Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

Hành trình Bờ Y-Hạ Lào-Cambodia-HCM - 3

Vat Phou trong hoàng hôn

Salavan-Pakse

Sáng, dậy rất sớm và đi lang thang ra chợ lúc khoảng 6am. Đây là điều vẫn thường làm trong những hành trình balo để có thể cảm nhận nhiều hơn cuộc sống của cư dân địa phương. Rất may vừa ra khỏi nhà là gặp ngay 1 đoàn chú tiểu ôm âu đi khất thực. Tranh thủ chụp hình các chú tiểu xong là gặp 1 đoàn các bé gái quẩy măng đi bán, có lẽ là măng rừng hay măng tre trúc gì đó vì rất nhỏ. Các chú tiểu chỉ quay mặt đi lúc bị chụp hình, không dám rời bỏ đội ngũ chứ các bé gái thì bỏ chạy tán loạn, cũng may là chụp được vài tấm. Đi tiếp vào chợ thì thấy cũng giông giống các chợ nhỏ ở vùng quê Việt Nam, chỉ khác là họ bán rất nhiều kỳ đà (nhìn mà thèm vì đã ăn rồi, rất ngon), kỳ nhông, cá Mekong và đặc biệt nhiều là măng. Salavan là 1 trong 2 vựa lúa của Lào với phù sa màu mỡ của sông mẹ Mekong nhưng các phẩm vật địa phương cũng không nhiều. Chợ thì nhỏ, ướt và lầy lội nhưng xung quanh (và cả trong chợ) có rất nhiều anten chảo, loại thu sóng vệ tinh vì đường kính rất lớn 2-3m. Có cả 1 chú gà trống phi thân lên chảo, đứng gáy rất hùng dũng trên đó nữa. Hình ảnh tương phản thật thú vị nhưng lôi máy ra chụp không kịp, thật tiếc.

Lang thang, lòng vòng trong chợ 1 tý lại phải về vác đồ để ra bến xe cho chắc ăn. Hơi bất tiện là ở tỉnh nhỏ, lại không phải ở khu văn phòng, hành chính nên hầu như không ai nói tiếng Anh được, phải gọi ngược lên Vientiane, nhờ 1 người bạn Lào nói giúp cho tài xế tuk-tuk chở ra bến xe đi Pakse, có khi tiền ĐT gấp mấy lần tiền xe!!!. Tip: nếu bạn không học vài từ tiếng Lào đơn giản kịp thời, hãy chụp hình hoặc kiếm hình nơi bạn muốn đến (hoặc tương tự cũng được) đưa ra cho các bác tài xem, để việc trao đổi thông tin tốt hơn. Vừa tới bến xe gặp lúc 1 chuyến xe, đề bảng Salavan – Vientiane đang rời bến (7.30am), có lẽ do được chỉ dẫn rõ ràng bởi người bạn ở Vientiane, tài xế tuk-tuk đã hướng dẫn lên ngay xe này. Lúc đầu còn ngại, sau nhớ câu chuyện được nghe dọc đường hôm qua là xe đi Vientiane cũng phải ngang qua Pakse, dù dài hơn và ngược đường do vòng xuống rồi lại ngược lên. Lý do là con đường tắt, ngắn hơn khoảng 70km kia xấu quá nên các bác tài đành chọn đường này. Mà nói về đường “xấu hơn” ở Lào, Cambodia chắc các bạn khó tưởng tượng nổi nếu chưa từng đi.

Nếu nói xe này chạy với tốc độ rùa bò, không chừng bạn sẽ bị đồng chí rùa đâm đơn kiện vì tội lăng mạ. Chỉ với 113km xe chạy từ 7.30 đến gần 11.00 mới tới dừng lại 2-3 chỗ, không kể là dừng lại đón khách và cho cả 1 chiếc xe máy lên xe (chứ không phải mui xe). Cũng may là con đường cũng thú vị, xuyên qua những cánh đồng của Lào, rất khác biệt với các cánh đồng bên Việt Nam. Khác thứ nhất là bên Lào ăn nếp chứ không phải lúa, do vậy những cánh đồng này rất xanh tốt và cao lớn. Tuy vậy điểm khác biệt quan trọng không phải là điểm này. Đó chính là: rừng giữa đồng. Ngay giữa những cánh đồng, vẫn có những cây cổ thụ hoặc ngay cả những cây nhỏ hiên ngang mọc thẳng, chung với lúa. Người Lào khi khai phá đồng ruộng không chặt hết các cây mà vẫn để chúng phát triển bình thường, có khi còn trồng thêm nữa (chưa được kiểm chứng nhưng có lẽ vậy vì vẫn có các cây nhỏ). Do vậy khi nhìn vào các cánh đồng bên Lào, bạn không thể nhìn xa được vì các hàng cây đan xen vào nhau, giống như bạn đang thấy rừng và đồng lúa đang chung sống – rất ấn tượng, về cảnh quan này cũng như ý thức bảo vệ cây cối của dân Lào. Cũng dọc theo đường đi, bạn sẽ càng ấn tượng hơn nữa khi thấy các hàng cây mới trồng ven đường, có những cây bé như ngón tay út, cao vài chục cm nhưng lại được bảo vệ bằng hàng rào làm bằng những thanh, cây gỗ lớn gấp mấy lần cây con này, mới biết họ quý cây như thế nào. Và bây giờ, những cánh rừng đại ngàn gìn giữ bao đời nay của học đang “được” người anh em Việt Nam sang ồ ạt khai thác!!! Chiếc xe bò rù rà rù rì thật chán vì cảnh vật cũng không đổi thay gì nhiều. Được một cái là trên xe còn có 1 đầu DVD hay VCD gì đó, mở đĩa cho bà con có cái gì nghe nhìn những lúc buồn chán. Nhưng cái không được của việc này là luôn bị tra tấn bởi các bài hát Lào, Thái gì đó rất đơn điệu, nhàm chán, lập đi lập lại những ca khúc với ca từ na ná, âm điệu cũng ná ná, và cách biểu diễn cũng na ná. Nhận xét về nhạc Lào như vậy bổng tự hỏi là “Có ai nhận xét về nhạc Việt như vậy chưa ta?” Cũng hơi ngộ nghĩnh là trong 1 lần thay đĩa, tình cờ bài hát “Vầng trăng khóc” được bật lên. Như vậy không chỉ ở Pakse mà có thể ở Sanavan cũng có nhiều người Việt sinh sống.

Cà rịch cà tang, sau khi bị “bán” qua 1 xe tuk-tuk ở 1 ngã rẽ cách Pakse 10km, Pakse đã hiện ra phía trước. Xe tuk-tuk bỏ khách tại một cái chợ có tên là New market nên không định hướng được vì không tìm thấy tên chợ này trong bản đồ. Sau này mới biết New Market này chính là Daoheung Market (của bà chủ người Việt, tên là Đào Hương) trong bản đồ. Quanh co, lòng vòng 1 hồi, nhìn thấy dòng Mekong phía trước bèn lon ton hướng đến bờ sông để xem có dễ định vị hơn hay không, với chút kinh nghiệm nữa là các nhà nghỉ, hàng quán thường nằm dọc bờ sông. Tới bờ sông, hơi thất vọng khi chẳng thấy nhà nghỉ, hàng quán gì hết. Nói chuyện với tài xế tuk-tuk, định vị bằng dòng sông mới biết rằng ngôi chợ lúc nãy chính là chợ Daoheung. Thế là biết đường rồi, bèn tót lên xe tuk-tuk yêu cầu được đưa đến khu trung tâm, đến được KS Lankham nữa thì càng tốt. Gần đến nơi, khi tài xế còn đang bối rối tìm đường đến Lankham thì thấy trước mặt là một bảng hiệu bằng tiếng Việt “Quán cơm Liên Hương”, thế là chẳng cần tài xế đi tiếp, tót xuống xe vào hỏi thăm chủ quán Liên Hương, té ra Lankham nằm cách đó vài chục bước, bên kia đường. Thế là check-in luôn, 50.000kip/phòng là giá thấp nhất. Thực ra nếu đã đến được khu này, chịu khó cuốc bộ theo các bảng hướng dẫn 1 tý, vào các đường nhỏ hơn, có khi bạn sẽ kiếm được phòng rẻ hơn nhiều.

Cũng có cái được là Lankham ở cạnh Lanexang Travel, nơi có dịch vụ du lịch tương đối tốt, cũng như đã cung cấp những thông tin rất hữu ích cho khách. Chưa kịp cơm nước, đã “lê văn Tám” với cả 2 tên, 1 lễ tân của KS Lankham và nhân viên của DL Lanexang đã biết được lượng thông tin đáng kể. Sang Liên Hương cơm nước (cơm Việt!!! thật khác với tiêu chí bình thường của mình là đi đâu ăn đó, uống đó) và chuẩn bị lên đường. Mục tiêu chuyến đi chiều nay là đi được khu đền đài cổ Wat Phou, sang được bên kia đất Thái, qua cửa khẩu Vang Tao của Lào sang cửa khẩu Chongmek, Thailand. Thuê xe Honda ở Pakse là 80.000 kip/ngày, hơi đắt và không có việc thuê ½ ngày. Cứ tính đủ 24h trả tiền, ít hơn cũng phải trả đủ như vậy. Dịch vụ có kèm theo mấy cái nón bảo hiểm nặng như cái cối đá nhưng cũng phải đeo vào, cho an toàn với đường lạ và với CSGT. Ah có 1 điểm bạn cần chú ý là muốn thuê xe, bạn sẽ phải gửi lại pass-port, nhưng như vậy bạn sẽ không sang Thailand được. Do vậy bạn cần gửi lại ít nhất 500$ thế chân cho chiếc xe trị giá khoảng chừng 200-300$ này, không có cơ hội lựa chọn. Ưu tiên là đi trước là Vang Tao vì sợ rằng đi trễ cửa khẩu sẽ đóng cửa, với lại, tên tiếp tân tại Lankham còn chỉ 1 đường rẽ vào Wat Phou trên đường trở về từ Vang Tao, không nhất thiết phải quay về Pakse để đi, như theo đường thông thường. Dù đã hỏi rất kỹ là đường này có dễ đi không và nhận câu trả lời, kèm 1 chút ngần ngừ của y là dễ đi. Sau đó mới biết, dễ đi cho người Lào rất khác với cho người Việt!

Pakse-Vang Tao-Chongmek-Wat Phou-Pakse

Từ Lankham, Pakse đi Vang Tao mất 44km, đi thẳng đường 13, đến chợ Daoheung rẽ phải, qua chợ, chạy qua cầu, cứ đi thẳng sẽ đến biên giới. Con đường xuyên qua những thị trấn nhỏ, cánh đồng và cả những căn nhà sàn nơi các cô gái Lào đang giã gạo bằng cái cối đá ngày nảo ngày nao ở Việt Nam. Đường đi nắng lóa mắt, cái nắng thật khó chịu của xứ Lào. Đặc biệt là phía bên Lào, trước khi đến và ngay kế với cửa khẩu là 1 bãi rác với những thùng, vỏ… “made in Thailand”. Sao không dời đi đâu xa một chút, đất Lào còn thênh thang mà, sao lại chình ình ngay cửa ngõ đất nước như thế này. Đến cửa khẩu Vang Tao, bạn phải gửi xe lại, làm giấy tờ ra khỏi Lào, đóng tiền 1$/passport (và như vậy nữa khi bạn quay lại, nhớ nhé). Sang đất Thailand làm thủ tục tiếp thì lại miễn phí (bình thường mất 50 baht) khi nhân viên hải quan hỏi và biết rằng chỉ qua Chongmek chơi 1 tý rồi về trong ngày (và khi về phải vào đưa cho họ xem lại passport là có đúng vậy không, thay vì chỉ làm thủ tục ra khỏi đất Thái ở bàn xuất cảnh mà thôi). Tip cho bạn: sau khi đi, có thấy, mới tin được thông tin trên mạng có nói, mà lúc đó lại không tin là: bạn không cần làm thủ tục ở 2 cửa khẩu này vừa tốn tiền, vừa tốn công, vừa tốn thời gian nếu như bạn chỉ định đi lơn tơn qua đó chơi 1 tý là về. Bên cạnh con đường nhỏ làm thủ tục có cổng, bàn, NV hải quan … để kiểm tra giấy tờ là 1 khu vực rộng thênh thang đang xây dựng và bạn có thể thoải mái đi qua, đi về được. Dân balo quen sử dụng thẻ ATM thay vì tiền mặt thường đi rút tiền theo kiểu này, vì chỉ ở bên Thái là có quầy rút tiền, còn ở Pakse hoàn toàn không và do đó đã đưa thông tin này lên net. Còn khi bạn muốn vào hẳn đất Thái và xuất ra bằng 1 cửa khẩu khác của Thái thì chắc chắn là bạn phải làm thủ tục check in/out rồi. Nếu không, bạn có thể trở thành 1 anh chàng giống Tom Hanks trong một “The Terminal” mới nhé.

Cửa khẩu Chongmek bên Thailand còn đang xây dựng dở dang, nhưng rất hoành tráng. Từ đây vào thành phố gần nhất là Ubon của Thái khoảng 60km. Ubon cũng như Pakse bên Lào là nơi có nhiều Việt Kiều sinh sống. Có điều nhóm Việt Kiều bên Ubon là từ rất lâu, còn ở Pakse là vừa có mới vừa có cũ. Chongmek không phải là thành phố hay thị xã lớn, chỉ là “village”, theo như cách nói của cánh tài xế Thái, khi nghe khách hỏi là muốn đi thăm 1 city nào đó gần đây, nhưng không phải là Ubon vì quá xa. Do vậy, chắc ngoài khu biên mậu này, vào trong sâu 1 tý nữa cũng không có gì (thông tin này chưa kiểm chứng). Ý định đi thăm thú 1 thành phố Thailand nào đó gần biên giới tiêu tan vì xuống tận Ubon thì xa quá (!), gần thì không, mà chuyến đi này thời gian cũng hơi cập rập. Đành ở lại Chongmek. Có điều Chongmek nóng quá, kiểu nắng nóng vùng cao nguyên, khó chịu đến lóa mắt khi ngoài nắng nhưng vào bóng râm lại dịu mát ngay. Có điều bóng râm ở đây hơi ít. Các sạp hàng quán kế biên giới bán các thứ hàng linh tinh cho dân nông thôn, chẳng có gì đặc sắc. Chỉ hơi lạ là các món côn trùng như dế cơm, cào cào… được chiên vàng ruộm bày bán giống như các món nhắm, món khô mực, khô khoai… của dân Việt. Điều rất vui là đi chợ ở đây giống như đi chợ tình buổi tối ở Sapa, Việt Nam: các chủ sạp dù già trẻ luôn có 1 cái cassette mở inh ỏi những điều nhạc buồn chán, đơn điệu của người Thái, Lào, mà bạn sẽ dễ dàng nhận ra sau này, dù gặp ở đâu vì nó rất đơn giản và rất ít âm tiết, cung điệu. Nghe nhạc này trong cái nắng nóng cao nguyên, trong lúc đang say nắng thì chắc dễ bị khùng quá. Cũng may là còn có các em dân tộc xanh xanh đỏ đỏ đi tới đi lui đỡ mỏi mắt.

Nguyên tắc ăn chơi balo hàng đầu là đi đến đâu, ăn tại đó và uống bia địa phương đó cần được tuân thủ. Do vậy, lại được tiếp tục thưởng thức Shingha beer, với ý định tiếp theo nữa sẽ là Chang beer (định vị bên Thái của 2 bia này giống như Heineken và Tiger ở VN, tuy là bia local). Ah, có một điều bạn cũng nên biết, để lên kế hoạch cho tốt và đỡ bị sốc là bia ở Thái, dù chỉ là cái quán ọp ẹp ở biên giới, giá gấp đôi bia Lào (dù bia Lào ngon hơn – đã kiểm chứng và được nhiều người đồng ý). Ngồi trong 1 góc chợ nhỏ, mà chắc mai mốt sẽ bị dẹp khi khu thương mại xây xong, nhìn đoàn người đủ các dân tộc ríu ra ríu rít, Tàu xí lô xí là, Tây đủng đa đủng đỉnh… uống bia trốn nắng cũng là 1 kỷ niệm khó quên, nếu bạn không quá mệt và không quá vội. Không vội sao được vì đã hơn 3pm, bạn chỉ còn ít thời gian để đi từ Km44 Vàng Tao về đến Km 18 (ngã rẽ vào huyện Champasak) là mất 26km rồi, sau đó phải rẽ phải, đi 50km mới đến Vat Phou. Thế là ý định làm thêm Chang beer bị phá sản, có gì đâu lần sau “trả thù” gấp đôi, gấp ba. Vội vã làm thủ tục rời khỏi Chongmek, Vang Tao để ngược về Pakse. Đường về nhanh hơn đường đi, nhưng vì các hướng dẫn chỉ đường ở Lào quá tệ nên phải dừng lại nhiều lần để hỏi thăm đường. Cuối cùng rồi cũng vui mừng rẽ vào con đường đất đỏ, con đường tắt khác đến Wat Phou, di sản UNESCO thứ hai của Lào. Tip: Bạn sẽ thấy bảng hướng dẫn vào Champasak District, gần 1 cây xăng, chứ không phải là bảng hướng dẫn đi Wat Phou, cho dù Wat Phou nổi tiếng như vậy và nằm trong lòng huyện Champasak.

Con đường đất đỏ lúc đầu rất tốt, vì đã có hỏi thông tin từ nhân viên lễ tân tại KS Lankham, được trả lời OK rồi nên cũng yên tâm. Vừa đi vừa cảm thấy may mắn (!) là vì trao đổi thông tin kỹ nên biết thêm 1 tuyến đường mới vì hấu như mọi người chỉ đi Wat Phou bằng con đường chính từ Pakse, sang sông bằng phà chứ không đi đường này. Do vậy, rất phấn khởi là mình đi đường này, về đường kia là được 2 đường, rất balo. Đường đất đỏ nhưng nhà sàn của dân địa phương 2 bên cũng tương đối nhộn nhịp, những cánh đồng nếp xanh rì rì đang trổ đòng thoảng nghe mùi hương lúa non. Cảnh vật cũng như bừng sáng với những tia nắng cuối chiều dát vàng những đầm nước, hàng cây bên đường. Thế nhưng niềm vui bắt đầu bị soán chỗ bởi nỗi lo khi đường đất càng ngày càng tệ, đường rất kỳ là khúc tốt xen lẫn với khúc bị ổ voi ổ gà và đặc biệt là rất sình lầy. Do vậy sẽ càng hoang mang hơn vì không biết phía trước là như thế nào, khi bỗng nhiên có lúc trời mây vần vũ báo mưa và trời cũng đã gần tối… nhưng lòng thầm tự an ủi là nếu tên lễ tân đã nói là OK thì chắc cỡ này chứ không hơn nữa. Và thật ra là nếu không phải chạy đua với thời gian thì chắc sẽ không lo lắm, chỉ sợ đi quá xa rồi đến nơi, Wat Phou đã đóng cửa, rồi còn đường về như thê nào nữa… Bắt đầu từ km20 sau khi rẽ vào, đường ngày càng xấu hơn, và đặc biệt việc không có bảng hướng dẫn nào trên suốt con đường này (mãi cho đến vòng xoay khoảng 1km trước khi vào Wat Phou, nghĩa là gần 50km!!!) làm nỗi hoang mang càng tăng. Cứ hỏi đường suốt, hơn hai chục lần. Nhiều lúc hỏi xong lại nghi ngờ phải hỏi tiếp, nhất là khi đến cách Wat Phou khoảng 5km, nếu đi thẳng tiếp là con đường nhựa rất tốt nhưng mọi người lại chỉ là phải rẽ trái vào con đường đất đỏ, rất tệ, để đi tiếp. Rất may, ở lần hỏi đường cuối này, có 1 học sinh Lào biết chút chút tiếng Anh đã vẽ sơ đồ, vẽ rõ luôn vòng xoay sắp đến làm tin tưởng hơn chứ thật sự lúc đó cũng rất lo, khi mặt trời cũng gần tắt nắng. Thế là đi tiếp và rất vui mừng khi con đường nhựa và vòng xoay xuất hiện, rẽ trái thấy bảng “Welcome to Wat Phou”, tấm bảng chỉ đường đến WP duy nhất được thấy trên hành trình hơn 50km này. Thế mới biết cách làm du lịch của người Lào! Mà bạn cũng cần lưu ý là âm “h” ở Lào là âm câm trong 1 số trường hợp, do vậy Wat Phou thì đọc là “Vát Pu” người ta mới biết, chứ nếu có sai lệch 1 âm nhỏ như vậy, với 1 địa danh nổi tiếng như vậy mà cũng nhiều người dân cũng không biết khi hỏi thăm đường. 1 kinh nghiệm khác là bạn nên mua post-card hoặc lên mạng tải hình về và in ra, để khi hỏi đường sẽ dễ hơn khi chỉ vào đó mà speak-English-by-hand…

Quay lại việc Wat Phou rất nổi tiếng, mà vẫn có vài người dân địa phương không nhận ra khi bị phát âm sai một tý. Ở Lào chỉ có 2 di tích được UNESCO công nhận, đó là TP Luang Prabang ở Tây Bắc Lào là cố đô với rất nhiều những chùa chiền nổi tiếng Vat Mai, Vat Xiengthong… Điểm thứ 2 chính là Khu Di tích Wat Phou ở tỉnh cực nam Champasak này. Trước đó vùng này là của dân tộc Champa (tên Champasak xuất phát từ đây), sau đó khi đế chế Khmer chiếm giữ vùng này đã xây dựng Wat Phou, mô hình đền đài Hindu đầu tiên nhưng sau đó vì nhiều lý do, đế chế Khmer đã chuyển xuống phía Nam và xây dựng Angkor Wat, Angkor Thom sau này. Như vậy là Wat Phou đã được xây dựng trước cả Angkor lừng danh. Nhưng các kiến trúc đều có những nét rất chung. Khi đến nơi điều đầu tiên “buồn rầu” nhận thấy là cũng giống các Ankor, Wat Phou được xây dựng hướng về phía mặt trời mọc, sau lưng, hướng tây dựa vào 1 dãy núi. Do vậy tuy đi ngoài đường, lúc gần đến, lòng vẫn khấp khởi khi thấy còn chút nắng. Nhưng đến đây thì trời bắt đầu sập tối rất nhanh vì dãy núi phía tây sau lưng Wat Phou đã che gần hết ánh hoàng hôn. Dù tự an ủi rằng cơ hội thăm thú, chiêm nghiệm những đền đài thành quách cũ trong bóng hoàng hôn hoặc bóng đêm là 1 dịp hiếm có nhưng thực lòng là cũng hơi tiếc!!! Chưa hết, vừa đến nơi, khoảng hơn 6pm, thì thấy cổng đã đóng và ghi chú giờ thăm viếng chấm dứt lúc 4.30pm. Bỏ bao nhiêu công sức lặn lội đến nơi mà không được vào, vô cùng tiếc. Lại không có chú bảo vệ nào đâu đó hối lộ hoặc xin xỏ để cho vào. Vừa chớm ý định leo rào thì 1 chú nhóc địa phương cũng chỉ tay vào hàng rào khi thấy khách cứ quanh quẩn nhìn xuôi trông ngược. Thế là vứt xe, nón bảo hiểm leo hàng rào (may mà cũng thấp) vào và bươn thật nhanh về phía trong, mặt trời gần tắt rồi. Cũng như Angkor, dưới chân các đền đài Wat Phou là hồ nước êm đềm mà nếu chụp hình khéo, bạn có thể lấy được 2 Wat Phou, 1 trên cạn 1 dưới nước. Xây dựng đã lâu hơn cả Angkor nhưng Wat Phou cũng còn giữ được rất nhiều đường nét điêu khắc tinh xảo. Về kiến trúc, sau khi đi hết những khu vực bảo vệ vòng ngoài bên dưới, bạn sẽ leo lên chín cụm thang để đến 5 ngôi đền, 4 phụ 1 chính. Bạn nhớ đếm giúp mỗi cụm bao nhiêu bậc nhé vì lúc đó vừa tối, vừa mệt, mắt mũi thì kèm nhèm nên bỏ qua công đoạn này, dù vẫn thường hay làm trước đó. Quên chưa “lê văn Tám” là sau khi vào chụp hình được vài phút, bỗng xuất hiện 2 người tự nhận là nhân viên của Khu Di tích yêu cầu ra ngoài (English by hand) vì đã quá giờ. Sau đó vì được gửi tiền vé (hay tiền hối lộ) họ đã để khách ở lại chụp hình nhưng lẽo đẽo theo sau và yêu cầu khách ra về khi thấy dừng lại quá lâu trong đền. Lúc này, bóng tối đã bao trùm khu đền đài cũ, cũng may là bầu trời ở vùng nông thôn thường rất sáng nên cũng thấy được cảnh vật lờ mờ. Trong bóng đêm, các đền đài vươn lên mạnh mẽ, các khối đá dù đã sụp lở vẫn toát lên 1 vẻ rất kiêu hùng, các con đường lát đá vẫn như còn nguyên sau 15 thế kỷ… thật ấn tượng. Dừng chân trong bóng tối, côn trùng ếch nhái râm ran, nhìn những di tích từ thế kỷ thứ V, VI vẫn còn mãi đến giờ lòng có 1 cảm giác thật lạ, khó tả… Tính hỏi “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?” nhưng không dám! Chỉ sợ họ trả lời là mình chạy không kịp.

Đi bộ lang thang đến cổng, xe và nón vẫn còn nguyên vẹn, thế mới hay. Ở các điểm du lịch ở Việt Nam chắc cái dấu vết của chiếc xe chắc cũng không còn. Lên đường hướng về Pakse, nhưng theo đường mới, con đường “chính thống” theo như bản đồ hướng dẫn. Tuy tương đối chắc chắc vì hầu như chỉ có 1 con đường độc đạo, nhưng khi cứ đi hoài không tới và đường càng lúc càng vắng, do vậy lại cứ phải liên tục hỏi đường. Lúc này lại xuất hiện 1 nỗi lo khác, có khi nào đến quá trễ, phà không còn hoạt động nữa. Ở Việt nam, những chuyến phà liên huyện như phà Bé Tư ở Hậu giang năm nào mình đi cũng chỉ chạy đến 6pm, huống chi lại đang ở Lào, nơi thời gian (và cả công việc!!!) đều ngưng đọng. Do vậy cứ vừa đi vừa hỏi, đi một lúc thì ngang qua thủ phủ của huyện Champasak, đã hơi bình tâm, nhưng cũng tiếc (lúc nào cũng tiếc!) là nếu có thời gian sẽ dừng lại nơi đây một lúc để khám phá vùng đất xưa cũ này.

Chạy thêm 1 đoạn nữa thì rất vui mừng khi thấy “bến phà” trước mặt. Sở dĩ phải để trong ngoặc vì ở đây thật sự hông có bến phà, chạy thẳng từ trên dốc xuống là lên ngay chiếc phà cập sát mé sông và rất rộng như 1 cái cầu phà ở Cát lái, Thủ thiêm. Lúc đó cũng chỉ nghi nghi thôi và cứ nghĩ rằng đây là 1 bến phà và mình đang chờ phà từ bên kia sông sang. Càng tin nó là bến phà và nỗi nghi ngờ dường như bị tan biến khi thấy rằng từ xa đang có 1 chiếc “phà” từ bên kia sông sang. Thật vậy, có 1 chiếc “phà” đang sang và có cấu tạo rất ngộ nghĩnh, làm bằng 2 chiếc thuyền độc mộc nối với nhau bằng 1 tấm ván, diện tích khoảng chừng 1.5mx3m. Và thế là người và xe ngồi trên tấm ván giữa 2 chiếc độc mộc đó đó, ca hát inh ỏi trên chuyến phà đặc biệt này, trong khi đó, phà vận hành bằng 1 trong 2 chiếc độc mộc bé xíu. Và cả sự cập bến của chiếc “phà” này cũng vô cùng ấn tượng, chỉ có 1 miếng ván nhỏ xíu bắc từ “phà” vào “bến phà”, rất chông chênh vì phía bên phía “phà” cao hơn phía “bến phà” khoảng 40cm mà miếng ván dẫn lại rất ngắn. Cả nam lẫn nữ cứ thế mà phi xuống dốc với miếng ván bề ngang chừng gang tay! Hơi hoang mang nhưng lúc đầu cũng nghĩ rằng nếu đây là phương tiện duy nhất thì chắc mình cũng phải đi thôi, vì no-way-out. Rất may là sau đó được giải thích là phương tiện nguy hiểm này chỉ được dùng cho dân trong vùng. Và cũng chỉ vài phút sau, khi có thêm 1 chiếc xe tải chạy xuống “bến phà”, cái “bến phà” từ từ khởi động và nhổ neo. Thì ra, nãy giờ đang đứng trên chiếc phà mà cứ mải ngỏng cổ sang bên kia sông tối đen như mực để mong chờ 1 chiếc phà khác xuất hiện! Cũng hay, không đi làm sao biết. Phà đi trong đêm tối đen trên con sông Mekong cũng tối đen, sang sông mất khoảng 10p. Lên bến đã hơn 8pm, thẳng tiến về Pakse, còn khoảng hơn 30km nữa.

Đường đi tối đen như mực, lúc còn đi con đường nhỏ trong bản Muang (vừa qua phà lên), đom đóm bay lập lòe đây đó, hương hoa café chắc ở đâu cũng xa nên chỉ hơi dìu dịu. Đường rất tốt, chỉ khổ nỗi là hơi tối và đặc biệt là các cây xăng lớn nhỏ đều đã đóng cửa dù chưa tới 9pm. Cũng may là có vài điểm bán xăng lẻ lề đường như ở Việt Nam nên ghé vào đổ xăng cho yên tâm. Nói phỉ phui, đi đường này ban đêm mà xe bị hết xăng, xẹp lốp hoặc chết máy chỉ có nước ngồi khóc tiếng Mán chứ chẳng biết làm gì hơn vì suốt đoạn đường gần 30km chỉ thấy 2-3 cụm dân cư còn sáng đèn và rất lâu mới có 1 chuyến xe ngang qua. Và rất mừng khi đến được ngã rẽ lúc trưa bị xe bus “bán” cho tuk-tuk. Kể lại thì thật dài, thật nhiều việc nhưng thời gian từ trưa đến giờ thì chỉ mới có 1 buổi chớ mấy, thế sao “vẫn có chỗ” cho biết bao nhiêu là “biến cố”. Có quá nhiều những điều mới lạ cho những chuyến balo phải không bạn! Vậy sao bạn chưa chịu lên đường?

Về Pakse, tắm rửa xong, phi ra đường cũng gần 10pm. Cũng may là lúc nãy trên đường về có ngắm nghía 1 vài quán đông đúc. Quay lại thì may thay quán vẫn còn đông. Thế là vào, uống beer Lào, với đặc sản Lào, cái “phức hợp” lẩu + barbecue mà đã từng thưởng thức ở Vientiane, Luang Prabang, Panam, Houixay, cả ở 14 Bà Huyện Thanh Quan, SG nữa (nhưng hơi bị ẹ). Thú thật là sau 1 ngày rất mệt vì đủ thứ chuyện trên đời nhưng vẫn cảm thấy món ăn rất ngon, bình thường chắc còn ngon hơn nữa (?). No cơm chán chè lại chạy tiếp ra bờ sông, lúc này hàng quán đã dẹp hết, chỉ còn một quán “bar-café” bờ sông còn mở cửa. Vào, gọi bia chưa kịp uống là thấy mắt bắt đầu díp lại đành đi về ngủ sớm – có lẽ do ngày hôm nay đường đất quá nhiều, quá mệt. Với lại, sáng mai tranh thủ dậy sớm đi vòng vòng Pakse chuyến chót vì đã đặt chỗ chuyến đi lúc 8.30 đến vùng Siphandon 4.000 đảo rồi, không có chuyến trễ hơn. Thế là đành “Good night” đêm Pakse ngoan hiền, ngủ sớm!

Hành trình Bờ Y-Hạ Lào-Cambodia-HCM - 2

Kontum-Bờ Y- Salavan

Đến Kontum, ngang qua cầu Dakbla, thẳng tiến đến bến xe Kontum và tức tốc chuyển ngay lên 1 xe khách vừa rời bến. Xe chạy của các chú Bắc, chạy đường Kontum-Hải Dương, và chưa rời khỏi Việt Nam đã bị gà nhà mài dao chém, trước khi sang nước ngoài: bị thu tiền vé đến 50.000 VND/người thay vì 15.000VND nếu đi xe bus bình thường). Xe chạy khoảng 1 tiếng là đến bến xe Ngọc Hồi. Đã gần 4.00pm rồi, do vậy cũng không hy vọng nhiều là sẽ đi được sang bên kia, vì xe khách thì chắc chắn là không có. Dự tính đưa ra là đi liều lên biên giới chơi và chuẩn bị tinh thần là nếu không sang được Lào thì về lại Ngọc Hồi, ăn chơi đập phá một đêm ở phố huyện vùng biên giới rồi mai đi tiếp cũng được. Với 50.000đ cho 18km, cánh xe ôm vùng biên sẽ biểu diễn tay lái lụa, lướt gió, len lỏi qua những chiếc xe tải đang ùn ùn chở gỗ từ Lào về, hay những chiếc xe trống không đang rùng rùng ngược Lào chở gỗ về tiếp, băng băng vượt qua các ổ trâu, ổ gà, các khúc đường lúc bụi mờ, lúc lầy lội, lúc dằn xóc… để đến cửa khẩu Bờ Y. Nói vậy, chứ nhìn chung đoạn đường này vẫn còn tốt chán, đi rồi bạn sẽ thấy và tin, và càng tin hơn sau khi đi K về (không chơi trò hù dọa đâu nhé).

Trên tinh thần đã chuẩn bị, tới cửa khẩu, nhờ vả được 1 nữ thương gia người Lào, xin quá giang được qua Attapeu là bắt đầu cảm thấy “tự tin” trở lại, hiên ngang vào làm thủ tục vì đã chắc mẫm là sẽ đi được sang Lào. Không ngờ, nhân viên hải quan vừa vào ngày cuối tuần, vừa cận ngày lễ nên bỏ đi chơi đâu mất, để việc làm thủ tục lâu quá, chiếc xe kia đi mất tiêu, mà thủ tục “xuất ngoại” thì đã làm rồi. Cũng may là bác tài xe ôm vì chưa nhận được tiền nên vẫn đợi và đồng ý chở mình đến cửa khẩu bên phía Lào. Đoạn này cần nói thêm là, nếu không muốn bị mất thời gian vì phải bị đi dã ngoại “cưỡng bức” dưới cái nắng nóng Tây nguyên, bạn nhớ thương lượng với xe ôm là chờ bạn làm thủ tục và sau đó chở bạn từ cửa khẩu Việt Nam sang đến cửa khẩu Lào nhé vì khoảng cách giữa 2 cửa khẩu là hơn 1km, đồi dốc lên lên xuống đi rất mệt chứ không phải đường bằng đâu. Nhưng nếu hưỡn và quá yêu thích thiên nhiên, đeo balo cuốc bộ theo con đường dốc giữa rừng, giữa 2 cửa khẩu này cũng là điều thú vị cho ai đó. Đến cửa khẩu Lào, bơ vơ tìm kiếm nhưng không thấy chiếc xe đã xác nhận là cho đi nhờ, hỏi thăm xin quá giang 1 xe khác bị từ chối, càng lúc càng thấy khả năng quay lại Ngọc Hồi càng gần vì trời cũng đã sắp tối rồi thì một chiếc xe U-oat chạy đến và rất may là chủ nhân tốt bụng đã chấp nhận cho đi nhờ. Và đây cũng là 1 may mắn nữa của hành trình kỳ này, không chỉ vì được đi nhờ mà vì chủ nhân là 1 người rất rành về đất Lào, phong tục, tập quán… và đặc biệt là sau đó đã đưa khách quá giang đi theo 1 cung đường khác hẳn, chứ không như mục đích ban đầu Bờ Y- Attapeu-Pakse.

Làm thủ tục tại cửa khẩu Bờ Y phía Lào là điều phiền toái nhất đã từng gặp, phải nộp tiền tất cả 4 lần trong đó chỉ có 2 lần là chính thức (có biên lai). Trong 2 lần chính thức thì 1 lần là tiền over-time, vì sau 4.30pm! Còn 2 lần kia là tip, nhưng bị yêu cầu phải nộp đúng, đủ số lượng hẳn hoi. Ngoài ra, với chiếc xe U-oat thì còn thêm 1 khoản tiền phun thuốc kiểm dịch nữa nhưng chỉ thấy nhận tiền mà chẳng thấy phun gì cả (!). Lúc đó vì vừa quá lu bu, phần vì mừng vì được cho quá giang nên không để ý, sau đó, rảnh rỗi tổng kết lại mới thấy bực mình. Dù sao cũng hân hoan, chia tay Bờ Y để thẳng tiến Attapeu. Có một chuyện bạn cũng cần chú ý, không hiểu sao hải quan cửa khẩu này chỉ cấp visa cho mình vào Lào chỉ trong 6 ngày, trong khi ở những cửa khẩu khác là 30 ngày. Thật sự lúc đó cũng không để ý, nhưng tới lúc làm thủ tục ở cửa khẩu Vang Tao sau này mới phát hiện. May mà không ở quá ngày, vừa bị phạt, vừa bị rắc rối. Nếu bạn dự định qua Lào và ở lâu hơn, cần phải “nói chuyện” với các đồng chí hải quan Lào ở đây, cho chắc chắn nhé!

Đặc sản ở Salavan

Con đường từ Bờ Y đến Attapeu chạy xuyên qua những cánh rừng, tuy không quá nguy hiểm, quanh co gấp khúc như các con đường ở Bắc Lào nhưng cũng tương đối nguy hiểm và cũng rất ấn tượng nếu bạn mới đi Lào lần đầu. Trong sâu thì chưa biết còn bao nhiêu rừng đại ngàn, chứ con đường đang chạy ngang qua những cánh rừng rất ấn tượng, xanh ngăn ngắt những cây cổ thụ. Và những cơn mưa rừng dữ dội, chợt đến chợt đi cũng góp phần làm rừng xanh thêm hấp dẫn. Mưa tạnh, hoàng hôn với ráng vàng rực rỡ sau mưa chợt đến và chợt ẩn, chợt hiện sau những cung đường uốn lượn, những rừng cây sũng nước trông thật lạ và mang 1 dáng vẻ rất “hoàng hôn màu lá”. Rất ấn tượng và rất khó để bạn gặp lại lần nữa. Chủ nhân chiếc xe, cũng tự lái xe là người khá vui tính, rất rành về Lào và cả Cambodia. Dù sao cũng đã từng balo một mình ở Bắc Lào, Cambodia rồi nên đem chút kiến thức cỏn con ra “lê văn Tám” thoải mái. Con đường từ từ chìm vào trong màn đêm mờ mịt của núi rừng và những cơn mưa nhiệt đới lúc tới lúc lui. Thi thoảng đây đó những bản làng hiu hắt của người địa phương và ánh đèn tỏa ra từ những xí nghiệp chế biến gỗ, mà hầu hết là của người Việt (theo lời kể đầy tự hào của người hướng dẫn). Xe đến thành phố (hay thị xã) Attapeu buồn tẻ lúc hơn 7pm, dừng lại ở 1 quán ăn của người Việt, quán tốt nhất của người Việt Attapeu, theo lời hướng dẫn. Quán nằm trên đường quốc lộ đến Pakse, có tên là Đức Lộc, ĐT Lào: 036.211303, DĐ 5636341-5217600; ĐT Việt 0982.160190, 0912.2800019, bạn cũng nên lưu các số này lại vì ở đây có cả dịch vụ nhà nghỉ và xe đi tuyến Attapeu-Gialai. Thế là lại được thưởng thức Beer Lào, dù cũng chỉ mới vừa bí tỉ trong dịp Pimai Lào tháng 4 vừa qua, nhưng cảm thấy rất hạnh phúc, khi gặp lại “người quen”. Thức ăn ở đây nấu rất mộc, nhưng rất ngon vì nguồn nguyên liệu tự nhiên của địa phương.

Đánh chén no say xong lại lên đường, nhưng như đã đề cập ở trên, xe không đi theo hướng Pakse mà hướng đến Salavan (tỉnh có biên giới chung với Huế, Quảng Trị) – đây cũng là điểm hay hiếm có của hành trình. Số là, trên đường đi từ Bờ Y, sau khi biết đích đến của người đi nhờ là Pakse chứ không chỉ Attapeu, chủ nhân đã đề nghị là nên đi tiếp với anh đến Sanavan cho có người đi cùng xe cho vui. Vả lại đi từ Salavan đến Pakse gần hơn (chỉ 113km) thay vì 200km từ Attapeu đến Pakse. Hơn thế nữa, theo anh xe từ Attapeu đi chạy chậm như rùa, đón khách lung tung… trong khi đó xe từ Salavan chạy nhiều chuyến, nhanh hơn… (hạ hồi sẽ biết!). Do vậy, nên đi đến Salavan cùng anh vẫn tốt hơn. Thật ra thì không cần nghe liệt kê các “ưu điểm” đó, chỉ vừa nghe nói về cung đường mới là đã sướng rơn lên rồi vì sẽ biết thêm các tỉnh mới, đi thêm các con đường lạ, mà không đi với người địa phương thì có khi nào mới mò tới. Thế là gật đầu OKie cái rụp. Và thú vị là con đường đến tỉnh Salavan này còn đi ngang qua tỉnh / “TP” Sekong nữa, thay vì đi thẳng từ Attapeu đến Pakse thì không đi đường này. Trời mưa như trút nước, đường tối đen, vắng tanh, chỉ có mấy chú ếch nhái lâu lâu nhảy lưng tưng trên mặt đường ngập nước. Xe chạy ngang “thành phố” Sekong, dù đã “thất vọng” với quy mô của “thành phố Attapeu” thì Sekong còn nhỏ hơn và hiu hắt hơn nữa – còn nhỏ hơn cả một thị trấn (đừng nói là thị xã) của làng quê Việt Nam.

“Đi mãi trên đường”, riết cũng đến Salavan, sau khi đã rẽ tắt, chạy một đoạn đường đất đỏ khoảng 26km để đến Salavan, lúc gần 11pm, khi những hàng quán có những bóng điện xanh đỏ “chớp nháy” dần dần buông màn, kéo sáo. Tip cho bạn: ở Lào, những hàng quán nào có đèn xanh đỏ chớp nháy là chính nó – bia ôm địa phương. Còn có những quán, tuy tối nhưng chỉ có đèn vàng hoặc không đèn… vẫn là quán bình thường. Trong 3 “thành phố” vừa ngang qua, chỉ có Salavan là có sinh khí hơn hẳn. Đường phố cũng rộng rãi hơn, đèn đuốc nhiều hơn, vẫn còn có người đi lại ngoài đường ở lúc gần 11 giờ đêm chứ không vắng vẻ buồn thiu như ở 2 tỉnh kia. Thực ra Salavan đã phát triển, là khu dân cư thị tứ từ thời Pháp chứ Attapeu, Sekong thì chỉ mới gần đây. Trước đó, Attapeu là vùng kháng chiến trong cuộc chiến tranh nhân dân của Lào, là nơi sản sinh ra chủ tịch nước và rất nhiều tướng lĩnh hiện nay của Lào.

Thẳng tiến đến nhà nghỉ gần chợ, được giới thiệu là sạch sẽ, giá cả phải chăng 60.000Kip/phòng, lấy phòng xong, vứt đồ vào là leo lại lên xe, theo “hướng dẫn viên” đi kiếm quán xanh đỏ. Thật lạ là chỉ trong vòng khoảng 5-10p vừa mới ngang qua nhưng khi quay lại tất cả đều đã xuống đèn. Không lùi bước, chủ nhân chiếc U-oat cày xới nát thị xã để tìm kiếm và cuối cùng phát hiện 1 nơi vẫn còn đông vui, dù đã xuống đèn. Uống bia thư giãn ở Lào thật vui, dù trong bàn chỉ có 1 thông dịch viên Lào Việt. Tình hình chung là mỗi bàn, dù bao nhiêu người, các cô chỉ đem ra 2 chai Beer Lao, loại 640ml và 1 cái ly nhỏ (cỡ ly uống trà đá trong các quán café wifi ở SG), 1 dĩa hạt dưa. Và khi hết 2 chai bia, được khách chấp thuận các cô mới đem bia ra tiếp. Cũng chỉ 2 chai và không hề có vụ đem ra vỏ chai không trộn lẫn trong thùng hay lót khăn dưới ly để rót bia tràn ra ngoài thấm đẫm khăn.v.v.. như các đồng nghiệp (hay các bậc đàn chị) Việt Nam. Ly “xây chừng” này cũng chỉ được rót khoảng 1/3 ly cho mỗi lần uống. Các em người Vientiane, Pakse uống bia, nói chuyện cứ ríu rít như chim nhưng uống không được nhiều (lại 1 cái khác nữa so với đồng nghiệp VN). Biết được điều này, rót gần đầy ly và “trăm phần trăm” ngay để làm mẫu, sau đó mời các em ly “trăm phần trăm” luôn. Chỉ ngay sau ly này, 1 em đã thẳng tiến ra bãi cỏ để…!!! Bia tính trong quán xanh đỏ cũng bình thường, ví dụ như ở ngoài là 8.000 Kip thì ở đây cũng chỉ 10.000kip. Tiền tip được ghi thẳng vào hóa đơn, mỗi em là 10.000kip (# 1 US$). Do vậy bữa uống bia xanh đỏ này có lẽ là rẻ nhất từ ngày biết “ăn chơi trụy lạc” đến giờ, khoảng 100.000 kip cho 3 khách với cả đống bia, đủ để gần xỉn. Cuộc chia tay cũng lưu luyến, các em bịn rịn chia tay mà cũng không hề kèo nài và nhât là không hề hỏi thăm tip cho mámì, nhân viên bưng bê phục vụ…. Không khuyến cáo, nhưng nếu có dịp, sao bạn không thử. Dù đã quá giờ Tý, nhưng cảm giác hưng phấn của đêm đầu tiên ở Hạ Lào vẫn còn, thế là về nhà nghỉ đập cửa chủ nhân lấy thêm Beer Lào ra trước sân nhà, ngồi uống tiếp dưới tàn trứng cá và “lê văn Tám” đến lúc gần ngủ gục. Đêm đầu tiên ở đất Hạ Lào trôi qua thật yên bình.

Hành trình Bờ Y-Hạ Lào-Cambodia-HCM - 1

Biển Hồ Gia Lai

Hành Trình Việt Nam-Hạ Lào-Thailand-Cambodia- Việt Nam

Du lịch nội địa, với những điểm đến quen thuộc, trong những ngày lễ Tết ở Việt nam thật sự là cực hình với quá nhiều những bất cập về dịch vụ yếu kém. Không muốn vừa mất tiền để mua lấy khó chịu… lựa chọn của nhiều cư dân balo trong thời gian này thường là a/ Ở nhà nghỉ ngơi & nhậu (! Như vậy có gọi là nghỉ ngơi?); b/ Du lịch nội địa ở những nơi “Hóc Bà Tó” để khỏi phải chen lấn xô đẩy với quần chúng nhân dân; c/ Vác balo đi nước ngoài, dĩ nhiên là cũng phải tránh mấy điểm “du lịch” vẫn đang được giới thiệu rầm rộ mỗi ngày, trùng lắp một cách đáng đặt câu hỏi của các công ty du lịch nước nhà. Thời gian nghỉ lễ 2.9 năm 2007 không nhiều, do vậy, sau nhiều trăn trở, suy tính, đàm đạo… tốn bao nhiêu bia và mồi nhậu, công sức của nhiều “lê văn Tám”… cung đường Việt Nam-Hạ Lào (chạy ké qua Thailand một tý)-Cambodia-Việt Nam đã được chọn. Đây cũng là 1 tuyến đường còn tương đối mới, chưa được dân balo Việt khám phá nhiều (Tây thì hằng hà sa số). Thêm một lý do thú vị nữa là đã từng lang thang vùng Bắc Lào đôi lần, nghe nói nhiều nhưng vẫn được chưa đặt chân được đến vùng cao nguyên Boloven, Hạ Lào hấp dẫn này. Thế là chuẩn bị hành trang lên đường, với 1 ngày phép trước lễ, tranh thủ thời gian và cả về việc xe cộ vốn thường quá tải trong những ngày lễ.

HCM-Bờ Y, vùng đất 3 biên giới, nơi tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe.

Cung đường sang Hạ Lào qua cửa khẩu Bờ Y được chọn vì những thông tin lạ về nó. Thực ra, nó chỉ mới được chính thức khai thông gần đây, còn trước đây để đi Hạ Lào, mọi người vẫn phải đi đường 9, 8 sang Savanakhet hoặc Vientiane rồi mới xuôi nam. Cửa khẩu quốc tế và Khu kinh tế Bờ Y chỉ vừa được chính thức khai trương đầu 2007. Từ Saigon đến Bờ Y có nhiều cách, đi xe bus lên đến Kontum (589km), đi tiếp đến Ngọc Hồi (60km), thị xã vùng biên của tỉnh Kon tum, nơi có cửa khẩu Bờ Y. Và thêm 18km bằng xe ôm đến từ bến xe Ngọc Hồi đến cửa khẩu. Từ Saigon bạn cũng có thể đi máy bay lên Gia Lai, đi xe từ Gia Lai sang Kontum (gần 50km) để tiếp tục như trên. Từ Saigon bạn cũng có thể đi tàu lửa để ra Qui nhơn, từ đó mua vé xe đi lên Kontum (gần 200km) hoặc mua vé đi thẳng sang Pakse, Lào. Dĩ nhiên là bạn phải kiểm tra thông tin trước vì chuyến xe đi từ Qui Nhơn-Pakse này chỉ có vài chuyến trong tuần, cũng không cố định ngày giờ vì phụ thuộc lượng khách mua vé và còn phải chờ xe về từ Lào để quay vòng.

Vì chuyến đi này có những thay đổi đột xuất rất bất ngờ làm lệch đi hành trình đã chuẩn bị, do vậy trước khi đi vào chi tiết, các bạn tham khảo hành trình bình thường của cung đường này nhé. Như đề cập ở trên, cung đường SG-Qui nhơn-Pakse là 1 lựa chọn, nếu bạn có thêm thời gian để ghé Qui Nhơn 1 vài ngày tắm biển, thăm mộ Hàn Mặc Tử, trại phong Qui Hòa, vùng sông hồ Hầm Hô, nhà tưởng niệm Quang Trung, Tây Sơn... ĐT của nhà xe Hoàng Quyên, Qui Nhơn, nơi bán vé đi Pakse (250.000VND) là: 056.547.956 hoặc số di động Việt Nam của chị Nữ chủ xe: 0903.649.160, số ở Lào là 0205276915. Cách thứ hai là đi xe hoặc máy bay đến Gia Lai, mua vé xe Diên Hồng đi thẳng đến Pakse. Xe Diên Hồng cũng chỉ chạy vài ngày trong tuần, vào buổi sáng, điện thoại của DH: 059.717.428. Do vậy, nếu đi máy bay bạn có thể sẽ có thêm 1 đêm ở Gia Lai vì chuyến bay sớm nhất SG đến Gia Lai là 11.20am và thường xuyên bị trễ, hủy chuyến. Cách thứ ba, bạn đến Kontum, mua vé xe của KS Thịnh Quý tại KT để sang Lào, ĐT của TQ: 060.912.036. Bạn cần chú ý, ngoài việc xe Thịnh Quý cũng chỉ chạy vài chuyến trong tuần, xe này không đi thẳng đến Pakse, chỉ đến Attapeu còn cách Pakse khoảng 200km nữa. Nhân viên KS Thịnh Quý rất dễ dãi trả lời với khách rằng sang bên đó rất dễ bắt xe để đi tiếp Attapeu nhưng thực tế không phải vậy. Bạn sẽ phải qua đêm ở Attapeu, vì từ Attapeu đến Pakse chỉ có 1-2 chuyến xe/ngày, chạy vào sáng sớm, cà rịch cà tang cho đến xế chiều mới tới Pakse, xe của Lào-PDR (please don’t rush) mà. Do vậy, bạn cần lưu ý việc này nếu không phải là tỷ phú thời gian. Cách thứ tư, cũng là cách được ngẫu nhiên áp dụng cho hành trình đợt này và cũng khuyến khích dân balo nên áp dụng, “cho nó ra vẻ balo chuyên nghiệp”. Đó là: đến thẳng thị xã Ngọc Hồi, sau đó là cửa khẩu Bờ Y (bằng cách nào trong những cách kể trên cũng được), làm thủ tục hải quan và xin đi nhờ xe của các anh chị thương gia đang qua về làm ăn bên đó, cả người Việt hay người Lào. Dĩ nhiên là tốt nhất bạn nên hỏi xin được quá giang trước khi làm thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam vì lỡ đâu làm xong rồi sang bên kia không ai cho đi nhờ thì cũng hơi “kẹt”. Bên kia đất Lào, qua khỏi cửa khẩu chỉ là rừng nối tiếp rừng, hoang vắng chứ không đông vui như bên này. Nhưng bạn đừng quá lo lắng vì lưu lượng xe cộ qua lại cũng rất đông đúc và khi thấy bạn đeo balo đứng ngơ ngác, “tội nghiệp” như thế chắc thế nào cũng có người tốt bụng cho đi nhờ. Còn nếu bạn mãi vẫn không được cho đi nhờ, chắc cần phải nghiên cứu lại một tý về kỹ năng “giả nai” của mình. Những thông tin về cách đi đứng trên đây có được từ anh em trên net, cũng như từ thực tế chuyến đi. Còn gọi đến cty Du Lịch Kontum, Kontum Tourist, bến xe Kon Tum, kể cả 1080… nơi thì chẳng cầm máy, nơi thì nói không biết… Ôi! Quá thương thay cho dân balo và khoản dịch vụ nhà nước của nước Việt nhà!

Từ SG, bạn nên đi xe chất lượng cao Đăng Khoa đến Kontum (cả Gialai, Daklak đều được), xe khá mới và chạy khá tốt. Bạn sẽ càng thấm thía điều này hơn sau khi “tham gia” những chuyến xe công cộng bên Lào, Cambodia. Giá vé 140.000VND có kèm theo 1 chai nước suối, 1 hộp sữa chua uống và 1 khăn lạnh. Xe chạy đêm, mỗi ngày 2 hoặc 3 chuyến, từ 6.00-6.30-7.00 PM. Chuyến cuối 7.00PM sẽ đưa bạn đến Gia Lai khoảng 4.30-5.00AM và đến Kontum khoảng 5.30-6.00AM. Từ bến xe Miền Đông, bạn cũng có thể mua vé Đăng Khoa để đến thẳng Ngọc Hồi nhưng bạn sẽ được chuyển sang xe khác tại nhà xe Đăng Khoa tại Kontum. Nhà xe sẽ ghép bạn đi ké vào chiếc xe sẽ đi trên tuyến đường ra bắc, có ngang qua Ngọc Hồi, nằm trên đường Hồ Chí Minh - đường quốc lộ 1B mới, hiện đang được các tỉnh Tây nguyên dùng để lưu thông ra Bắc thay vì phải xuống quốc lộ 1A như trước.

Quay lại hành trình, xe rời SG đến Bình Dương thì phát hiện ra một thiếu sót nghiêm trọng. Sau những trao đổi cấp tập bằng ĐT, tin nhắn, xoay xở nhờ vả mọi đường… quyết định đưa ra là sẽ dừng lại ở Gia Lai để chờ “thiếu sót” được chuyển lên bằng máy bay, thay vì đi thẳng Kontum. Sự thay đổi này đã làm đảo lộn cũng như phát sinh nhiều điều hấp dẫn khác trong hành trình này. Thế mới biết trong cái rủi còn có cái may, hạ hồi sẽ biết!!! Cái may đầu tiên là lâu lắm rồi mới được thưởng thức lại cái mưa lạnh Tây Nguyên vào 4.30 sáng (!), lúc xuống xe ở Gia Lai. May mắn là trong phố mưa tối mịt mờ còn có được bác tài xe ôm, để nhờ chở đến quán cóc trong chợ Gia Lai, ngồi chờ trời sáng. Chợt nhớ cảm giác hôm nào nhiều năm trước, đến Đà Lạt lúc 12 giờ đêm. Không về khách sạn, đi lòng vòng Đà Lạt, lang thang qua những phố phường vắng tênh, men vào cả những bìa rừng âm u huyền bí, gió cao nguyên về khuya tê tái, sương lảng bảng trên mặt hồ Xuân Hương lặng lẽ… từ khuya đến đến sáng sớm mới chịu về. Cũng có ra chợ đêm, gần bến xe uống café nhìn ngắm cuộc sống về đêm lam lũ, cần cù của người Đà Lạt.

Quán cóc bến xe Gia Lai tùm hụp lều bạt trong cơn mưa nhỏ Tây nguyên. Đèn thì vàng vọt, mặt khách thì xanh xao vì đói, lo và lạnh. Chợ này cũng nằm gần 1 bến xe bus địa phương, cũng có những khách lỡ bước đang chờ xe từ đêm thi thoảng ngang qua lại hỏi thăm tin tức, giờ giấc. Ngồi uống ly café, mà không biết có được bao nhiêu % café, ở đất café này, đứng lên đi tới đi lui một lúc trời cũng sáng. Thành phố Gia Lai thay đổi không nhiều so với mấy năm trước (lần cuối lên đó năm 2002) nhưng các cây to không còn nhiều nữa, kể cả những gốc hoa sữa cũng vừa bị cưa trụi gần đây vì mùi quá hắc làm cư dân không chịu nổi, và TP cũng không có chút sương mù nào cả. Chẳng còn là “phố núi đầy sương” và cả “em Plâyku” bây giờ cũng toàn “em Thanh Hóa, em Nghệ An” thôi. Sau một hồi kiểm tra thông tin, lang thang, café cà pháo… quyết định mới được đưa ra trong lúc chờ máy bay, cũng là “cái may” thứ 2: đi Biển Hồ chơi. Biển Hồ chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10km, lại cùng trên đường đến sân bay nên cũng tiện. Hồ trong xanh, chạy len xa tít tắp với các ngọn núi đồi bao bọc che chở, ở độ cao gần 800m. Thi thoảng có những đoàn khách, chủ yếu người dân tộc, hoặc vùng Bắc Trung bộ leo xuống leo lên ngắm cảnh. Ngoài ra, hồ luôn vắng dù đã gần đến ngày lễ. Không cần nói chắc bạn cũng biết là cùng tên Biển Hồ nhưng Biển Hồ Yaly này khác xa với Biển Hồ Tonlesap bên Cambodia, túi dự trữ nước của dòng Mekong & dòng Tonlesap. Biển Hồ Yaly này là vết tích của miệng núi lửa ngày xưa, hiện đang là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố và các khu vực lân cận – đó là lý do hàng quán không được mở nơi đây để không làm ô nhiễm nguồn nước. Tuy vậy, dễ gì bỏ qua việc “tức cảnh sinh beer” này. Bên hồ nước trong xanh, núi rừng trùng điệp trong 1 ngày đẹp trời cao nguyên xanh ngắt… mà không tự thưởng cho mình vài ly beer quả là có tội với trời đất vì không biết “hưởng thụ”. Vừa lai rai, vừa “lê văn Tám” với các bác tài xe ôm, cũng được nghe thêm những huyền thoại về hồ Yaly, như là máy bay Mỹ tập trận rớt xuống hồ, cả biệt đội người nhái tìm vớt không thấy, hay việc thả neo / vật thăm dò xuống thì thấy xuất hiện ngoài biển Quy Nhơn (?). Dù sao thì những phút thư giãn bất chợt bên viên ngọc Tây nguyên này cũng là những giây phút đáng quý. Nhất là khi sau đó phải lê lết chờ máy bay trễ 2 tiếng đồng hồ, không có thông tin chi tiết nào được cung cấp, trong sân bay Gia Lai vắng tanh, chán ngắt, với những gương mặt vô hồn và vô trách nhiệm của những nhân viên sân bay. Đúng là Vietnam Airline danh bất hư truyền. Dù sao, ơn trời, cuối cùng máy bay cũng đáp xuống lúc 1.20PM, trễ hơn 2 tiếng so với lịch bay. Nhận, cám ơn người đã giúp xong là tức tốc đón taxi thẳng tiến Kontum. Vừa đi vừa liên lạc để xem có cần đi tiếp bằng chiếc taxi này thẳng đến biên giới, để sau đó đi tiếp bằng xe của Thịnh Quý - vừa được thông báo đã khởi hành trước đó một tý hay không, thì mới hay là chuyến xe Thịnh Quý đã sang bên kia biên giới và đang chuẩn bị đi tiếp. Thế là tính phương án khác. Dù sao thì vẫn còn kịp nhận thấy khúc đường Gia Lai-Kontum rất hay, với những đồi dốc thẳng tắp, chập chùng lên lên xuống xuống. Tiếc là không có nhà thơ nào cùng đi để làm thơ “Đường Gia Lai – Kontum đồi dốc chập chùng”, thay cho những câu thơ “không còn thực tế” về phố núi mù sương của nhà thơ Vũ Hữu Định.

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2007

Mùa Pimai Lào - 2

Buổi chiều của ngày đầu tiên của Bun Pimai Lào

Pimai Lào là lễ Té nước, mừng đón mùa mưa mới. Các bạn trẻ Lào rất nhiệt tình trong việc chuẩn bị cuộc vui, những chiếc áo đồng phục của những nhóm khác nhau, những dàn âm thanh phát những bài nhạc sôi động, những thùng bia chất ngất và đặc biệt không thể thiếu là nước, bột talc và sau cùng là lọ nghẹ.

Tiếp đến là sang sông, qua cồn cát giữa sông, với những lễ vật đã chuẩn bị sẵn để xây nên những stupa bằng cát, lớn nhỏ, nhiều cờ phướn bay phất phới bên sông. Cảm giác lâng lâng sau 1 hồi té nước đi phiêu diêu sang sông hòa mình vào dòng người cũng lâng lâng nhiều hơn mình thật là hay, thật là hay.

Ngày hôm sau, ngày thứ Hai của Pimai Lào, năm nào cũng vậy, luôn có cuộc diễu hành, rước các Hòa thượng đến Vat Xiengthong, ngôi chùa cổ kính của Luang Prabang, được xem như nguồn cội của các chùa tại đây. Các thiếu nữ xinh đẹp, nhất là các cô gái vừa đoạt giải trong cuộc thi Miss LPQ cũng được hân hạnh ngồi trên kiệu voi trong đoàn diễu hành.

Rất nhiều các dân tộc anh em cùng hòa mình trong dòng người đi lễ

Dân tộc nào đây?

Rất nhiều hình ảnh sinh động, tạo sự thích thú cho cư dân đang đứng xem, mà người nước ngoài có thể gần bằng người địa phương.

Các cao tăng trong đang trầm lặng ngồi, những cư dân địa phương, đầy tín ngưỡng, té nước lên người các vị, cầu mong cho một mùa mưa mới nhiều may mắn.

Các thiếu nữ xinh đẹp dâng lễ.

Miss LPB tương lai, tâm điểm chụp hình của các du khách phương Tây

Những ô cửa sổ, những ánh mắt (Vat Xieng Thong, ngày Pimai)

Vat Xieng Thong vắng đi rất nhanh sau khi lễ tan

Người dân Lào vui vẻ hát ca, nhảy múa trong ngày hội, cả trên xe, cả dưới đất, cả bên bến sông...

Ngày thứ Ba của Pimai Lào, ngược dòng Mekong lên Pakou, hang động bên sông với nhiều nhiều ngàn tượng Phật. Dòng Mekong mùa tháng Tư rất hiền hòa, những xóm làng nên thơ nép bên sông, những lũy tre, những ngôi nhà sàn, vách núi đá vôi... vẽ nên bức thủy mặc rất khó tả, nhất là khi bạn đang ngồi trên 1 chiếc đò trôi chầm chậm trên sông.

Gánh nước từ sông lên (để nấu rượu!?)

Đường lên Pak Ou

Bến đò dưới chân Pak Ou

Những tượng Phật đang suy tư điều gì, bên dòng Mekong?

Trên đường về, ngang qua bến đò của Speed Boat hay còn gọi James Bond Boat, không dành cho những khách yếu tim

Các bạn trẻ rất dễ thương của Luang Prabang, lúc nào cũng chào đón bạn đến vùng đất xinh đẹp, hiền hòa này. Khi nào bạn đi, nhớ gọi tôi với nhé. Hẹn gặp các bạn ở mùa Bun Pimai 2008.

Mùa Pimai Lào - 1

Mùa Pimai Lào rộn ràng, từ nhũng ngày vui chuẩn bị, đến đêm hoa đăng

Hậu trường cuộc thi “Miss Luang Prabang” chào mừng Pimai Lào

Ứng cử viên sáng giá

Miss Luang Prabang – Được ngồi kiệu voi trong lễ diễu hành, ngày Thứ 2 Pimai Lào

Cung điện cũ tại Luang Prabang – Một ngày trước Pimai

Chùa trên núi Phousi, chiều “cuối năm”.

Wat Mai, dưới chân Phousi, nhìn từ đỉnh Phousi, chiều "cuối năm".

Chiều về trên sông, nhìn từ đỉnh Phousi

Hoàng hôn trên dòng Mekong, chiều “cuối năm, một ngày trước Pimai Lào

Đêm “tất niên” của các bạn trẻ Lào

Buổi sáng đầu năm - ngày đầu tiên của Pimai

Những chiếc ô nhiều màu duyên dáng cho các cô gái Lào trong “ngày đầu năm”

Những chiếc lồng chim phóng sinh, lời cầu an cho ngày đầu năm yên bình

Những chú cá chọi cũng được yêu thích cho những trò chơi ngày đầu năm mới

Cá nướng sông Mekong, món ăn đặc biệt trong ngày Pimai. Hiện đại và truyền thống.

Phố xá đông vui.

Đầu mùa xuân, cùng ai đi lễ. (Còn tiếp)