Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

Hành trình Bờ Y-Hạ Lào-Cambodia-HCM - 1

Biển Hồ Gia Lai

Hành Trình Việt Nam-Hạ Lào-Thailand-Cambodia- Việt Nam

Du lịch nội địa, với những điểm đến quen thuộc, trong những ngày lễ Tết ở Việt nam thật sự là cực hình với quá nhiều những bất cập về dịch vụ yếu kém. Không muốn vừa mất tiền để mua lấy khó chịu… lựa chọn của nhiều cư dân balo trong thời gian này thường là a/ Ở nhà nghỉ ngơi & nhậu (! Như vậy có gọi là nghỉ ngơi?); b/ Du lịch nội địa ở những nơi “Hóc Bà Tó” để khỏi phải chen lấn xô đẩy với quần chúng nhân dân; c/ Vác balo đi nước ngoài, dĩ nhiên là cũng phải tránh mấy điểm “du lịch” vẫn đang được giới thiệu rầm rộ mỗi ngày, trùng lắp một cách đáng đặt câu hỏi của các công ty du lịch nước nhà. Thời gian nghỉ lễ 2.9 năm 2007 không nhiều, do vậy, sau nhiều trăn trở, suy tính, đàm đạo… tốn bao nhiêu bia và mồi nhậu, công sức của nhiều “lê văn Tám”… cung đường Việt Nam-Hạ Lào (chạy ké qua Thailand một tý)-Cambodia-Việt Nam đã được chọn. Đây cũng là 1 tuyến đường còn tương đối mới, chưa được dân balo Việt khám phá nhiều (Tây thì hằng hà sa số). Thêm một lý do thú vị nữa là đã từng lang thang vùng Bắc Lào đôi lần, nghe nói nhiều nhưng vẫn được chưa đặt chân được đến vùng cao nguyên Boloven, Hạ Lào hấp dẫn này. Thế là chuẩn bị hành trang lên đường, với 1 ngày phép trước lễ, tranh thủ thời gian và cả về việc xe cộ vốn thường quá tải trong những ngày lễ.

HCM-Bờ Y, vùng đất 3 biên giới, nơi tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe.

Cung đường sang Hạ Lào qua cửa khẩu Bờ Y được chọn vì những thông tin lạ về nó. Thực ra, nó chỉ mới được chính thức khai thông gần đây, còn trước đây để đi Hạ Lào, mọi người vẫn phải đi đường 9, 8 sang Savanakhet hoặc Vientiane rồi mới xuôi nam. Cửa khẩu quốc tế và Khu kinh tế Bờ Y chỉ vừa được chính thức khai trương đầu 2007. Từ Saigon đến Bờ Y có nhiều cách, đi xe bus lên đến Kontum (589km), đi tiếp đến Ngọc Hồi (60km), thị xã vùng biên của tỉnh Kon tum, nơi có cửa khẩu Bờ Y. Và thêm 18km bằng xe ôm đến từ bến xe Ngọc Hồi đến cửa khẩu. Từ Saigon bạn cũng có thể đi máy bay lên Gia Lai, đi xe từ Gia Lai sang Kontum (gần 50km) để tiếp tục như trên. Từ Saigon bạn cũng có thể đi tàu lửa để ra Qui nhơn, từ đó mua vé xe đi lên Kontum (gần 200km) hoặc mua vé đi thẳng sang Pakse, Lào. Dĩ nhiên là bạn phải kiểm tra thông tin trước vì chuyến xe đi từ Qui Nhơn-Pakse này chỉ có vài chuyến trong tuần, cũng không cố định ngày giờ vì phụ thuộc lượng khách mua vé và còn phải chờ xe về từ Lào để quay vòng.

Vì chuyến đi này có những thay đổi đột xuất rất bất ngờ làm lệch đi hành trình đã chuẩn bị, do vậy trước khi đi vào chi tiết, các bạn tham khảo hành trình bình thường của cung đường này nhé. Như đề cập ở trên, cung đường SG-Qui nhơn-Pakse là 1 lựa chọn, nếu bạn có thêm thời gian để ghé Qui Nhơn 1 vài ngày tắm biển, thăm mộ Hàn Mặc Tử, trại phong Qui Hòa, vùng sông hồ Hầm Hô, nhà tưởng niệm Quang Trung, Tây Sơn... ĐT của nhà xe Hoàng Quyên, Qui Nhơn, nơi bán vé đi Pakse (250.000VND) là: 056.547.956 hoặc số di động Việt Nam của chị Nữ chủ xe: 0903.649.160, số ở Lào là 0205276915. Cách thứ hai là đi xe hoặc máy bay đến Gia Lai, mua vé xe Diên Hồng đi thẳng đến Pakse. Xe Diên Hồng cũng chỉ chạy vài ngày trong tuần, vào buổi sáng, điện thoại của DH: 059.717.428. Do vậy, nếu đi máy bay bạn có thể sẽ có thêm 1 đêm ở Gia Lai vì chuyến bay sớm nhất SG đến Gia Lai là 11.20am và thường xuyên bị trễ, hủy chuyến. Cách thứ ba, bạn đến Kontum, mua vé xe của KS Thịnh Quý tại KT để sang Lào, ĐT của TQ: 060.912.036. Bạn cần chú ý, ngoài việc xe Thịnh Quý cũng chỉ chạy vài chuyến trong tuần, xe này không đi thẳng đến Pakse, chỉ đến Attapeu còn cách Pakse khoảng 200km nữa. Nhân viên KS Thịnh Quý rất dễ dãi trả lời với khách rằng sang bên đó rất dễ bắt xe để đi tiếp Attapeu nhưng thực tế không phải vậy. Bạn sẽ phải qua đêm ở Attapeu, vì từ Attapeu đến Pakse chỉ có 1-2 chuyến xe/ngày, chạy vào sáng sớm, cà rịch cà tang cho đến xế chiều mới tới Pakse, xe của Lào-PDR (please don’t rush) mà. Do vậy, bạn cần lưu ý việc này nếu không phải là tỷ phú thời gian. Cách thứ tư, cũng là cách được ngẫu nhiên áp dụng cho hành trình đợt này và cũng khuyến khích dân balo nên áp dụng, “cho nó ra vẻ balo chuyên nghiệp”. Đó là: đến thẳng thị xã Ngọc Hồi, sau đó là cửa khẩu Bờ Y (bằng cách nào trong những cách kể trên cũng được), làm thủ tục hải quan và xin đi nhờ xe của các anh chị thương gia đang qua về làm ăn bên đó, cả người Việt hay người Lào. Dĩ nhiên là tốt nhất bạn nên hỏi xin được quá giang trước khi làm thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam vì lỡ đâu làm xong rồi sang bên kia không ai cho đi nhờ thì cũng hơi “kẹt”. Bên kia đất Lào, qua khỏi cửa khẩu chỉ là rừng nối tiếp rừng, hoang vắng chứ không đông vui như bên này. Nhưng bạn đừng quá lo lắng vì lưu lượng xe cộ qua lại cũng rất đông đúc và khi thấy bạn đeo balo đứng ngơ ngác, “tội nghiệp” như thế chắc thế nào cũng có người tốt bụng cho đi nhờ. Còn nếu bạn mãi vẫn không được cho đi nhờ, chắc cần phải nghiên cứu lại một tý về kỹ năng “giả nai” của mình. Những thông tin về cách đi đứng trên đây có được từ anh em trên net, cũng như từ thực tế chuyến đi. Còn gọi đến cty Du Lịch Kontum, Kontum Tourist, bến xe Kon Tum, kể cả 1080… nơi thì chẳng cầm máy, nơi thì nói không biết… Ôi! Quá thương thay cho dân balo và khoản dịch vụ nhà nước của nước Việt nhà!

Từ SG, bạn nên đi xe chất lượng cao Đăng Khoa đến Kontum (cả Gialai, Daklak đều được), xe khá mới và chạy khá tốt. Bạn sẽ càng thấm thía điều này hơn sau khi “tham gia” những chuyến xe công cộng bên Lào, Cambodia. Giá vé 140.000VND có kèm theo 1 chai nước suối, 1 hộp sữa chua uống và 1 khăn lạnh. Xe chạy đêm, mỗi ngày 2 hoặc 3 chuyến, từ 6.00-6.30-7.00 PM. Chuyến cuối 7.00PM sẽ đưa bạn đến Gia Lai khoảng 4.30-5.00AM và đến Kontum khoảng 5.30-6.00AM. Từ bến xe Miền Đông, bạn cũng có thể mua vé Đăng Khoa để đến thẳng Ngọc Hồi nhưng bạn sẽ được chuyển sang xe khác tại nhà xe Đăng Khoa tại Kontum. Nhà xe sẽ ghép bạn đi ké vào chiếc xe sẽ đi trên tuyến đường ra bắc, có ngang qua Ngọc Hồi, nằm trên đường Hồ Chí Minh - đường quốc lộ 1B mới, hiện đang được các tỉnh Tây nguyên dùng để lưu thông ra Bắc thay vì phải xuống quốc lộ 1A như trước.

Quay lại hành trình, xe rời SG đến Bình Dương thì phát hiện ra một thiếu sót nghiêm trọng. Sau những trao đổi cấp tập bằng ĐT, tin nhắn, xoay xở nhờ vả mọi đường… quyết định đưa ra là sẽ dừng lại ở Gia Lai để chờ “thiếu sót” được chuyển lên bằng máy bay, thay vì đi thẳng Kontum. Sự thay đổi này đã làm đảo lộn cũng như phát sinh nhiều điều hấp dẫn khác trong hành trình này. Thế mới biết trong cái rủi còn có cái may, hạ hồi sẽ biết!!! Cái may đầu tiên là lâu lắm rồi mới được thưởng thức lại cái mưa lạnh Tây Nguyên vào 4.30 sáng (!), lúc xuống xe ở Gia Lai. May mắn là trong phố mưa tối mịt mờ còn có được bác tài xe ôm, để nhờ chở đến quán cóc trong chợ Gia Lai, ngồi chờ trời sáng. Chợt nhớ cảm giác hôm nào nhiều năm trước, đến Đà Lạt lúc 12 giờ đêm. Không về khách sạn, đi lòng vòng Đà Lạt, lang thang qua những phố phường vắng tênh, men vào cả những bìa rừng âm u huyền bí, gió cao nguyên về khuya tê tái, sương lảng bảng trên mặt hồ Xuân Hương lặng lẽ… từ khuya đến đến sáng sớm mới chịu về. Cũng có ra chợ đêm, gần bến xe uống café nhìn ngắm cuộc sống về đêm lam lũ, cần cù của người Đà Lạt.

Quán cóc bến xe Gia Lai tùm hụp lều bạt trong cơn mưa nhỏ Tây nguyên. Đèn thì vàng vọt, mặt khách thì xanh xao vì đói, lo và lạnh. Chợ này cũng nằm gần 1 bến xe bus địa phương, cũng có những khách lỡ bước đang chờ xe từ đêm thi thoảng ngang qua lại hỏi thăm tin tức, giờ giấc. Ngồi uống ly café, mà không biết có được bao nhiêu % café, ở đất café này, đứng lên đi tới đi lui một lúc trời cũng sáng. Thành phố Gia Lai thay đổi không nhiều so với mấy năm trước (lần cuối lên đó năm 2002) nhưng các cây to không còn nhiều nữa, kể cả những gốc hoa sữa cũng vừa bị cưa trụi gần đây vì mùi quá hắc làm cư dân không chịu nổi, và TP cũng không có chút sương mù nào cả. Chẳng còn là “phố núi đầy sương” và cả “em Plâyku” bây giờ cũng toàn “em Thanh Hóa, em Nghệ An” thôi. Sau một hồi kiểm tra thông tin, lang thang, café cà pháo… quyết định mới được đưa ra trong lúc chờ máy bay, cũng là “cái may” thứ 2: đi Biển Hồ chơi. Biển Hồ chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10km, lại cùng trên đường đến sân bay nên cũng tiện. Hồ trong xanh, chạy len xa tít tắp với các ngọn núi đồi bao bọc che chở, ở độ cao gần 800m. Thi thoảng có những đoàn khách, chủ yếu người dân tộc, hoặc vùng Bắc Trung bộ leo xuống leo lên ngắm cảnh. Ngoài ra, hồ luôn vắng dù đã gần đến ngày lễ. Không cần nói chắc bạn cũng biết là cùng tên Biển Hồ nhưng Biển Hồ Yaly này khác xa với Biển Hồ Tonlesap bên Cambodia, túi dự trữ nước của dòng Mekong & dòng Tonlesap. Biển Hồ Yaly này là vết tích của miệng núi lửa ngày xưa, hiện đang là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố và các khu vực lân cận – đó là lý do hàng quán không được mở nơi đây để không làm ô nhiễm nguồn nước. Tuy vậy, dễ gì bỏ qua việc “tức cảnh sinh beer” này. Bên hồ nước trong xanh, núi rừng trùng điệp trong 1 ngày đẹp trời cao nguyên xanh ngắt… mà không tự thưởng cho mình vài ly beer quả là có tội với trời đất vì không biết “hưởng thụ”. Vừa lai rai, vừa “lê văn Tám” với các bác tài xe ôm, cũng được nghe thêm những huyền thoại về hồ Yaly, như là máy bay Mỹ tập trận rớt xuống hồ, cả biệt đội người nhái tìm vớt không thấy, hay việc thả neo / vật thăm dò xuống thì thấy xuất hiện ngoài biển Quy Nhơn (?). Dù sao thì những phút thư giãn bất chợt bên viên ngọc Tây nguyên này cũng là những giây phút đáng quý. Nhất là khi sau đó phải lê lết chờ máy bay trễ 2 tiếng đồng hồ, không có thông tin chi tiết nào được cung cấp, trong sân bay Gia Lai vắng tanh, chán ngắt, với những gương mặt vô hồn và vô trách nhiệm của những nhân viên sân bay. Đúng là Vietnam Airline danh bất hư truyền. Dù sao, ơn trời, cuối cùng máy bay cũng đáp xuống lúc 1.20PM, trễ hơn 2 tiếng so với lịch bay. Nhận, cám ơn người đã giúp xong là tức tốc đón taxi thẳng tiến Kontum. Vừa đi vừa liên lạc để xem có cần đi tiếp bằng chiếc taxi này thẳng đến biên giới, để sau đó đi tiếp bằng xe của Thịnh Quý - vừa được thông báo đã khởi hành trước đó một tý hay không, thì mới hay là chuyến xe Thịnh Quý đã sang bên kia biên giới và đang chuẩn bị đi tiếp. Thế là tính phương án khác. Dù sao thì vẫn còn kịp nhận thấy khúc đường Gia Lai-Kontum rất hay, với những đồi dốc thẳng tắp, chập chùng lên lên xuống xuống. Tiếc là không có nhà thơ nào cùng đi để làm thơ “Đường Gia Lai – Kontum đồi dốc chập chùng”, thay cho những câu thơ “không còn thực tế” về phố núi mù sương của nhà thơ Vũ Hữu Định.

Không có nhận xét nào: