch cà tang thôi chứ không bị chèn ép và đường xấu như vậy. Nếu vậy, chắc cũng cần xem lại “bản lĩnh” chịu đựng của mình quá! Hay tại không còn trẻ như các bạn ấy?

Chưa hết, đã chạy như vậy mọi người rất muốn xe chạy thẳng đến Phnom Penh cho xong việc (theo đúng lịch xe là giờ này đã có mặt ở Siemriep, cũng như đã tới Phnom Penh từ rất lâu rồi) nhưng xe lại tiếp tục dừng tại Konpong Cham lúc 9pm. Khi biết là sẽ dừng lại để cho mấy chú Tây xuống để đi thẳng Siemriep vào sáng mai thì cũng OK. Nhưng không ngờ, bác tài lại chạy vòng vòng và tấp vào 1 quán cơm ven đường. Mấy chú Tây còn lại nhất quyết không chịu, mà ăn uống gì nữa cho được lúc này. Đòi đi ngay, cãi cọ um sùm nhưng cũng chẳng được gì, cuối cùng đành phải chờ bác tài ăn uống xong để tiếp tục lên xe hướng về Phnom Penh, mất hơn 30p quý giá, hơn 9.30 xe mới rời Konpong Cham. Đường tốt hơn, xe chạy như bay để đến Phnom Penh lúc gần 12pm. Vì cũng không rành đường đất PP, không chuẩn bị trước vì không dự định đi tuyến đường này. Vé xe PP-HCM của Mai Linh, 391 Shianouk, (+85523211888) đã hết chuyến sớm nhất khi gọi điện hỏi thăm từ lúc trưa còn ở Kratie. Do vậy, khi xe dừng trên đường Monivong, ngay ngã ba đường 86 và đường Monivong, gần KS Phnom Penh, biết được cũng gần bến xe, bèn nhảy lên tuk-tuk chạy ra bến, kiểm tra chuyến sớm nhất ngày mai (6.30am) và nhân tiện kiếm luôn nhà trọ gần bến xe cho tiện. Nói thật, khu này hơi phức tạp, nam nhi đại trượng phu thì chẳng sao chứ nữ nhi yếu đuối thì cũng không nên ở khu này. Giá cả thì OK. Còn ngay chỗ xe dừng lúc nãy, bạn có thể đi bộ vào đường 86, tới nhà thờ Hồi giáo rẽ trái đi 1 khúc nữa là đến nhà nghỉ Smile (+855.12831329), giá cả cũng phải chăng từ 2-5$/phòng). Thông tin này sau này về kiểm tra lại trong các name-card lấy ở You Hong mới thấy.

Check-in phòng xong xuôi, xuống đường kiếm gì ăn, nhưng thật khó, cho dù khu vực này ở gần bến xe và mới khoảng hơn 12pm. May quá, còn quán cháo trắng cuối cùng đang dọn dẹp. Làm đại cho xong vì từ chiều giờ có gì vào bụng đâu. Ăn xong, tính đi lòng vòng kiếm quán bar nào chui vào làm vài cốc Angkor beer cho đúng yêu cầu đi đâu uống đó nhưng phần thì kiếm chưa ra quán dù đã đi hơi xa, phần thì mệt đứ đừ sau 1 ngày dài lăn lóc, phần thì cần phải thức dậy sớm sáng mai... Do vậy đành đi về ngủ, lòng hơi tiêng tiếc vì mất 1 đêm không làm gì uổng phí tại Phnom Penh, chỉ vì chất lượng dịch vụ xe cộ (và cả con người) quá tệ trên đoạn đường vừa qua.

Sáng, tỉnh giấc lúc 5.30am, nhờ tiếng gà gáy từ điện thoại di động. Vệ sinh cá nhân, vác đồ ra bến xe cũng đã gần 6am. Xông vào mua vé, tự nhiên số vé lại trùng với số vé của chuyến xe Đăng Khoa từ SG-Kontum (!), hơi ngộ ngộ. Xe này là do liên doanh giữa Phnompenh Sorya Transport Company với Công ty xe khách Sài Gòn (Sapaco Tourist), có tuyến đi từ HCM đến Siemriep, 1 lượt 20$; khứ hồi chỉ 36$, giá rẻ bất ngờ. Nếu xe Mai Linh từ PP về HCM là 12$ thì xe này chỉ 9$. Địa chỉ tại HCM: 197, 309 Phạm Ngũ Lão (ĐT 84.8. 9203.623; 8322038), Q1; 500 Nguyễn Đình Chiểu (8351549), Q3. Tại K, ngay tại bến xe PP hoặc tại Caravan Angkor Tours, số 677 quốc lộ 6, tỉnh Siêm Riệp. Đi xe này bạn còn được đi xe trong khu hải quan chứ xe khác là phải xuống vác đồ đi bộ (không mua cổ phiếu cty này đâu, nhưng vừa trải qua chuyến xe bão táp hôm trước nên rất ấn tượng với tuyến xe này và giới thiệu những cái tốt để dân balo cùng biết). Mua vé xong còn đủ thời gian ra đầu chợ ăn sáng, uống café. Thực ra có 2 quán hơi giống giống nhau cùng ở đầu chợ Central, nhưng cái quán gần chợ hơn, ngay trước cổng chợ (quán kia muốn đến chợ phải băng qua bến xe) bán hủ tíu Nam vang ngon hơn. Bến xe này nằm gần chợ Central Market, do đó nếu bạn chưa rành, chỉ cần nói tuk-tuk chở đến Central Market là OK.

Xe tương đối đúng giờ. Xe mới, tốt, phục vụ tương tự nước nôi khăn mặt… như xe Đăng Khoa, NV nói tiếng Cambodia và tiếng Anh, không biết Tiếng Việt dù vẫn đi về hàng ngày. Đường từ K về việt Nam, đoạn trước khi tới Phà Neakloeung đang sửa lại nên khá xấu. Tuy vậy, nhờ đi xe lớn nên cũng đỡ. Đi đến khoảng 8.10am là đến bến phà Neakloeung. Phà đông nghẹt người và xe, và chẳng khác gì chuyến đi K từ nhiều năm trước, những anh chàng bán kính râm mời chào những chiếc kính cà bằng cây đinh nhọn vẫn không hề trầy xướt. Thật ấn tượng nhưng giá cũng rất ấn tượng, chỉ khoảng 1-2$/cái nếu bạn biết trả giá!!! Sông Mekong đoạn này cũng không rộng lắm, nước cũng không chảy xiết. Sang sông cũng mất chỉ khoảng 5 phút. Xong xe chạy thẳng đến cửa khẩu Bavet phía K vào khoảng 10.00am. Xe dừng lại cho khách vào quán cơm của người Việt nghỉ ngơi hoặc ăn uống trong thời gian chờ nhân viên nhà xe đi làm thủ tục hải quan trước. Dù chỉ mới gần 10 giờ sáng nhưng vì chưa đạt được nguyên tắc du lịch balo (tự sáng tác) là đi đâu uống đó, do vậy rất thoải mái khi kêu beer Angkor thưởng thức, cho dù Tây Tàu xung quanh trố mắt nhìn dân “bợm nhậu” vào sáng sớm. Bia Angkor mạnh hơn Beer Lào, cũng không thơm bằng, nhưng có vị đắng rất riêng. Sau đó, phát hiện thêm 1 ưu điểm của xe này là toilet bên trong xe, do vậy cứ uống bia và đem bia lên uống thoải mái chứ đi các xe 12, 16 chỗ ngồi mà cứ đi 20p-nửa tiếng kêu tài xế dừng lại chắc bị chửi tắt bếp. Do vậy, các bạn nhớ nhé, đi tour balo SG sang Siemriep, đừng quên mua thêm 1 thùng Corona ở cửa hàng miễn thuế (khoản dưới 400K) Mộc Bài còn gì bằng (hi hi hi).

Thủ tục hải quan làm cũng nhanh, cả 2 bên. Xong phía K khoảng 10.15am, sang đến VN chỉ mất thêm khoảng 20p. Lục tục lên xe lúc 10.50, Sài gòn thẳng tiến. Những con đường lộn xộn những xe cộ, đang ngày càng lộn xộn hơn, báo hiệu sài gòn ngày càng gần. Cuối cùng xe đến Sài Gòn lúc khoảng 12.00am. Kết thúc hành trình Việt Nam-Hạ Lào-Thailand-Cambodia-Việt Nam trong 4.5 ngày, 4 đêm, một hành trình phát sinh rất nhiều ngẫu nhiên, có nhiều đoạn đường gian khổ, nhưng khi qua rồi lại thấy hấp dẫn, để càng tự tin hơn trong những chặng đường “ăn chơi” khó khăn sắp tới. Hẹn gặp!

Một số chi phí tham khảo

Vé xe từ Sài gòn – Kontum: 140.000

Vé xe từ Qui Nhơn – Pakse: 250.000

Từ Kontum đi Ngọc Hồi bằng bus: 15.000

Từ Ngọc Hồi – Bờ Y bằng xe ôm: 50.000

Từ Gia lai đi Biển Hồ và chờ để chở đi sân bay: 30.000

Taxi từ Gia lai-Kontum 270.000; từ Gia lai-Ngọc Hồi 660.00

Vé xe từ Sanavan đi Pakse 30.000 Kip

Vé xe từ Pakse đi Phnompenh: 35$, đi Kratie 29$.

Vé xe từ Phnompenh đi HCM 9$ (Sapaco); 12$ (Mai Linh)

Nhà nghỉ tại Salavan 60.000kip, tại Pakse khoảng 50.000Kip tại Siphandon 15.000kip / bên Done Dhet, bên Done Khone sẽ cao hơn, tại Phnompenh từ 3-6$

Bia Lào, chai lớn # 8-10.000kip, chai nhỏ từ 7-9.000kip.

Các chi phí ăn uống tại Lào & Cambodia gần tương tự VN.

Bia Shingha Thái giá 16.000kip chai lớn 640ml.

Chi phí làm thủ tục hải quan vào, ra ở Lào TB là 1$/person, trừ ở Bờ Y thu 33.000K

Chi phí làm thủ tục ở Cửa khẩu Bờ Y, Việt Nam lúc trước 2.000 nay tăng lên 5.000 nhưng nếu đưa dư sẽ không có tiền lẻ để trả lại.

Chi phí làm visa vào Cambodia 22$ cộng phí hải quan 1$.

Phí thuê xe Honda ở Pakse 80.000 kip/ngày

1$ = 16.200VND = 9.500kip Lào = 4.000 Riel Cambodia = 33 Baht Thái / 2007-09-01

Ở Lào cũng nhận tiền VN, nhưng giá hơi thấp: 1.000.000VND # 590.000Kip, (có nơi chỉ còn 550.000kip)

Đường đi:

Saigon – Kontum: 589km Gia Lai – Kontum: 47km

Kon tum – Ngọc Hồi: 80km; Ngọc Hồi – Bờ Y: 20km

Kontum – Attapeu: 180 km; Bờ Y – Attapeu: 100km

Kontum – Pakse: 380 km; Sanavan – Pakse: 113km

Pakse – Vang Tao, Chongmek: 45km Pakse – Vat phou: 46km

Vueng kham – Stung treng: 50 km Stung treng – Kratie: 2-3hours

Kratie – Phnompenh: Road 7: 340km Kratie – Phnompenh: Road 73: 250km (rất xấu)

Hành Trình Bờ Y - Hạ Lào - 4

Pakse-Siphandon

Có rất nhiều tai tiếng trên net về đoạn đường từ Pakse sang đất K, do vậy bạn cần check thông tin tương đối kỹ. Lanexang Travel Agency, tuy còn vài thiếu sót do kiếm chưa được đối tác tốt bên K, nhưng phần dịch vụ bên Lào của họ tương đối tốt. Từ Pakse, bạn có thể mua vé đi thẳng Phnompenh (35$), hoặc ngay cả đến Siemriep, chạy suốt trong ngày nhưng bạn cũng có thể đi bằng tuyến đường Pakse-Siphandon-Phnompenh, có dừng nghỉ ở Siphandon 1 đêm. Chủ quan nhìn bản đồ, và chủ quan vì đã từng đi từ Việt sang K bằng cửa khẩu Xa mát, do vậy vé chỉ được đặt từ Pakse đến Kratie (đọc là Kra-Chey) để từ đó đi về Xa Mát hoặc cửa khẩu mới Hoa Lư ở Lộc Ninh gần hơn, nhưng sau mới biết đó là sai lầm (cũng may đã được sửa chữa kịp thời), nhất là khi đi balo trên đất K, chất lượng dịch vụ vừa kém vừa “văn hóa lùn” – không vơ đũa cả nắm nhưng tỷ lệ này tương đối cao. Các phương tiện công cộng ở K đi qua các cửa khẩu này rất ít, chỉ có các cty du lịch đi nguyên đoàn thì hay đi cho gần hơn thôi. Do vậy khó kiếm được xe từ các thị xã nhỏ đến các của khẩu này. Do vậy, hành trình về sau đã được đổi lại.

Cầu nối 2 đảo Done Dhet, Done Khone

Khởi hành chính thức lúc 8.50am, chiếc minibus đến vùng đất 4.000 đảo sau đó hơn 2h, với hành trình khoảng 100km. Lý do chậm là rất nhiều đàn gia súc hồn nhiên chiếm mặt lộ nằm đứng ngồi, suy gẫm, thỉnh thoảng lại chạy tớn lên… xem như nhà mình. Xe sẽ dừng chân trước bến phà đi Done Dhet, Done Khone (ngoài ra ở đây còn hòn đảo lớn nhất tên là Done Khong, ở cách xa 2 đảo này). Sau khi kiểm tra thông tin về giờ giấc, phương tiện di chuyển ngày mai, Tây ta đều leo lên chiếc ghe bé xíu, bề ngang ngồi được 2 người lách ngược dòng chảy, men theo bờ, băng qua nhiều “đảo” lớn nhỏ để đến Done Dhet hơn 30p sau đó. Vùng Siphandon này được gọi là vùng “4.000 Islands” vì đây là nơi sông Mekong trải rộng nhất với nhiều cồn, đảo. Vào mùa lũ, khi nước ngập mênh mang, bề ngang sông Mekong lên đến 14km và bao phủ 4.000 “đảo” lớn nhỏ. Thực ra các đảo này có khi chỉ là những cụm đá nhỏ xíu và ngay cả lớn hơn nữa như Done Dhet, thì ở Việt nam cũng chỉ gọi là cồn, như các cồn ở Tiền Giang, Cần thơ…Nhưng có lẽ ở Lào, dân tình kỵ từ ‘cồn” nên phải dịch là đảo (giả thuyết này chưa được kiểm chứng!!!). Sông mênh mang, vàng sánh phù sa và chảy rất xiết, giống các con sông nhỏ ở Miền Trung mùa lũ hơn là 9 dòng Cửu long, ngay cả mùa lũ cũng không chảy xiết đến vậy. Do vậy khi đi ngược dòng, tài công phải len lỏi vào các luồng nhỏ, men theo bờ… để cập ghe vào bến đò của đảo Done Dhet. Từ bến ghe / đò này, bạn có thể rẽ trái hay rẽ phải để kiếm 1 nhà nghỉ cho mình. Trong các hướng dẫn du lịch, cũng như tư vấn của NV Lanexang, bên Done Dhet thì bình dân hơn và tiện nghi ít hơn, Done Khone thì cao cấp hơn và có cả phòng máy lạnh… Chắc bạn cũng chưa điên để nằm trong phòng máy lạnh, khi bờ sông cách chưa đầy 3 bước chân phải không, nhất là bạn đi balo tour chứ không phải spa tour? Như vậy Done Dhet được chọn. Ngay ở Done Dhet, nếu lên bến ghe bạn rẽ phải thì những nhà nghỉ sẽ khang trang hơn, cư dân buôn bán tấp nập nhộn nhịp hơn. Còn nếu rẽ trái, nhà nghỉ và nhà của cư dân cũng thưa thớt hơn. Tùy bạn chọn.

Nhà nghỉ được ưu tiên chọn lần này là hướng rẽ trái nhưng không xa bến đò lắm vì sáng mai phải khởi hành sớm. Đó cũng là “cái duyên” khi gặp được chủ nhân nhà nghỉ vui tính, dễ mến và đặc biệt là từng đi “du học” ở Hải Dương, Việt Nam 2 tháng, vào những năm 1982. Anh đã từng sang VN học ngành Công An nhưng vì sức khỏe không phù hợp đã ngưng và sau đó chuyển về đây mở nhà nghỉ. Đố bạn biết giá nghỉ 1 phòng/đêm ở đây? 15.000 kip, bất kể phòng đó 1 hay 2 người nghỉ, trong khi đó giá 1 beer Lào ở đây là 10.000 kip, có lẽ vì chuyên chở quá vất vả. Cũng như mọi khi, cuốn sổ Đăng ký tạm trú để khách tự điền thông tin vào được nghiên cứu. Và cho đến thời điểm hiện tại, với cuốn sổ được mở từ 2002 (sorry nếu lầm, hoặc 2003), chỉ có 3 khách người Việt, còn lại là Tây là chủ yếu. Dù sao cũng còn may chứ những cuốn sổ ở Phonsavan, Panam, Houixay còn chưa thấy tên Việt Nam nào trong đó hết. Done Dhet là hòn đảo nhỏ (khoảng 1x3km), Done Khone lớn hơn 1 tý (khoảng 2x3km – theo lời chủ nhà) nhưng để đi lại thuận tiện hơn bạn nên thuê những chiếc xe đạp mini be bé, những chiếc xe mà dễ có cả chục năm bạn chưa đi. Với mình thì hơn 15 năm rồi!!! Trên đảo thì cũng chỉ có vài nơi để đi, nhưng có lẽ điều ưa thích nhất của dân balo khi đến đây là treo võng nằm đong đưa dưới những tán cây râm mát bên bờ Mekong (còn có tour gọi là Du lịch võng nữa mà) hoặc chiều xuống, trăng lên ngồi bên bờ sông uống Beer Lào hay rượu nếp LaoLao, nhìn Mekong trôi… thì như tất cả mọi phiền muộn trong người cũng trôi hết theo sông (?) Tuy vậy, bạn cũng nên đi thăm thú vài chỗ, cũng rất hay và cũng rất đặc trưng. Trước tiên là đạp xe vòng quanh đảo để biết hơn cuộc sống của dân bản địa. sau đó dọc theo bờ sông ra đến cây cầu “hoành tráng” nối liền 2 đảo Done Dhet & Done Khone. “Hoành tráng” và vì đã xây từ hồi Pháp thuộc nhưng đến giờ cầu vẫn sừng sững giữa dòng Mekong bất chấp thời gian và dòng lũ xiết mỗi năm tràn về. Qua cầu bạn sẽ bị “đóng thuế” 9.000kip, thuế này, nếu là phí qua cầu thì quá đắt nhưng thật ra là phí tham quan Done Khone và sau đó bạn không trả thêm phí nào khi đi thăm các thác, đảo, chùa chiền ở đây. Điểm kế tiếp là thác Lyphy (đọc là Ly-Py) sau 1 chặng đường đạp xe hơi mệt, qua 1 cây cầu nhỏ, đi dưới 2 hàng cây đan xen vào nhau làm thành 1 con đường đi ngộ nghĩnh râm mát. Thác Lyphy này có lẽ lớn thứ nhì ĐNA (chưa được kiểm chứng!!!!) vì Thác Khone Phapheng, nằm giữa biên giới Lào-Cam, cũng gần đây thì đã được biết đến như là thác lớn nhất ĐNA. Thác Lyphy lớn hơn cả các Pongour, Con Voi, Draysap, Draynu, Datanla,… kể cả Khuangsi tại Luangprabang… Thác rất hùng vĩ, trải rộng và nhiều tầng lớp với dòng nước phù sa mùa lũ chảy mạnh tung tóe. Rừng cây cổ thụ kế cạnh còn được giữ nguyên vẹn cũng là nơi nghỉ chân lý thú.

Thác Lyphy

Rời thác, đi được khoảng 500m, rẽ phải đi thêm khoảng 1,5km bạn sẽ đến Dolphin Beach. Nơi đây rất lạ là có 1 bãi cát bên sông mà nếu chụp hình thì rất dễ nhầm với 1 bãi biển nào đó. Không dự tính, nhưng khi gặp trên đường, 1 tài công trẻ đề nghị đi thăm cá heo nước ngọt trên dòng Mekong. Dù có đọc trên net nhưng cũng không nghĩ là có thể đi được, nhất là nghe nói vào mùa lũ này các chú Dolphin nước ngọt tập trung nhiều ở Kratie hơn là ở đây, nhất là khi nhìn chiếc xuồng độc mộc mong manh giữa dòng sông mùa lũ lại càng ngại hơn nữa. Tuy nhiên, sau cùng thì cũng bị cám dỗ và thế là leo lên thuyền đi. Buồn cười nhất là chú tài công rất ngạc nhiên thấy mình trả giá – có lẽ chưa bao giờ thấy (!!!). Nhưng “rút kinh nghiệm” những ngày qua, cũng trả giá đại xem sao. Nói nào ngay, cũng bớt được chút ít nhưng ở lượt về, thấy chú tài công vất vả quá, lại cho thêm chú – huề, nhưng vui. Dòng sông khúc này là hạ lưu của thác Lyphy nước chảy rất xiết. Dấu tích của mùa lũ trước vẫn còn thấy qua những khúc gỗ bị mắc ở các chạc cây, cao hơn mặt nước hiện tại đến 2m! Chiếc độc mộc chạy khoảng 20 phút là đến bờ bên kia, của đồn biên phòng Cambodia hay là Trạm bảo vệ cá heo nước ngọt nữa cũng không biết. Chỉ biết chắc là đất K. Trên bờ có lán nhỏ có treo những chiếc võng cho khách nằm chờ xem cá heo!!! Lúc đầu chưa quen nên khó nhìn, sau khi bắt đầu quen rồi thì rất dễ nhận thấy các chú. Có cả 1 chú vào gần bờ, nhảy cong người lên khỏi mặt nước cả khúc. Thật thú vị, không ngờ trong 1 chuyến đi ngắn ngày như vậy mà “cỡi ngựa xem hoa” được rất nhiều thứ. Thật ra, việc nằm võng ngoặc bò xuống bờ sông (gần hơn) để canh và xem cá heo nước ngọt cũng rất lý thú, nhất là khi bạn có nhiều thời gian. Chiều về rồi, còn nhiều điểm phải đi nữa nên đành chào tạm biệt các chú cá heo, chào đất Cambodia, hẹn mai gặp lại.

Về lại Done Khone, đạp xe đi lòng vòng thăm Done Khone, thăm lại dấu tích đường ray xe lửa cũ… thì trời cũng gần tối, vả lại giông gió đầy trời nên tranh thủ quay lại nhà nghỉ để chuẩn bị cho buổi tối, hứa hẹn rất hoành tráng.

Đêm xuống rất nhanh trong vùng rừng núi, cũng lạ là không có muỗi chứ như ở các vùng sông nước khác là giờ này chắc bị muỗi “khiêng đi” rồi. Sông đen huyền hoặc với những ngọn gió sông ngày càng lạnh hơn lúc về khuya, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng ghe lạch tạch đi ngang. Ếch nhái rền rĩ khắp chốn, nhất là gặp lúc trời đổ mưa nữa, nghe thật “đã”, khi đã lâu lắm rồi chưa gặp lại. Vài ngọn đèn chạy máy vàng vọt đã được yêu cầu tắt đi và thay bằng nến để tiết kiệm dầu và cũng để chỉ cho chủ nhân nhà nghỉ cách đốt và giữ nến trong gió không bị thổi tắt nữa. Mấy mẹo vặt đôi lúc có tác dụng ra phết trong những chuyến lang thang. Bắt đầu là các món ăn địa phương cộng với beer Lào, sau đó là rượu trắng Laolao. Cũng may là rượu Laolao ở đây tương đối nhẹ, độ rượu cỡ Votka chai nhỏ, chứ như rượu LaoLao ở Luangprabang (đốt cháy được) chắc đã lăn quay từ sớm rồi. Anh chủ nhà cũng nhiệt tình tham gia, sau đó có cả chị Hai chủ nhà ra uống phụ nữa, vui ra phết, giống y mấy “chế” ở miền Mekong Delta, luôn phụ chồng tiếp khách ở tăng 2, nhưng tửu lượng thường cao hơn cả chồng hay các anh các chú. May quá, chị Hai ở đây không “luộc” đứa em, chắc thấy tội nghiệp với lại sông nước mênh mông thế này, “luộc” nó xỉn, biết có chuyện gì? Đêm Mekong thật quyến rũ. Không còn thấy sông đen nữa vì trời quá tối vì mây mù dày đặc không trăng không sao, chỉ còn nghe tiếng đò xuôi ngược lạch tạch lúc sớm và ngưng hẳn lúc khuya. Trời đêm thì lúc tạnh, lúc mưa, lúc rỉ rả, lúc ồ ạt, trăng muộn ngày 21AL lúc ẩn lúc hiện được tý xíu. Gió càng khuya càng lạnh nhưng có lẽ vẫn chịu được nhờ những chén rượu ấm lòng. Đã nhiều kinh nghiệm “ăn chơi” nơi không khí trong lành vùng quê, hải đảo, núi cao… biết rõ là sáng hôm sau thường là ít hoặc không bị nhức đầu nếu so với việc cụng ly nơi đô thị ô nhiễm, tù túng, thế là “tới luôn bác tài” cho đến quá nửa đêm. Đêm ở 4.000 đảo thật ấn tượng.

Sáng, muốn dậy trễ cũng không được vì các chú gà trống thi nhau gáy ỏm tỏi khắp nơi. Và cũng may là sau 1 đêm (hay chỉ 1/3 đêm, vì ngủ rất trễ), đầu óc vẫn bình thường nhờ khí hậu trong lành của vùng sông nước. Do vậy, cảm giác nằm đong đưa trên võng, đón bình minh, trong những cơn gió đầu ngày se se lạnh cũng thật tuyệt. Những trận mưa đêm qua không lớn, những đám mây vẫn còn sũng nước, trời không đủ nắng để tan mây nên bầu trời vẫn cứ xám nhờ nhờ trên dòng sông vàng sánh phù sa cuồn cuộn chảy. Gà cũng thôi gáy, đây đó những chiếc xuồng nhỏ túc tắc chạy trên sông, đi thăm câu, lọp trở về, nhưng với rất ít chiến lợi phẩm. Một điều cũng rất lạ là xã nhỏ Done Dhet nằm bên bờ sông nhưng trong quán xá lại không có cá sông Mekong? Tại khúc sông này nước chảy xiết quá hay tại kỹ thuật của ngư dân không tốt lắm? Chứ ở những khúc sông khác thì cá vẫn rất nhiều mà? Hay tại cả hai. Ngoài ngõ, các cô cậu học sinh bé tí đang tíu tít đến trường, trong lều, khách vẫn lười nhác đong đưa nằm ngắm trời mây sông nước… Nói vậy chứ cũng chỉ được một lúc rồi cũng phải say-good-bye để lên đường. Cuộc chia tay thật cảm động với những người chủ nhà hiền lành thân thiện. Hẹn gặp lại một ngày không xa, ở thêm vài ngày cho đến lúc người chảy dài ra như sông, như tính cách “lười biếng” của mình chứ đi kiểu này chưa “đã”. Tạm biệt xóm nhỏ Done Dhet.