Thứ Ba, 18 tháng 9, 2007

Hành trình xuyên Đông Dương - 3




Vientiane - Xiengkhoang (Cánh đồng Chum)

Có nhiều loại xe bus đi từ VT lên Xiengkhoang, vùng đất nổi danh với Cánh đồng Chum huyền thoại. Vé xe rẻ nhất là 80.000kips mua tại bến xe Bắc Vientiane. Nếu bạn mua vé tại các cty du lịch, VIP bus, giá vé khoảng 160.00 và được đón tại KS/guest-house của bạn. Bạn thích đi xe nào, đi chung với tụi Tây Balo để “thực tập Anh ngữ”, kiếm người share phòng cho tiết kiệm hay muốn đi chung với cư dân địa phương cực khổ hơn, chen chúc hơn nhưng được cái “địa phương” hơn, Lào hơn và còn tiết kiệm được ½ fee nữa. Xe địa phương đã được chọn, vì các lý do đầu tiên hơn là vì lý do sau cùng, vì nếu muốn tiện lợi hơn nữa, sao không đi máy bay chỉ mất 45p? Bạn cũng nên biết là các xe VIP thường chạy vào buổi tối, khoảng 8pm để đến Xiengkhoang vào sáng sớm. Như vậy, đi xe VIP bạn sẽ tiết kiệm 1 đêm trên xe nhưng sẽ mất đi việc khám phá cung đường tuyệt vời về cảnh quan cũng như độ nguy hiểm lắt léo (hình như giống nhau cho mọi con đường ở Lào) từ Vientiane đi Xiengkhoang, nhất là khi đi qua vùng Vangvieng nổi tiếng.

Xe bus công cộng khởi hành lúc 7.30 nhưng bạn nên đến đó lúc 6.30. Vì vé xe có ghi tên bạn lên đó nên bạn nhớ đọc thật chậm và kỹ để người bán vé ghi được tên bạn. Xe khách ở Lào không có vụ đón khách dọc đường nhưng có bán thêm ghế súp. Do vậy dù xe 7.30 mới chạy nhưng đến lúc 7.00 bạn sẽ được ngồi ghế nhựa, không có chỗ dựa suốt hơn 8h. Tùy bạn chọn đến sớm hay trễ! Những ngày trung tuần tháng Tư này là dịp Tết Lào nên trên xe rất đông các bạn SV Lào về quê ăn Tết. và hoàn toàn không có chú “mắt xanh mũi lõ” nào trên chuyến xe này cả. Rất ít bạn trẻ nói được tiếng Anh nhưng rất nhiệt tình với người ngoại quốc (!) và hình như còn hơi ái ngại khi thấy mình “hòa đồng” trên chuyến xe “bão táp” cùng họ. Nói vậy thôi, chứ xe Lào chạy rất đàng hoàng, hơn hẳn các chuyến xe khách Việt nam bây giờ. Đúng giờ là chạy, không chạy ẩu để giành, giật, rước, bắt khách như các bác tài Việt nam. Chắc do ít bon chen vậy mà người Lào còn nghèo (!).

Như đã từng đề cập, các con đường ở Lào rất hiểm trở vì đường chạy xuyên qua, men theo, leo trên các vách núi. Nếu không khỏe lắm hãy uống trước vài viên chống say xe để cầm cự với con đường gian khổ nhưng tuyệt vời này. Bạn cứ tưởng tượng là cứ mỗi 30m là có 1 khúc cua rồi cứ lên lên xuống xuống. “Một đèo, một đèo rồi lại một đèo” của chúng ta qua đây mà đếm chắc giống đếm sao quá. Rời Vientiane, xe chạy qua những núi đá và ngang qua Vangvieng. Do chỉ chúi mũi tìm thông tin về Cánh đồng Chum, Luang Prabang mà không hề biết là ở Bắc Lào còn những điểm đến thú vị như Vang Vieng, Luang Namtha... Thấy tụi Tây Balo đi lang thang ở Vangvieng mà thèm. Nhưng không sao, còn để dành chỗ cho lần sau đi nữa chứ. Tuy không vào thị trấn, chỉ đi ngang qua các vách núi của Vangvieng, xem các brochure du lịch là thấy “đã” rồi. Nhưng để đi du lịch kiểu adventure, treking ở Vangvieng chắc phải “tu thân tề gia” cả tháng trước quá. Nếu không, leo lên 3 bước, bia rượu nó kéo xuống 2 bước biết chừng nào mới tới nơi (!). Con đường cũng chạy ngang qua các bản làng-vách núi của các dân tộc ít người của Lào. Dù ở ven đường nhưng hầu như họ vẫn giữ nếp sống cũ, không hề theo kiểu đường đến đâu quán xá đến đó của người Việt anh em. Chị em vẫn áo váy dân tộc xúng xinh và hơi bị yêu vụ tắm suối, sáng trưa chiều tối gì cũng tắm suối. Chắc nhờ vậy mà khi đi thăm bản/nhà người Mông ở đây, thấy sạch hơn các bản Mông ở VN (!).

Dù đang là hè đỏ lửa nhưng xe chạy xuyên qua những cánh rừng nên không nóng lắm. Đường đi đẹp, không chỉ xuyên qua rừng, con đường còn chạy qua nhiều khu vực sông hồ rất lãng mạn vì còn hoang vu chưa bị xâm thực bởi làn sóng thương mại. Chỉ khi xe bắt đầu vào gần Xiengkhoang mới bắt đầu thấy nóng vì hình như phố thị nào cũng bị hiếm cây xanh thì phải. Rất nhiều tourguide hoặc nhân viên khách sạn ra tận bến xe để đón khách du lịch. Nếu bạn chọn 1 guest-house nào đó, bạn sẽ được free tiền taxi từ bến xe về đó. Giá cả guest-house ở đây tương đối mềm. Được giới thiệu 1 GH giá chỉ 3US$, kèm thêm taxi miễn phí (!) thế là nhảy tót lên 1 chiếc tacxong cũ kỹ chạy đến nhà nghỉ Vinh Thong. Cuối cùng lại hay vì đây chính là nhà nghỉ của 1 bộ đội Việt Nam từng chiến đấu bên này và ở lại đây luôn. Cũng không ngạc nhiên lắm vì chị chủ nhà rất xinh đẹp và dịu dàng. Nhà nghỉ này cũng đã được các phóng viên Việt Nam đưa lên báo nước nhà vì đây cũng là 1 nhà bảo tàng mini các vũ khí của cuộc chiến vừa qua. Rất nhiều súng ống bom mìn to nhỏ lớn bé đủ kiểu nằm đầy phòng khách trước nhà cũng như xung quanh nhà. Bạn nên tranh thủ làm vài pô hình để về nhà còn “cưa bom”, “quăng lưu đạn” với bạn bè.

Vệ sinh cá nhân nhanh chóng sau 8h “vật vã” trên xe, bạn nên tranh thủ làm 1 vòng thị trấn nhỏ Xiengkhoang, nhìn ngó đời sống người anh em Lào, “tăm tia’’ miền gái đẹp, tìm kiếm các thông tin du lịch nữa chứ… Thị trấn khá nhỏ, nhỏ đến mức không có được 1 nhà sách khi bạn hỏi để đến mua bản đồ. Dù sao, các cty du lịch cũng rất nhiệt tình cung cấp thông tin về thị trấn cũng như các điểm du lịch nên đi. Tên tourguide “láu cá” vừa đón về GH lúc nãy, nhân dịp gặp lại trên đường, đã tranh thủ hướng dẫn 1 discotheque để đến “tìm hiểu” cuộc sống cư dân trẻ địa phương khi đêm về nữa. It’s so cute!

Tại Xiengkhoang, bạn không thể thuê xe để tự đi như các nơi khác mà phải đi theo tour. Lúc đầu định … (sic) nhưng sau đó phải thầm cảm ơn vì lý do vô cùng chính đáng: rất nguy hiểm vì còn quá nhiều bom mìn còn sót lại trên vùng đất này. Nhất là sau khi được chứng kiến tận mắt nhiều lần sau đó. Tại đây chỉ có 3 tour du lịch (dân tour ở đây gọi là 3 site), mỗi tour đi trong một ngày. Ngoài Cánh đồng Chum nổi tiếng (có 2 khu vực khác nhau, gần và xa hơn), Xieng khoang còn có các điểm du lịch khác như: Làng Quân đội, Hang Phật, Hang Coffin, suối nước nóng... Ý đồ tham lam khi muốn đi 2 tour trong một ngày (bỏ tour suối nước nóng) cuối cùng đã được thực hiện khi có 1 nhóm khách khác cũng muốn như vậy. Té ra không chỉ có 1 mình mình tham lam (!). Giá 1tour là 8US$ nhưng đi kết hợp 2 tour này, bạn chỉ trả 10US$. Quá tiết kiệm, về cả thời gian và tiền bạc. Dĩ nhiên là Cánh đồng Chum được đi trước tiên. Bạn sẽ không hình dung được nếu chưa đến đây. Có nhiều truyền thuyết để lý giải việc tại sao có hằng hà sa số những cái chum bằng đá cao 2m (hoặc nhỏ hơn) nằm la liệt trên những cách đồng cỏ không hề gần 1 ngọn núi đá nào. Bạn nên chọn 1 truyền thuyết để tin, truyền thuyết được nhiều người mơ mộng chọn là “người nhà trời” đã làm nên những cái chum này. Điều cần nhắc bạn (và HDV cũng sẽ nhắc bạn) là chỉ đi trong đường line màu trắng mà thôi vì còn rất nhiều bom mìn nằm bên ngoài đường line đó chờ những bước chân đi ẩu của bạn. Chú ý nhé. Có rất nhiều chuyện hay về Cánh đồng Chum này, cũng như chuyện về nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra nó. Kể lại cũng được, nhưng sẽ mất tính hấp dẫn. Hãy đi và chiêm nghiệm!

Kế tiếp, bạn sẽ được đưa đến Làng Quân đội, nơi ngày trước bị ném bom rất nhiều và cư dân địa phương bây giờ tận dụng các vỏ bom mìn cũ làm các vật gia dụng. Mấy chú Tây mắt tròn mắt dẹt chụp hình búa xua cào cào chứ dân Việt Nam 7X, gốc rạ thì chẳng xa lạ gì với mấy cái này. Đến bây giờ ở các trường học Miền Trung Việt nam còn dùng vỏ bom làm cái kẻng báo giờ mà, trống triếc gì chi cho tốn tiền mà không vang xa như tiếng vỏ bom. Ở gần ngôi làng này còn có dấu tích 1 chiếc xe tăng của quân đội US ngày trước bị bắn cháy. Không biết người ta bảo quản như thế nào chứ 1 chiếc xe tăng nằm trống hơ trống hoác ở nơi hoang vắng này mà ở Việt Nam quê hương yêu dấu chắc sẽ bốc hơi trong vòng 1 ngày là cùng. Bạn cũng sẽ được tham quan 2 hang động nằm cùng trên 1 tuyến đường. Trước tiên là hang Phật với 1 tượng phật rất lớn nằm kín hết mặt trước của hang nhưng đi vào trong còn có rất nhiều các tượng Phật nhỏ khác. Thông tin lý thú khuyến mãi thêm cho khách tham quan là hang này đã từng là cứ địa của bộ đội Việt, dân quân Lào với những địa đạo tự nhiên mà sau đó ai cũng bò vào để lúc chui ra thành “người cát” vì quá bụi bẩn. Mấy anh Tây lớn xác cứ lớn tiếng khen. Cũng chẳng lạ, vì mấy ảnh cứ tưởng người Việt cũng bự con như Tây, làm sao sống được ở đây giỏi thế! Dù sao thì địa đạo này còn giữ được tự nhiên, không bị mông má lại “cho Tây chui” như Củ Chi anh dũng kiên cường. Phía sau hang này này là 1 hang động khác, đã được các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của người xưa. Rời khỏi Hang Phật, bạn sẽ đến Coffin Cave, 1 hang động mà đường vào của nó là phải leo vách núi đá, đu dây rừng lên cửa hang nằm chơi vơi ở giữa lưng chừng 1 vách núi đá. Vậy tại sao người ta lại đưa được những hòm quách to đùng đùng vào trong đó để chôn cất. Cách giải thích đơn giản nhất và dễ được chấp nhận là ngày xưa vùng này bị ngập nước, lên đến gần miệng hang bây giờ. Chứ hiện tại, sau khi đã phát quang, có nhiều hỗ trợ… mà còn rất khó nhọc bạn mới leo lên được thì làm sao người xưa lại vác được những cái hòm vào đây. Càng đi, càng thấy nhiều lại càng không biết, không hiểu. Biết vậy, ở nhà cho khỏe (!).

Tour du lịch sẽ tiếp đưa bạn lên ngọn đồi mà đã bị sụt đi mấy thước vì bom Mỹ ném trong chiến tranh. Dù nằm kế 1 ngôi trường tiểu học, chỉ cách 1 con đường làng nho nhỏ, ngọn đồi này vẫn còn đầy bom mìn nằm la liệt đây đó. Bạn phải đi cẩn thận theo bước chân của HDV, đừng chủ quan nhé. Nhì thấy bom mìn gỉ sắt nằm đây đó trên cánh đồng cỏ mượt. Màu gỉ sắt của bom mìn, màu cỏ non mượt, màu hoa mua mùa hạ,… rất hay và rất lạ, chỉ khi bạn đừng chạm vào. Điểm dừng cuối cùng của tour là đến thăm ngôi nhà của 1 giáo viên bản địa tại ngôi làng gần đó để uống Laolao, loại rượu trắng đặc sản của Lào và chỉ có 1 brandname duy nhất chứ không chia 5 xẻ 7 như Làng Vân, Làng Chuồn, Bàu Đá, Gò Đen… loạn xị xà ngầu ở đất Việt. Ngồi bệt xuống nhà sàn uống rượu rất mạnh trong chiều hè oi bức, ở buôn làng xa ngái ở Lào, vừa vui, vừa buồn khi tên HDV du lịch (sau khi làm mấy ly) nói rằng từ lúc chinh chiến trong nghề, chỉ gặp 1 khách du lịch Việt Nam đi một mình duy nhất từ trước đến giờ. Các chú Tây còn thêm vào (chắc sau khi uống rượu!) đây là dấu hiệu tốt cho lớp trẻ Việt Nam. No comment!

Xiengkhoang là cao nguyên, do vậy khí hậu rất dễ chịu. Tuy không được như Đà Lạt nhưng cũng tương đối mát mẻ. Đang trong những ngày chờ Pi-Mai (Water Festival của Lào) nên có 1 hội chợ nhỏ được mở ở đây, rất gần với Discotheque (không ghi lại tên) nhưng bạn yên tâm khi hỏi đường vì chỉ có duy nhất 1 cái tại đây. Khách ở đây toàn là 9X, 8X kiếm còn không ra nói chi đến 7X. Giá cả rất hợp lý, khoảng 12.000kips / chai bia Lào 750. Đá phải mua thêm (trên toàn cõi Lào đều áp dụng 1 quy chế này). Các bạn trẻ vào disco với dép Lào (đương nhiên) là chuyện bình thường. Điều lạ mình trông chờ là Lamvong dance thì hoàn toàn không thấy như ở Vientiane. Chắc ở các tỉnh nhỏ người ta dễ đi thẳng lên cái mới hơn. Chân dép Lào đi thẳng vào vũ trụ thì còn gì bằng! Đêm thứ 2 ở đây, được 1 người bạn vừa gặp trên chuyến xe Vientiane- Xiengkhoang (người duy nhất biết Tiếng Anh đã giúp mình khi đang lơ ngơ không biết là tài xế đang gọi số ghế của mình, bằng tiếng Lào, để sắp chỗ trên xe) mời về nhà chơi. Nhà đang chuẩn bị giỗ lần thứ nhất cho người anh. Ở Lào, các ngày giỗ này làm rất trọng thể như 1 thủ tục giúp linh hồn người ra đi sớm siêu thoát. Cũng đã lưng tưng vì Beer Lao, mình cũng đến thăm nhà, “nói chuyện” với các bậc phụ huynh, xuống bếp với các chị đang băm băm, nấu nấu, ra sân với các em, đánh bài uống bia phạt, nhập bàn với các anh, các chú cụng ly uống LaoLao tưng bừng… rất nhiệt tình nên không nhớ rằng mình cần phải về để chuẩn bị sáng mai đi Luang Prabang sớm. Rời nhà bạn lúc gần nửa đêm, loay hoay sắp xếp... vừa chìm trong giấc điệp 1 tý thì chuông báo thức DT réo ầm ĩ. Chia tay XiengKhoang, chia tay những cư dân địa phương thân thiện dễ thương mà mình gặp suốt trên những ngày ở đất Vạn Tượng. Hẹn ngày gặp lại, Cánh đồng Chum!

P/S: Trên chyến xe từ Xiengkhoang đi Luang Prabang có gặp 1 người Việt và được cho biết là có 1 chuyến xe chạy thẳng từ Vinh đi Xiengkhoang, khởi hành lúc 7am vào Thứ 5 và CN hàng tuần, vé xe khoảng 150.000 VND. Xe đi mất khoảng 8h. Thông tin này sẽ cần cho các bạn nào ít thời gian, có thể bay từ (SG-HN) đến Vinh và đi thẳng qua XK. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: