Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2007

Hành trình xuyên Đông Dương - 7




Bangkok - Aranyaprathet - Poipet - Battambang

Có nhiều con đường từ Thailand sang Cambodia. Cửa khầu Poipet được chọn vì sự nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Khome Rouge và phần chính là do đích đến kế tiếp là thành phố Battambang, nên cửa khẩu này là gần nhất từ BK. Muốn đến cửa khẩu này, bạn phải ra bến xe bus mua vé đi Aranyaprathet (còn gọi tắt là Aran), 300km từ Bk. Vì chủ quan không hỏi kỹ, tuktuk driver thì “speak English by hand” nên cứ thế chạy thẳng ra bến xe gần nhất, bến xe Nam BK. Đến nơi thì mới biết là cần phải ngược về bến xe Bắc BK. Sau một hồi cự cãi với tài xế tuk-tuk cũng đành phải leo lên xe đi tiếp. Thế nhưng lại may vì được đi city tour bằng tuk-tuk, open-air trong 1 buổi sáng sớm dịu mát, vắng vẻ hiếm có ở 1 Bangkok luôn đông đúc ồn ào với cờ hoa rực rỡ hôm nay vì là ngày bầu cử ở Thailand. Rất nhiều cảnh sát và quân đội trên đường phố, với rất nhiều poster xanh đỏ của các ứng viên, nhiều kích cỡ, chất liệu…

Xe bus từ Bk đi Aran mất hơn 4 tiếng, chạy êm ru, máy lạnh mát rười rượi nên những người dễ tính rất dễ đi vào giấc Nam Kha. Dù sao bạn cũng nên “chơi” café để tỉnh táo mà ngắm nhìn cảnh vật trên đường cũng như làng xá ở vùng biên giới Đông Thái này. Dễ gì bạn đi lại trên con đường này, nhất là vào 1 ngày bầu cử đầu cờ hoa phướn… bay rợp trời. Đến nơi, xuống 1 bến xe thật nắng, nóng, vắng vẻ bạn còn phải mặc cả với đội quân xe ôm để đi từ bến xe đến biên giới. Hình như xe ôm thì ở đâu cũng phải mặc cả, nhất là khi bạn là người “ngoại quốc”!. Bạn cũng có thể đi tuk-tuk nhưng phải chờ đủ người nhưng sẽ không thích bằng chạy xe Honda (ôm) ở 1 con đường lồng lộng nắng gió này. Mất khoảng 10 phút xe ôm để đến Poipet, cửa thiên đường ngày nào của dân tị nạn Khome. Bạn cũng sẽ gặp rất nhiều khách du lịch Châu Á ở đây, họ đến casino thay vì đến Siemriep như du khách phương Tây (!). Đôi lúc bạn sẽ cãi nhau với họ về chuyện xếp hàng vì hình như thói quen này vẫn chưa có ở cư dân châu Á.

Làm thủ tục hải quan ở phía Thái lan rất đơn giản và nhanh. Qua Cambodia cũng vậy, rất nhanh nhưng bạn phải trả tiêu cực phí, không, nên gọi là dịch vụ phí thì đúng hơn. Đang loay hoay chuẩn bị kiếm chỗ ngồi điền vào tờ khai hải quan, bỗng nhiên có 1 sĩ quan hải quan đến tự nhiên cầm lấy tờ khai và passport của bạn và giúp điền thông tin vào đó. “Cho nhanh”, như lời anh ta nói. Chưa kịp tan cơn cảm động (!) vì việc cán bộ hải quan điền phiếu, dán ảnh, nộp hộ và lấy visa giúp mình rất nhanh chóng thì anh ta yêu cầu mình gửi tiền típ (hay là dịch vụ phí). Hóa ra trên đời này, đâu ai giúp không ai việc gì phải không. Chỉ tự an ủi là tại sao anh ta chọn mình trong khi đó cũng có nhiều hành khách khác đang hí hoái viết. Tự an ủi hoặc là mình giống du khách giàu có (!) nên được chọn mà quên mất khả năng là có thể anh ta thấy mình “ngu nhất bầy”.

Chia tay với dịch vụ vận tải rất tốt ở Thái, chúng ta đang bước qua một thời khắc mới. Vì bị quá ấn tượng với cổng chào rất hoành tráng và rất đặc trưng Cambodia của cửa khẩu Poipet phía Cambodia (điều mà chúng ta sẽ không thấy ở các cửa khẩu Việt Nam, chỉ là các tòa nhà hộp vuông vức bình thường), vừa hoa mắt bởi các casino tráng lệ với đầy nhóc khách Tàu, Thái xí lô xí là… nên cũng tưởng rằng đường sá phía Cambodia cũng tốt như vậy. Nhưng hỡi ôi… vừa bước qua khỏi cổng, vừa đi vừa né đám “cò” xe ôm, xe bus, cò đổi tiền.., là gặp ngay một con đường lầy lội vì cơn mưa vừa dứt, với rất nhiều vũng nước vừa ổ gà vừa ổ voi sóng sánh màu phù sa (!). Thoát khỏi các tay cò, lơ xe bằng cách chui vào 1 xe pickup được “cải thiện” thành xe khách, tưởng đã yên thân nhưng chỉ là bước khởi đầu cho 1 chuỗi đầy ải kế tiếp, rất mệt. Giống hệt những chuyến xe đò Miền Trung ngày nào thường đi, chiếc xe bắt đầu những chuyến vòng quanh chợ, thị trấn, khoảng vài chục vòng vừa đi vừa dừng, vừa đón khách, vừa kéo khách… và chỉ thực sự lên đường sau đó hơn 1.5h. Như vậy là chỉ trong 1 ngày hôm nay lại được đi city tour 2 lần, ở 2 quốc gia – thật đáng để kể lại. Và bạn có thể tưởng tượng, chỉ với 1 băng sau của chiếc pick-up, có đến 6 hành khách được nhét vào, nhung dù sao cũng đỡ hơn cư dân địa phương đang ngồi thành 2-3 lớp ở thùng xe và cả trên mui xe, chung với gà qué, với bụi vàng sánh đặc cả trời chiều Poipet mỗi khi phải chạy sau các xe khác, qua các cung đường tan nát. Bạn sẽ không phải chịu đựng như thế nếu đi Siemriep thay vì Battambang. Rất nhiều xe bus loại lớn đang chờ đón khách du lịch đến thành phố nổi tiếng này. Còn đi Battambang, hãy đi chung và hòa mình vào cuộc sống của dân địa phương. Chỉ có 1 chuyến duy nhất đi Battambang vào buổi chiều, bạn không còn cơ hội lựa chọn!

Đường từ Poipet đi Battambang chỉ có 120 km. 55km từ Poipet đến Sisophon, ngã ba để đi về Siemriep (rẽ trái) hoặc Battambang (rẽ phải). 65km từ Sisophon về Battambang. Nhưng bạn sẽ đi trong khoảng gần 5h từ Poipet về BTB. Rất nhiều ổ voi, ổ trâu, ổ gà trên đường, nhưng chính những ổ voi này làm cho hành khách sẽ giảm đi cảm giác chật chội vì được sắp xếp gọn gàng sau nhiều lần nhồi xóc (!). Dù sao, đây cũng là điểm khó quên của hành trình, nhắc nhớ về những chuyến xe ngày nào vẫn đi ở Việt nam, những năm 80 thế kỷ trước.

Rốt cuộc, xe cũng bò đến Battambang vào tối, vào một bến xe “ngoài trời” cũng rất tối. Bắt xe ôm (khoảng 20-30 $cent) bạn sẽ đi khoảng 2-3 phút đến con đường có rất nhiều guesthouse như Chaya (bạn có thể ở đây, nhưng nên nhớ rằng mọi thứ đều cần thương lượng) với rất nhiều motorbike-taxi driver kiêm luôn nhiệm vụ tourguide. Sau khi giả dạng là khách Nhật (vì khuyến cáo của nhiều nguồn là người Việt Nam không được welcome ở đây, nhất là khi đi vào khu hẻo lánh) bạn sẽ nhận 1 căn phòng với toàn đồ dùng xuất xứ Việt Nam, đến cả cục xà bông nhỏ xíu (cũng có thể đây là lý do thêm nữa để họ không thích người Việt!).

Tối, thị trấn nhỏ cũng rất tối. Cái nóng tháng 4 cũng không giảm nhiều dù thành phố nằm bên bờ sông, Sanker River. Xông vào 1 quán nhậu địa phương, có cả sân khấu hát với nhau, kiểu các quán nhậu hát với nhau đã một thời xông xênh ở Việt Nam, với dự định là sẽ tận hưởng không khí cuộc sống của cư dân bản địa. Ý định bất khả thi vì nhiều yếu tố, kể cả bất đồng ngôn ngữ, quá nóng… nhưng lý do chính là cư dân ở đây không có vẻ thân thiện, như Lào hoặc Thái. Do vậy đành lang thang tiếp, vừa kiếm chỗ ngồi vừa kiếm thứ gì ăn sau gần 1 ngày đêm lăn lóc. Và cuối cùng, cũng phải đến khu Tây Balo vì các khu khác của thị trấn, cư dân đi ngủ rất sớm. Và như vậy, bạn cũng nên đi ngủ sớm để dành sức khỏe cho ngày dài sắp đến.

Battambang có rất nhiều nơi để đi thăm thú. Thị trấn (hay thành phố) còn giữ được sự yên bình của nếp sống nông nghiệp là chủ yếu. Sáng sớm, bạn vẫn thấy những chiếc xe ngựa chở khách và cả hàng hóa, chủ yếu là rau cỏ, chạy leng keng ở thành phố đã từng một thời lớn thứ 2 ở Cambodia này (nay đã bị Siemriep soán chỗ). Rât hay nếu bạn thức sớm đi dọc bờ sông Sanker, ngắm nhìn bình minh trên sông, các con đò lững lờ dưới sông, khói bếp mong manh tan trên sông, xe ngựa nhẩn nha đệm những tiếng lộc cộc của vó, leng keng của chuông vào màn sương sớm mát lạnh. Xuyên qua những cây cổ thụ, những gốc đại ngát hương còn đẫm sương đêm là những ngôi chùa cũ kỹ hoặc cổ kính. Đó đây những cửa hàng ăn bé xíu hoặc những gánh hàng rong trong những phố nhỏ đang chờ. Ngồi xuống và “speak English by hand” để chọn thức ăn sáng và nhớ kêu 1 ly café đen nóng nhé. Bạn nên thưởng thức, ấn tượng hơn capuchino hay espresso đấy, vị rất riêng, không thể kể lại được. Về việc đi chơi ở BTB, bạn nên trao đổi, thương lượng với 1 tourguide để anh ta chở bạn đi các điểm du lịch thay vì bạn thuê xe Honda để tự đi vì rất nhiều lý do: đường quá bụi và quá tệ, đường quá hẻo lánh (kể cả tourguide cũng bị lạc), xe cộ ở đây chạy không an toàn, và còn rất nhiều bom mìn chưa gỡ nếu bạn đi lung tung vào rừng núi hay các cánh đồng rất nguy hiểm… Rất may là đã gặp 1 tourguide từng là bộ đội K, chiến đấu cùng bộ đội Việt Nam nên cũng rất cởi mở với người Việt (đã “khai báo” sau đó) và nói tiếng Anh rất khá. (Ngoài ra ở guesthouse Chaya cũng có nhiều tourguide khác, nhưng rất láu cá). Giống như ở Xieng Khoang, cánh đồng Chum, các tour ở đây thường đi theo tuyến cho từng ngày, khéo thương lượng, bạn sẽ kết hợp được 2-3 tuyến du lịch và 1 tour. Thử xem bạn có làm được không nhé!

Điểm đầu tiên là ngôi đền Ek Phnom. Đường đi chạy qua các xóm làng nho nhỏ, các ngôi chợ quê xộc xệch có bán những món quà quê làm từ thốt nốt và các nông sản địa phương, các con kênh cạn khô dù nằm kế dòng sông, những chiếc cầu tre xập xệ, dù dài hay ngắn… trước khi đến một ngọn đồi thấp. Nằm trên đồi, Ek Phnom được xây dựng từ thời Ankor, thế kỷ 11 ở một nơi cách Angkor cả một Biển Hồ. Bạn cũng cần biết là Biển Hồ là tên Việt Nam và nếu dịch ngược từ Việt sang Anh thì sẽ không có người Cambodia lẫn người nước ngoài nào biết “Sea Lake / Ocean Lake” cả vì tên của nó là Tonlesap Lake. Bạn sẽ rất ngạc nhiên vì gặp lại 1 Angkor Wat khác ở đây. Từ cách kiến trúc, xây dựng,… rất giống 1 góc nào đó của Angkor Wat. Ngôi đền Hindu này đã bị sụp đổ nhưng vẫn còn rất nhiều phần được giữ nguyên, cho thấy sự khó tin về kỹ thuật xây dựng, điêu khắc của người xưa. Một điều rất hay là kế bên ngồi đền hoang tàn đổ nát này là 1 ngôi chùa mới được xây dựng hoành tráng đẹp đẽ. Dưới bóng râm của những cây cổ thụ, che mát cả đền cũ, chùa mới, nghe thời gian trôi trong tiếng chuông chùa, cũng rất dễ phiêu diêu. Điểm kế tiếp là cụm chùa Sampeo trên núi cùng tên và cùng nằm gần cụm chùa này là 1 địa điểm rất nổi tiếng Killing Cave. Giống như Killing Field ở Phnompenh, Killing Cave là nơi Khome Rougue “chôn” xác người bằng cách bỏ qua miệng hang nhỏ, nằm trên đỉnh. Thời gian đã qua, nơi này giờ là di tích, cư dân địa phương đã xây dựng 1 tượng Phật Nằm thật lớn ngay trong hang. Nụ cười hiền hậu của Người, khói nhang trầm phiêu linh, tiếng chuông mõ lãng đãng đây đó… như ước muốn an lành của lương dân cầu mong cho những linh hồn oan ức được siêu thoát. Ra khỏi hang, đi thêm 1 tý, bạn sẽ đến 1 góc núi, nơi bạn có thể phóng tầm nhìn ra xa để nhìn thấy 1 góc khác của Battambang. Nhìn về hướng Pailin (theo hướng dẫn của Honda-driver), một thời của ngọc xanh và máu đỏ, con đường nhỏ xa mờ mịt trong bụi vàng, những cây thốt nốt ủ rủ trong nắng đỏ, cánh đồng khô cháy xác xơ oằn mình trong những cơn trốt hoang hoải… bạn cũng cảm thấy mình như kiệt sức, không chỉ vì thời tiết, không chỉ vì bạn vừa mới rời khỏi Killing Cave… Ngơi nghỉ một tý, bạn hãy đi tiếp lên để đến ngôi chùa cao nhất, như mục đích chuyến đi, của bạn và của những khách thập phương viếng chùa. Và để bạn còn chuẩn bị đi xuống chuẩn bị cho điểm đến kế tiếp nữa chứ. Xuống đến nơi, bạn cũng nên nghỉ ngơi ăn uống một tý và đặc biệt là “tám” với những cư dân địa phương – gia đình của chủ quán để tìm hiểu thêm thông tin về nơi này và cuộc sống cơ cực của họ, dù đã khá hơn rất nhiều người.

Phnom Banan cũng là ngôi đền cũ được xây dựng từ thế kỷ 11, cũng theo kiến trúc của Ek Phnom, của Angkor nhưng được xây dựng trên ngọn đồi cao hơn 200 bậc thang dốc đứng mà bạn muốn leo lên tới, sẽ phải dừng lại để nghỉ không dưới vài lần trong cái nắng trưa tháng Tư ở đây. Điều khác là các ngôi đền ở đây vẫn còn được giữ tương đối nguyên vẹn. Ít ra là 3 trong số 5 đền. Cấu trúc gồm 1 đền chính ở giữa và 4 đền phụ xung quanh hơi lạ so với Ek Phnom nhưng cũng có điểm chung là có 5 ngôi đền, giống như ở Angkor Wat. Những tấm hình chụp ở đây đều được cư dân Việt Nam quả quyết là Angkor. Thế sao bạn không đến để chiêm ngưỡng?

Phnom Banam đây, bạn có thấy giống Angkor ở Siem Riep

Điểm kế tiếp, cũng là điểm cuối trong ngày là Bamboo Train, nét đặc trưng dễ thương của Thế kỷ 21 chứ không phải di tích của ngàn xưa. Trước khi đến quan sát con đường sắt có Bamboo Train này, bạn nên nhờ tourguide dừng lại nghỉ vài phút ở Chùa Dơi, cũng trên đường đi nên cũng tiện. Cũng giống Chùa Dơi Mã Tộc ở Sóc Trăng, chùa này có rất nhiều đàn dơi quạ treo tòn ten. Càng giống Sóc Trăng hơn khi trong chùa có cả bầy heo 5 móng và cả mộ phần của vài “đồng chí” heo 5 móng đã quy tiên. Điều khác là dân Khome ở đây tín ngưỡng còn rất cao nên bầy dơi trong chùa không bị ngày càng thưa vắng như ở Sóc Trăng mà rất đông đúc. Trong đàn dơi đông đúc kia, có chú nào là dơi từ chùa Sóc Trăng sang tị nạn hay không là câu hỏi không dễ trả lời. Quay lại Bamboo Train, 1 sáng tạo của cư dân địa phương. Tận dụng đường ray xe lửa cũ kỹ với những chuyến xe lửa thưa thớt và chậm chạp (như rùa bò), cư dân trong vùng đã đóng những xe cải tiến bằng tre, gỗ chạy bằng động cơ nhỏ trên đường ray này (vì đường đất ở đây còn rất bất tiện). Xe chở cả người và hàng hóa. Khi gặp xe lửa hoặc 1 bamboo train khác, xe được dừng lại hành khách và chủ xe cùng xuống khiêng xe ra khỏi đường ray, và sau đó nhắc lên lại, đi tiếp. Bạn nên thử 1 đoạn, dù ngắn, dù dài.

Suốt một ngày trên con đường bụi mù mịt, mà cư dân Buôn Mê Thuột hay tự hào về địa phương mình với cái tên Bụi Mù Trời chắc cũng phải chào thua, bạn sẽ vui mừng làm sao khi gặp lại con đường nhựa êm ái. Về lại guesthouse, tắm nước nóng miễn phí (do bồn nước bị hun nóng của những ngày Tháng Tư Cambodia nóng cùng cực!) và lang thang tiếp cho hết đêm cuối Battambang chứ.

Thật ra Battambang có rất nhiều điểm đi trong cả vài ngày. Đây là điểm được khuyến cáo nên đi thăm ở Cambodia trong nhiều guidebook, nơi còn giữ được những nét thô sơ của cuộc sống nông nghiệp địa phương thay vì 1 Siemriep đã quá nhiều “son phấn”. Có điều là ở đây vẫn còn sót lại bom mìn của ngày cũ, mà việc rà soát quy hoạch, phá dỡ… vẫn chưa làm đến nơi đến chốn nên dân backpackper vẫn còn ngại đến (điều này khác với khu Cánh đồng Chum ở Xiengkhoang-Lào, đã làm tốt hơn). Do vậy, lượng du khách không nhiều, mà cũng nhờ vậy, mọi thứ vẫn còn “Cambodia” hơn là Siemriep hay Phnompenh.

À, có 1 điều cần nhắc là, nếu bạn là tín đồ của hủ tiếu, nơi đây sẽ là thiên đường cho bạn. Hủ tiếu ở đây ngon hơn hủ tiếu Nam vang tại Sài gòn, Mỹ Tho và ngay cả Phnompenh. Rất mộc mạc và đậm đà. Chắc chắn đây sẽ là 1 điểm nhấn của “tour” du lịch đáng nhớ này đối với các tín đồ du lịch yêu ẩm thực.

Không có nhận xét nào: