Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2007

Hành trình xuyên Đông Dương - 6




Chiangsaen - Golden Triangle - Chiangrai - Chiangmai - Bangkok

Từ Chiangsaen tới Golden Triangle có xe bus nhưng bạn nên đi bằng motorbike-taxi để tận hưởng nắng gió lồng lộng của vùng biên giới nổi tiếng này, tuy giá gấp 5 lần đi xe bus. Chỉ 10 phút sau là bạn đã đặt chân lên vùng Tam giác vàng huyền thoại, nhưng giờ đây đã biến thành khu du lịch và ồn ào như một cái chợ, đúng nghĩa.

Đây là vùng 3 biên giới cả về trên đất liền và dưới nước. Dòng sông Mekong đã trở nên lớn hơn rất nhiều ở khu vực này. Có cả 1 cái chợ bán quần áo và đồ lưu niệm dọc theo suốt con đường, chạy đến gần cửa khẩu hải quan. Khi mua một chiếc áo, nón… có biểu tượng Golden Triangle bạn cần chú ý vì Golden Triangle này là Trung Quốc, Myanmar, Lào chứ không phải là Thái-Myanmar-Lào như chính vùng đất bạn đang đứng. Cũng phải thôi vì hầu hết các hàng hóa ở đây đều xuất xứ từ TQ, kể cả hàng lưu niệm địa phương (!). Mà vùng biên giới TQ-Myamar-Lào thì đâu được nổi tiếng nhờ Khun Sa, Vàng Pao, Anh Túc… mà cũng bon chen với từ Golden Triangle! Lang thang đến đây bạn mới thấy rất tiếc rằng đã không xin visa, để được vào Myanmar thay vì đứng ngay cửa khẩu nhìn ngắm một cách thèm khát con đường dẫn về Myamar chạy xa tít tắp xuyên qua một cánh rừng già vẫn còn được giữ tương đối nguyên vẹn. Rất lạ là cư dân, hàng quán… bên này biên giới (Thái) rất đông, nhưng bên kia lại vắng lặng. Không có bất kỳ hình thức thương mại nào được dựng lên ở bên Myamar. Vậy tại sao mình không đi khám phá một vùng đất còn chưa bị thương mại hóa như vậy? Hẹn dịp sau nhé!

Điểm nên đến của bạn ở ngay vùng được gọi là Tam giác vàng hôm nay nên là nhà bảo tàng Anh Túc. Nơi đây, bạn sẽ được nhìn thấy và tìm hiểu về lịch sử của vùng đất huyền thoại này. Kể cả những sự kiện gần đây của Khun Sa cũng được cập nhật kèm theo hình ảnh, hiện vật, tượng sáp… để bạn có thể hình dung thật rõ. Có thể bạn thấy tiếc khi không được chiêm ngưỡng 1 Tam giác vàng ngày xưa nhất là khi bạn nhìn thây những bông hoa anh túc, dù chỉ là mô hình, đẹp lộng lẫy. Nơi đây còn có 1 tượng Phật Ngồi rất to, cao. Hầu như trên đất Thái (và Cambodia sau này) những nơi chiến tranh, bom đạn,… đi qua đều có sự hiện diện của Ngài để trấn an, mang đến sự yên bình cho chúng sinh? Hay đây chỉ là suy nghĩ vẩn vơ của 1 du khách rảnh rỗi?

Dự định rời Tam giác vàng để về lại Chiangsaen, chỉ mới vừa hỏi thăm đường ra bến xe bus thì đã được các bạn trẻ địa phương nồng nhiệt cho đi quá giang trên chiếc xe chở các thùng phuy nước mà họ tính mang xuống Chiangsaen để hòa mình vào lễ hội Songkran. Trên đường chạy vòng vòng để đón các thành viên khác, xe đã dừng lại ở một nhà nọ và mình đã được mời vào nhà uống rượu khi biết mình là “người ngoại quốc” đến ăn Tết Thái. Sợ gì không chơi! Mà chơi toàn là LaoLao whisky thôi, rất nặng. Cũng may là trong nhà có 1 sinh viên ĐH ở Bangkok về nhà ăn Tết nên việc trao đổi thông tin cũng đơn giản hơn. Mình cứ thế huyên thuyên bốc phét đủ thứ chuyện trên đời, nhưng câu nói được yêu thích nhất là câu khen rượu ngon!!! Điều lý thú rút ra trong hành trình Indochine này là bạn nên chân thành, cởi mở vui vẻ mọi lúc, mọi nơi và đặc biệt là phải nhiệt tình (uống). Tết mà! Uống được vài ly, nhai vài miếng cơm nếp thì đã bị í ới gọi lên đường. Thông cảm cho các đồ nghề lỉnh kỉnh sợ bị ướt vì chưa có kinh nghiệm “bao che”, thế là khách được vào ngồi trong cabin kín mít của chiếc pick-up để không bị ướt. Bên ngoài là “cuộc chiến nước” của các cư dân trẻ Thái dễ thương. Xe bon bon chỉ hơn 10 phút là về lại Chiangsaen. Chào các bạn trẻ nhiệt tình, cám ơn, chia tay rối rít. Thực tình mà nói, nếu có thời gian chắc sẽ rủ đi các bạn này “làm vài ly” để vừa làm quen với cuộc sống địa phương, vừa quen được những người bạn mới dễ thương ở vùng “Tam giác vàng” nổi tiếng nữa. Nhưng ai cũng bận, cả mình và cả các bạn, đành chia tay. Lại ngồi chờ xe bus về Chiangrai. Tranh thủ làm một bát Thai Noodle và “tám” (chủ yếu bằng tay) với cô chủ quán cóc dễ thương nơi trạm dừng xe bus về ngày vui Songkran ở Chiangsaen. Cũng may là mới vừa bắt đầu 8 một tý, chồng cô ấy vừa tới giúp bán hàng đúng thời điểm, nếu không có thể sẽ bị lỡ 1 chuyến xe nữa, biết đâu?

Xe bus từ Chiangsaen về Chiangrai xuất phát cứ mỗi 30p. Xe tuy hơi cũ nhưng chạy rất đàng hoàng. Khách thì rất đông vì đang là mùa lễ hội. Đường về kỳ này khác với đường đi từ Chiangkong lên lúc sáng. Xe chạy ngang qua rất nhiều ngôi chùa đang được trang hoàng bởi những dải lụa vàng phất phới quấn quanh và bay quanh các chân tượng Phật – truyền thống ngày lễ của Phật giáo Thái lan. Chiangsaen tuy nhỏ nhưng có rất nhiều ngôi chùa lớn và rất nhiều ngôi chùa có bảng hiệu Di tích quốc gia, như vậy mình đã lỡ 1 dịp khám phá nơi đây vì chỉ chăm chút đến Tam Giác Vàng. Bạn chú ý cho chuyến đi sắp tới của mình nhé. Chạy khoảng 1.30h thì đến bến xe náo nhiệt của Chiangrai.

Từ Chiangmai về BK, cũng có nhiều loại xe và loại vé, nhưng hầu hết mọi người đều đi chuyến xe tối để đến BK vào sáng sớm. Vì chủ quan và lười, đã book xe tại GH. Đường thì dài, xe chật và nóng, do vậy cũng đã rút ra bài học (và sẽ còn nhiều bài học khác nữa) là nên ra tận bến xe để chọn xe đàng hoàng hoặc sẽ đi tàu lửa (đã over-booked trong những ngày lễ tết này rồi). Theo thông tin lý thú hỏi thăm từ 1 tourguide, dự định là sẽ xuống xe dọc đường và bắt 1 chuyến xe bus khác đi vào Ayuthaya (1 cố đô khác của Thái lan, trước khi thủ đô dời về Bangkok, còn Chiangmai là cố đô trước đó nữa). Nhưng do phần thì quá mệt vì chuyến xe, phần thì thì đêm hôm khuya khoắt, bất đồng ngôn ngữ nên cũng đánh nhắm mắt đưa chân về Khaosan road, bến cuối. Vì đây là xe du lịch cho dân balo, do vậy thay vì ghé bến xe lại chạy thẳng đến Khaosan road, một nơi giống như khu Phạm Ngũ Lão, Saigon với mọi dịch vụ có giá rẻ bất ngờ, trừ 1 thứ, giá vé xe đi Cambodia (và có thể vé đi nơi khác nữa). Giá đắt gấp 2 nếu mua ở đây thay vì bạn ra bến xe mua vé. Do thấy giá đưa ra quá đắt so với giá tham khảo trên mạng cộng với sự không chắc chắn của GH, nơi có bán vé xe bus (vì theo họ tuyến đường đi Battambang rất ít người đi nên họ cũng không quan tâm và không rành). Do vậy, đã bụi cho bụi luôn, tiếp tục vác balo ra đường đón tuk-tuk để ra bến xe mua vé đi đến biên giới Thai-Cam, chưa kịp cả ăn sáng vì muốn đi đến biên giới càng sớm càng tốt.

Không có nhận xét nào: