Thứ Năm, 20 tháng 9, 2007

Hành trình xuyên Đông Dương - 4




Xiengkhoang - Luang Prabang

Từ Xiengkhoang đi Luang Prabang, chuyến xe bus công cộng sớm nhất khởi hành lúc 8am. Như đã đề cập, bạn cần đến sớm để lấy vé ngồi ở trên đỡ bị lắc, nhồi xóc hơn những ghế dưới. Đường bộ đi mất 8h, trong khi đó nếu bay, bạn chỉ mất 30p. Liệt kê ra để bạn biết là đường khúc khuỷu cỡ nào. Sáng hôm đó, sau 1 đêm lưng tưng, nhưng cũng ra bến xe thật sớm để lấy vé tốt và để ngồi trong quán nhìn những người dân địa phương tay xách nách mang đến bến xe, thấy những chú bé bán hàng rong chạy qua chạy lại, những SV, HS tíu ta tíu tít… lại nhớ những ngày còn đi học, ra bến xe, bến tàu chờ đợi mòn mỏi… của bao nhiêu năm cũ.

Không cần nhắc lại là xe chạy qua những cánh rừng rất đẹp để đến LPB vào khoảng 3pm. Từ bến xe, bạn có thể nhờ tuk-tuk đưa đến khu guesthouse ở cạnh bờ sông, hoặc cạnh post-office, hoặc cạnh night-market (3 điểm này gần nhau) là bạn sẽ được đưa đến trung tâm của LPQ, nổi tiếng yêu kiều và “lười biếng”. Từ đây, bạn có thể thủng thẳng đi bộ dọc các con phố, dọc bờ sông để tìm cho mình 1GH phù hợp, giá cả dao động 5-8 US$/ phòng, bất kể là 1 hay 3 người/phòng. Lúc này bạn thấy đi một mình lại bị “thua thiệt” rồi phải không. Nếu được, bạn nên chọn các GH doc bờ sông Nam Kha (tên của dòng Mekhong ở đây). Nơi đây bạn có thể ra lan can (chung của GH) để nhìn hoàng hôn trên sông mỗi chiều về.

Làm sao co thể kể được cho bạn về Luang Prabang, “viên ngọc quý của Lào”. Là cố đô của Lào, thành phố còn là cái nôi của chùa chiền với nhũng đoàn nhà sư khất thực trên phố mỗi sáng, thành phố của những hang động cổ xưa với hàng nghìn những tượng phật qua nhiều thế kỷ, thành phố của ngọn núi Phousi nổi tiếng để chiêm ngưỡng hoàng hôn, của thác Khuang-si lớn nhất ĐNA, của những bản làng người các dân tộc, các làng nghề… và nổi bật trên cả là không khí lãng đãng chầm chậm của thành phố yêu kiều này. Hãy đến và sống cùng LPQ bạn mới cảm nhận được!

Trút bỏ hành lý và bụi bặm để chạy nhanh ra đường phố khi chiều dần tắt là điều bạn nên tranh thủ làm. Rất may là vì tò mò đi theo 1 dòng người, đã lên được ngọn Phousi trứ danh mà sau đó mới biết là luôn nằm trong các điểm nên đến của các tour du lịch. Thay vì đi thẳng lên đỉnh trên con đường đầy những cây champa đang đứng chào đón bạn ở 2 bên đường, bạn có thể dừng chân ở giữa núi nhìn sang bên kia đường hoặc chụp hình để lấy được tòa nhà của Hoàng cung cũ ngay bên kia đường, đối diện với núi Phousi. Trong vòm lá rậm rịt của Phousi, bạn vẫn có thể chụp những tấm hình rất đẹp với Hoàng cung cũ sáng vàng lấp lánh bên kia, lại càng ngời ngợi hắt lên màu hoàng kim rực rỡ khi những tia nắng cuối ngày như còn nuối tiếc chưa chịu chìm xuống dòng Nam Kha, cố trút hết năng lượng trong ngày để tỏa sáng lần cuối. Lên đến đỉnh, bạn nên đi 1 hoặc nhiều vòng trước khi chọn một chỗ ngồi cố định ngắm hoàng hôn. Từ đỉnh núi này bạn có thể phóng tẩm mắt ra rất xa, cả nhiều hướng của dòng NamKha và các nhánh sông khác. Xa thật xa về hướng đông, bạn cũng có thể một mái chùa vàng nổi bật trong màu xanh của các cánh đồng LPQ, nơi dòng sông đã khuất chìm đâu đó. Rồi bạn cũng sẽ ngồi xuống ở 1 góc nào đó, để nhìn trời chiều chìm xuống dòng sông mờ tím xa xa phía trước. Núi cao, sông xa, những chiếc đò bé như những que diêm như hư, như ảo trong bầu trời LPQ cũng lãng đãng như thật như không. Sau những tiếng trầm trồ lúc mặt trời chìm xuống nước, đoàn người lục tục đổ xuống núi ngay sau đó, còn bạn, đừng vội. Hãy ở lại với không gian yên bình này chỉ có ta với ta (và một vài người “tưng tưng” giống bạn nữa), với hoàng hôn còn tiếc nuối chưa sập tắt này vẫn còn lam lam tim tím chân trời lẫn sông xa, với tiếng côn trùng chợt vang lên sau khi tiếng người đã tắt… đây mới thực sự là hoàng hôn trên Phousi, LPQ. Bạn sẽ rất khó quên, nhất là khi ngồi một mình, nghĩ về nhiều thứ nhưng không nghĩ được gì trong không gian hư ảo này.

Thành phố nhỏ, nhưng có đến 32 ngôi chùa lớn, trong đó có những ngôi chùa là di sản văn hóa thế giới như Vat Mai, Vat Xieng Thong. Vat Xieng Thong là điểm cuối của cuộc diễu hành hàng năm từ 1 Vat khác (quen mất tên, nằm gần Phousi Hotel) vào ngày thứ 2 của Pimai Lào hàng năm. Những ngôi chùa ở Lào rất lớn và cổ kính, trong cả kiến trức và cả những vườn cây cổ thụ râm mát xung quanh. Đặc biệt trong các ngôi chùa ở Lào có rất nhiều các chú tiểu. Phần lớn là các học sinh khá giỏi của các gia đình nông thôn nghèo, vì không lo được cho đời sống của con mình, họ cho các con lên chùa làm chú tiểu và có điều kiện học hành tiếp. Do có năng khiếu, lại ở môi trường nhiều khách du lịch (!), các chú tiểu ở LPQ nói tiếng Anh rất khá. Một “thú tiêu khiển” rất được ưa thích của các chú là “lên mạng” chat chit hoặc gửi mail cho các du khách đã từng ghé qua LPQ.

Có nhiều tour để đi tại LPQ, các tour được khách Tây chọn thường là trekking, rafting, cỡi voi, vào bản làng dân tộc ngủ đêm… Nếu đi một mình, bạn khó lòng đi theo các tour này vì thường là các group tour của các family, couple, friend-group… do vậy, bạn có thể đi one-day-trip, quan trọng nhất là được ghé động Pak Ou trên dòng Nam Kha. Sau 2h lang thang trên sông, băng qua nhiều khúc sông với địa hình rất xa lạ với dòng Cửu Long lờ lững, bạn sẽ đến 1 cụm hang động bên bờ sông. Tương truyền này hang động này đã được phát hiện nhiều trăm năm về trước, nhât là khi có các cuộc chiến xảy ra, cư dân địa phương đã chuyển các tương Phật đến đây để cất giữ và thờ phương. Và từ đó, nơi đây đã trở thành nơi linh thiêng của vùng sông nước này. Rất khó hình dung được Pak-Ou dù bạn nghe kể. Hang động không lớn nhưng có không gian rất đẹp. 1 góc động được nhiều người ưa thích và chụp hình, nơi bạn có thể lấy được khoảng sáng ngoài kia, các bức tượng Phật trầm mặc nửa sáng nửa tối bên trong hang động và chút khói nhang bay vờn đây đó. Đường đi lên hang động thứ 2 thì xa hơn, tối hơn và ẩm hơn. Bạn cần đèn pin để “thám hiểm” hang động này. Cũng trong tour này, trên đường về bạn sẽ ghé thăm các bản làng dân tộc, nơi thì làm giấy dó có ép những bông hoa và lá, nơi thì trưng bày cách nấu rượu LaoLao, nơi thì dệt các thổ cẩm… nói chung cũng đã bị thương mại hóa nên có thể bạn sẽ không cảm thấy hay lắm, và hình như cũng chẳng xa lạ lắm đối với dân An Nam nhà mình, nhưng là rất hay ho đối với các chú Tây.

Trọn gói, buổi chiều tour sẽ đưa bạn đến thác Khuang Si, lớn nhất ĐNA (không biết theo văn bản nào). Đường đi bụi kinh hồn đến nơi thì thác lớn thật nhưng đã bị mông má quá nhiều, nhất là việc xây khoanh lại các vũng nước xanh rêu mà trong đó Tây Tàu xì xụp bơi lội. Nói chung, đi thác là cho biết chứ ở VN những Draysap, Draynu, Trinh nữ, Ponggour, Dambri, Gia long, Đỗ quyên… cũng đủ cho mình ngắm cả đời. Trên đường về, tour còn ghé thăm 2 bản dân tộc người Mong, chẳng có đặc sản hay là làng nghề gì cả, chỉ là bản người Mong để đi vào xem cuộc sống của dân địa phương với từng đoàn các bé gái đeo bám bán những đồ thổ cẩm Trung quốc rẻ tiền cũng như từng bầy gà vịt chạy nháo nhào khi bị xua đuổi vì dám ngang nhiên lấn chiềm lòng đường… Dù sao, one-day-trip cũng kết thúc khoảng 5.30pm khi mặt trời còn chưa kịp lặn. Lúc đó, hãy bổ nhào ra bờ sông xem những tia nắng cuối cùng bị “vùi dập” trên dòng Me khong lam tím nhé. Có thêm chai beer Lao mát lạnh sau 1 ngày vất vả đi chơi thì còn gì bằng. Cuộc sống, đôi lúc niềm vui thật đơn sơ sao mình vẫn mãi kiếm tìm.

Những ngày này, chuẩn bị cho Pimai Lào, ở LPB đang có cuộc thi Hoa Hậu LPQ. Thí sinh đoạt giải hoa hậu sẽ được ngồi trên lưng voi trong cuộc diễu hành trên đường phố LPQ. Rất khó để bạn kiếm 1 vị trí ngồi xem ở phía trước sân khấu, nhưng do “tám” với 1 tên SV đang làm part-time ở 1 nhà hàng ven sông nọ, đã được hắn dẫn đi đường vòng vào hậu trường của cuộc thi. Tha hồ mà ngắm nhìn và chụp hình với các Nọng Lào xinh đẹp, đủ kiểu dáng với đủ các thí sinh, em nào cũng cười như hoa khi chụp hình với “ngoại kiều!”. Nhất là rất vui ngày hôm sau khi biết thí sinh mình chụp nhiều hình chung hôm đó đã đoạt giải Hoa hậu Mường Luang!

Có cần giới thiệu cho bạn là ở LPQ có 2 discotheque cho dân teen địa phương, không kể các night-club nhỏ dọc theo chợ đêm, chủ yếu dành cho khách du lịch. Nói là cho dân địa phương nhưng hiện nay khách Tây cũng đã tìm đến hơi đông rồi. Dù sao cũng “địa phương tính” hơn là các NC ở gần chợ. Khuyến cáo chân tình là bạn nên đến 1 nhà hàng barbeque 2 trong 1 (nướng & lẩu) nổi tiếng ở ngoại ô (trên đường ra bến xe) để thưởng thức đặc sản địa phương rất ngon này và sau đó là đến discotheque (gần nhau) để tiếp tục uống và nhảy lưng tưng với các bạn trẻ địa phương sau đó. Dù bạn đi một mình hay đi với bạn, đều rất dễ làm quen và cụng ly với các công dân trẻ ở đây.

Ngày PiMai Lào đã đến. Ngày này thường dao động từ ngày 12-14 Tháng Tư Dương lịch hàng năm, tùy theo cách lịch của người Lào. Từ vài ngày trước, nhiều hội chợ đã được tổ chức nhưng đặc biệt nhất là các gian hàng trên đường phố chính đã được chuẩn bị để khai trương tưng bừng vào ngày đầu tiên của PiMai Lào và rất nhiều trong số đó đã được dỡ xuống ngay trong ngày. Từ sáng sớm chợ đã đông nghẹt các dân tộc ít người và cả dân địa phương đổ ra chợ vừa đi vừa ngắm, vừa trả giá mua hàng… Nếu bạn muốn thưởng thức cuộc sống của các dân tộc anh em Lào, còn chờ gì nữa mà không ra chợ ăn Tết, cạnh tranh cùng các cô chú Tây mắt xanh mũi lõ nữa chứ. LPQ là thành phố có ngày Pimai hoành tráng nhất nước Lào, do đó không chỉ Tây Tàu du lịch mà còn có cả khách từ Vientiane hay từ Chiangmai sang chung vui nữa. Mình đến đây đúng dịp này thì còn gì bằng khi “tình cờ lượm bí kíp”. Bạn chỉ cần chú ý 2 điều a/book phòng trước với giá gấp đôi ngày thường nhưng vẫn thường bi full; b/ chẩun bị nhiều túi nylon to nhỏ để cho vào đó các dụng cụ điện tử để khỏi hư do các thau, chậu, xô nước nồng nhiệt của cư dân trẻ địa phượng tặng cho bạn “lấy khước” trong lễ té nước này.

Buổi sáng, thiên hạ chỉ té nước, buổi chiều có thêm lọ nghẹ đen và bột talc trắng. Các nhà có nhiều thanh niên ở đường ven sông, được chuẩn bị các dàn âm thanh ầm ĩ, vài thùng bia, các thùng, xô chậu, nồi niêu xoong chảo,… Và cứ thế, từ sáng đến trưa, đến chiều có người cần thay ca, có người không, vừa uống bia vừa té (hay tạt) nước vào bất kỳ người nào đi qua đường dù đi xe hay đi bộ… Tất cả mọi người điều vui vẻ, hơi khó chịu là khoản lọ nghẹ, nhưng cũng không sao. Chưa đủ vui, cả nhóm bằng chất nhau lên xe pick-up với vài thùng phuy nước trên xe. Thế là vừa đi vừa la hét, hát hò, uống, tạt… Nếu bạn để ý, sẽ thấy các nhóm này bận áo có màu giống nhau, đó là truyền thống của các bạn trẻ. Họ còn lên mạng hoặc các tạp chí thời trang để chọn các mẫu in cho đồng nhất trên các áo này, đâu khoảng chừng 15-25.000kips/áo. Giá vô cùng hữu nghị.

Ở LPQ ăn tết Lào mà không đi đò qua cồn cát giữa sông chơi Tết là mất đi 1/3 cuộc chơi (1/3 còn lại nếu bạn không được xem lễ diễu hành vào ngày thứ 2 của PiMai Lào). Ở cồn cát giữa sông, dân địa phương dựng lên nhiều hàng quán để đón chào các gia đình, các bạn trẻ sang dựng nên các stupa bằng cát ngay trên bãi cát. Các stupa (hình thức thờ cúng của người Lào) giống như các “lâu đài” cát được trang trí bằng bột talc, hoa quả, lá dừa,… và đặc biệt là nhiều dải băng giấy đủ màu bay phất phới. Ở cồn cát này còn có cuộc thi bắn pháo, sàn dancing nhảy trên cát (!) chật chội không 1 chỗ chen chân, các hàng quán ăn nhậu ì đùng Tây, Tàu, Lào, Thái, Việt… cụng ly ầm ầm bất kể quen lạ… rất ư là náo nhiệt. Bạn sẽ thấy các chiếc thuyền cứ thoăn thắt qua lại trên sông đưa khách, và cuộc vui trên cồn cát này cũng chỉ có 1 ngày, cho dù chuẩn bị trước đó rất lâu.

Rất tiếc là lịch trình ở Lào đã bị dời lại nhiều ngày (để chờ ăn Tết Lào), do vậy không thể ở thêm nữa, đành phải lên đường để sang Thái cho kịp với Song-kran, Tết té nước tại Thái và hẹn dịp khác quanh lại thành phố đáng mến này. Sẽ gặp lại LPQ trong một ngày không xa! Will you join with me?

Không có nhận xét nào: