Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

Hành trình Bờ Y-Hạ Lào-Cambodia-HCM - 2

Kontum-Bờ Y- Salavan

Đến Kontum, ngang qua cầu Dakbla, thẳng tiến đến bến xe Kontum và tức tốc chuyển ngay lên 1 xe khách vừa rời bến. Xe chạy của các chú Bắc, chạy đường Kontum-Hải Dương, và chưa rời khỏi Việt Nam đã bị gà nhà mài dao chém, trước khi sang nước ngoài: bị thu tiền vé đến 50.000 VND/người thay vì 15.000VND nếu đi xe bus bình thường). Xe chạy khoảng 1 tiếng là đến bến xe Ngọc Hồi. Đã gần 4.00pm rồi, do vậy cũng không hy vọng nhiều là sẽ đi được sang bên kia, vì xe khách thì chắc chắn là không có. Dự tính đưa ra là đi liều lên biên giới chơi và chuẩn bị tinh thần là nếu không sang được Lào thì về lại Ngọc Hồi, ăn chơi đập phá một đêm ở phố huyện vùng biên giới rồi mai đi tiếp cũng được. Với 50.000đ cho 18km, cánh xe ôm vùng biên sẽ biểu diễn tay lái lụa, lướt gió, len lỏi qua những chiếc xe tải đang ùn ùn chở gỗ từ Lào về, hay những chiếc xe trống không đang rùng rùng ngược Lào chở gỗ về tiếp, băng băng vượt qua các ổ trâu, ổ gà, các khúc đường lúc bụi mờ, lúc lầy lội, lúc dằn xóc… để đến cửa khẩu Bờ Y. Nói vậy, chứ nhìn chung đoạn đường này vẫn còn tốt chán, đi rồi bạn sẽ thấy và tin, và càng tin hơn sau khi đi K về (không chơi trò hù dọa đâu nhé).

Trên tinh thần đã chuẩn bị, tới cửa khẩu, nhờ vả được 1 nữ thương gia người Lào, xin quá giang được qua Attapeu là bắt đầu cảm thấy “tự tin” trở lại, hiên ngang vào làm thủ tục vì đã chắc mẫm là sẽ đi được sang Lào. Không ngờ, nhân viên hải quan vừa vào ngày cuối tuần, vừa cận ngày lễ nên bỏ đi chơi đâu mất, để việc làm thủ tục lâu quá, chiếc xe kia đi mất tiêu, mà thủ tục “xuất ngoại” thì đã làm rồi. Cũng may là bác tài xe ôm vì chưa nhận được tiền nên vẫn đợi và đồng ý chở mình đến cửa khẩu bên phía Lào. Đoạn này cần nói thêm là, nếu không muốn bị mất thời gian vì phải bị đi dã ngoại “cưỡng bức” dưới cái nắng nóng Tây nguyên, bạn nhớ thương lượng với xe ôm là chờ bạn làm thủ tục và sau đó chở bạn từ cửa khẩu Việt Nam sang đến cửa khẩu Lào nhé vì khoảng cách giữa 2 cửa khẩu là hơn 1km, đồi dốc lên lên xuống đi rất mệt chứ không phải đường bằng đâu. Nhưng nếu hưỡn và quá yêu thích thiên nhiên, đeo balo cuốc bộ theo con đường dốc giữa rừng, giữa 2 cửa khẩu này cũng là điều thú vị cho ai đó. Đến cửa khẩu Lào, bơ vơ tìm kiếm nhưng không thấy chiếc xe đã xác nhận là cho đi nhờ, hỏi thăm xin quá giang 1 xe khác bị từ chối, càng lúc càng thấy khả năng quay lại Ngọc Hồi càng gần vì trời cũng đã sắp tối rồi thì một chiếc xe U-oat chạy đến và rất may là chủ nhân tốt bụng đã chấp nhận cho đi nhờ. Và đây cũng là 1 may mắn nữa của hành trình kỳ này, không chỉ vì được đi nhờ mà vì chủ nhân là 1 người rất rành về đất Lào, phong tục, tập quán… và đặc biệt là sau đó đã đưa khách quá giang đi theo 1 cung đường khác hẳn, chứ không như mục đích ban đầu Bờ Y- Attapeu-Pakse.

Làm thủ tục tại cửa khẩu Bờ Y phía Lào là điều phiền toái nhất đã từng gặp, phải nộp tiền tất cả 4 lần trong đó chỉ có 2 lần là chính thức (có biên lai). Trong 2 lần chính thức thì 1 lần là tiền over-time, vì sau 4.30pm! Còn 2 lần kia là tip, nhưng bị yêu cầu phải nộp đúng, đủ số lượng hẳn hoi. Ngoài ra, với chiếc xe U-oat thì còn thêm 1 khoản tiền phun thuốc kiểm dịch nữa nhưng chỉ thấy nhận tiền mà chẳng thấy phun gì cả (!). Lúc đó vì vừa quá lu bu, phần vì mừng vì được cho quá giang nên không để ý, sau đó, rảnh rỗi tổng kết lại mới thấy bực mình. Dù sao cũng hân hoan, chia tay Bờ Y để thẳng tiến Attapeu. Có một chuyện bạn cũng cần chú ý, không hiểu sao hải quan cửa khẩu này chỉ cấp visa cho mình vào Lào chỉ trong 6 ngày, trong khi ở những cửa khẩu khác là 30 ngày. Thật sự lúc đó cũng không để ý, nhưng tới lúc làm thủ tục ở cửa khẩu Vang Tao sau này mới phát hiện. May mà không ở quá ngày, vừa bị phạt, vừa bị rắc rối. Nếu bạn dự định qua Lào và ở lâu hơn, cần phải “nói chuyện” với các đồng chí hải quan Lào ở đây, cho chắc chắn nhé!

Đặc sản ở Salavan

Con đường từ Bờ Y đến Attapeu chạy xuyên qua những cánh rừng, tuy không quá nguy hiểm, quanh co gấp khúc như các con đường ở Bắc Lào nhưng cũng tương đối nguy hiểm và cũng rất ấn tượng nếu bạn mới đi Lào lần đầu. Trong sâu thì chưa biết còn bao nhiêu rừng đại ngàn, chứ con đường đang chạy ngang qua những cánh rừng rất ấn tượng, xanh ngăn ngắt những cây cổ thụ. Và những cơn mưa rừng dữ dội, chợt đến chợt đi cũng góp phần làm rừng xanh thêm hấp dẫn. Mưa tạnh, hoàng hôn với ráng vàng rực rỡ sau mưa chợt đến và chợt ẩn, chợt hiện sau những cung đường uốn lượn, những rừng cây sũng nước trông thật lạ và mang 1 dáng vẻ rất “hoàng hôn màu lá”. Rất ấn tượng và rất khó để bạn gặp lại lần nữa. Chủ nhân chiếc xe, cũng tự lái xe là người khá vui tính, rất rành về Lào và cả Cambodia. Dù sao cũng đã từng balo một mình ở Bắc Lào, Cambodia rồi nên đem chút kiến thức cỏn con ra “lê văn Tám” thoải mái. Con đường từ từ chìm vào trong màn đêm mờ mịt của núi rừng và những cơn mưa nhiệt đới lúc tới lúc lui. Thi thoảng đây đó những bản làng hiu hắt của người địa phương và ánh đèn tỏa ra từ những xí nghiệp chế biến gỗ, mà hầu hết là của người Việt (theo lời kể đầy tự hào của người hướng dẫn). Xe đến thành phố (hay thị xã) Attapeu buồn tẻ lúc hơn 7pm, dừng lại ở 1 quán ăn của người Việt, quán tốt nhất của người Việt Attapeu, theo lời hướng dẫn. Quán nằm trên đường quốc lộ đến Pakse, có tên là Đức Lộc, ĐT Lào: 036.211303, DĐ 5636341-5217600; ĐT Việt 0982.160190, 0912.2800019, bạn cũng nên lưu các số này lại vì ở đây có cả dịch vụ nhà nghỉ và xe đi tuyến Attapeu-Gialai. Thế là lại được thưởng thức Beer Lào, dù cũng chỉ mới vừa bí tỉ trong dịp Pimai Lào tháng 4 vừa qua, nhưng cảm thấy rất hạnh phúc, khi gặp lại “người quen”. Thức ăn ở đây nấu rất mộc, nhưng rất ngon vì nguồn nguyên liệu tự nhiên của địa phương.

Đánh chén no say xong lại lên đường, nhưng như đã đề cập ở trên, xe không đi theo hướng Pakse mà hướng đến Salavan (tỉnh có biên giới chung với Huế, Quảng Trị) – đây cũng là điểm hay hiếm có của hành trình. Số là, trên đường đi từ Bờ Y, sau khi biết đích đến của người đi nhờ là Pakse chứ không chỉ Attapeu, chủ nhân đã đề nghị là nên đi tiếp với anh đến Sanavan cho có người đi cùng xe cho vui. Vả lại đi từ Salavan đến Pakse gần hơn (chỉ 113km) thay vì 200km từ Attapeu đến Pakse. Hơn thế nữa, theo anh xe từ Attapeu đi chạy chậm như rùa, đón khách lung tung… trong khi đó xe từ Salavan chạy nhiều chuyến, nhanh hơn… (hạ hồi sẽ biết!). Do vậy, nên đi đến Salavan cùng anh vẫn tốt hơn. Thật ra thì không cần nghe liệt kê các “ưu điểm” đó, chỉ vừa nghe nói về cung đường mới là đã sướng rơn lên rồi vì sẽ biết thêm các tỉnh mới, đi thêm các con đường lạ, mà không đi với người địa phương thì có khi nào mới mò tới. Thế là gật đầu OKie cái rụp. Và thú vị là con đường đến tỉnh Salavan này còn đi ngang qua tỉnh / “TP” Sekong nữa, thay vì đi thẳng từ Attapeu đến Pakse thì không đi đường này. Trời mưa như trút nước, đường tối đen, vắng tanh, chỉ có mấy chú ếch nhái lâu lâu nhảy lưng tưng trên mặt đường ngập nước. Xe chạy ngang “thành phố” Sekong, dù đã “thất vọng” với quy mô của “thành phố Attapeu” thì Sekong còn nhỏ hơn và hiu hắt hơn nữa – còn nhỏ hơn cả một thị trấn (đừng nói là thị xã) của làng quê Việt Nam.

“Đi mãi trên đường”, riết cũng đến Salavan, sau khi đã rẽ tắt, chạy một đoạn đường đất đỏ khoảng 26km để đến Salavan, lúc gần 11pm, khi những hàng quán có những bóng điện xanh đỏ “chớp nháy” dần dần buông màn, kéo sáo. Tip cho bạn: ở Lào, những hàng quán nào có đèn xanh đỏ chớp nháy là chính nó – bia ôm địa phương. Còn có những quán, tuy tối nhưng chỉ có đèn vàng hoặc không đèn… vẫn là quán bình thường. Trong 3 “thành phố” vừa ngang qua, chỉ có Salavan là có sinh khí hơn hẳn. Đường phố cũng rộng rãi hơn, đèn đuốc nhiều hơn, vẫn còn có người đi lại ngoài đường ở lúc gần 11 giờ đêm chứ không vắng vẻ buồn thiu như ở 2 tỉnh kia. Thực ra Salavan đã phát triển, là khu dân cư thị tứ từ thời Pháp chứ Attapeu, Sekong thì chỉ mới gần đây. Trước đó, Attapeu là vùng kháng chiến trong cuộc chiến tranh nhân dân của Lào, là nơi sản sinh ra chủ tịch nước và rất nhiều tướng lĩnh hiện nay của Lào.

Thẳng tiến đến nhà nghỉ gần chợ, được giới thiệu là sạch sẽ, giá cả phải chăng 60.000Kip/phòng, lấy phòng xong, vứt đồ vào là leo lại lên xe, theo “hướng dẫn viên” đi kiếm quán xanh đỏ. Thật lạ là chỉ trong vòng khoảng 5-10p vừa mới ngang qua nhưng khi quay lại tất cả đều đã xuống đèn. Không lùi bước, chủ nhân chiếc U-oat cày xới nát thị xã để tìm kiếm và cuối cùng phát hiện 1 nơi vẫn còn đông vui, dù đã xuống đèn. Uống bia thư giãn ở Lào thật vui, dù trong bàn chỉ có 1 thông dịch viên Lào Việt. Tình hình chung là mỗi bàn, dù bao nhiêu người, các cô chỉ đem ra 2 chai Beer Lao, loại 640ml và 1 cái ly nhỏ (cỡ ly uống trà đá trong các quán café wifi ở SG), 1 dĩa hạt dưa. Và khi hết 2 chai bia, được khách chấp thuận các cô mới đem bia ra tiếp. Cũng chỉ 2 chai và không hề có vụ đem ra vỏ chai không trộn lẫn trong thùng hay lót khăn dưới ly để rót bia tràn ra ngoài thấm đẫm khăn.v.v.. như các đồng nghiệp (hay các bậc đàn chị) Việt Nam. Ly “xây chừng” này cũng chỉ được rót khoảng 1/3 ly cho mỗi lần uống. Các em người Vientiane, Pakse uống bia, nói chuyện cứ ríu rít như chim nhưng uống không được nhiều (lại 1 cái khác nữa so với đồng nghiệp VN). Biết được điều này, rót gần đầy ly và “trăm phần trăm” ngay để làm mẫu, sau đó mời các em ly “trăm phần trăm” luôn. Chỉ ngay sau ly này, 1 em đã thẳng tiến ra bãi cỏ để…!!! Bia tính trong quán xanh đỏ cũng bình thường, ví dụ như ở ngoài là 8.000 Kip thì ở đây cũng chỉ 10.000kip. Tiền tip được ghi thẳng vào hóa đơn, mỗi em là 10.000kip (# 1 US$). Do vậy bữa uống bia xanh đỏ này có lẽ là rẻ nhất từ ngày biết “ăn chơi trụy lạc” đến giờ, khoảng 100.000 kip cho 3 khách với cả đống bia, đủ để gần xỉn. Cuộc chia tay cũng lưu luyến, các em bịn rịn chia tay mà cũng không hề kèo nài và nhât là không hề hỏi thăm tip cho mámì, nhân viên bưng bê phục vụ…. Không khuyến cáo, nhưng nếu có dịp, sao bạn không thử. Dù đã quá giờ Tý, nhưng cảm giác hưng phấn của đêm đầu tiên ở Hạ Lào vẫn còn, thế là về nhà nghỉ đập cửa chủ nhân lấy thêm Beer Lào ra trước sân nhà, ngồi uống tiếp dưới tàn trứng cá và “lê văn Tám” đến lúc gần ngủ gục. Đêm đầu tiên ở đất Hạ Lào trôi qua thật yên bình.

Không có nhận xét nào: