Thứ Tư, 17 tháng 10, 2007

Hành Trình Bờ Y - Hạ Lào - 4

Pakse-Siphandon

Có rất nhiều tai tiếng trên net về đoạn đường từ Pakse sang đất K, do vậy bạn cần check thông tin tương đối kỹ. Lanexang Travel Agency, tuy còn vài thiếu sót do kiếm chưa được đối tác tốt bên K, nhưng phần dịch vụ bên Lào của họ tương đối tốt. Từ Pakse, bạn có thể mua vé đi thẳng Phnompenh (35$), hoặc ngay cả đến Siemriep, chạy suốt trong ngày nhưng bạn cũng có thể đi bằng tuyến đường Pakse-Siphandon-Phnompenh, có dừng nghỉ ở Siphandon 1 đêm. Chủ quan nhìn bản đồ, và chủ quan vì đã từng đi từ Việt sang K bằng cửa khẩu Xa mát, do vậy vé chỉ được đặt từ Pakse đến Kratie (đọc là Kra-Chey) để từ đó đi về Xa Mát hoặc cửa khẩu mới Hoa Lư ở Lộc Ninh gần hơn, nhưng sau mới biết đó là sai lầm (cũng may đã được sửa chữa kịp thời), nhất là khi đi balo trên đất K, chất lượng dịch vụ vừa kém vừa “văn hóa lùn” – không vơ đũa cả nắm nhưng tỷ lệ này tương đối cao. Các phương tiện công cộng ở K đi qua các cửa khẩu này rất ít, chỉ có các cty du lịch đi nguyên đoàn thì hay đi cho gần hơn thôi. Do vậy khó kiếm được xe từ các thị xã nhỏ đến các của khẩu này. Do vậy, hành trình về sau đã được đổi lại.

Cầu nối 2 đảo Done Dhet, Done Khone

Khởi hành chính thức lúc 8.50am, chiếc minibus đến vùng đất 4.000 đảo sau đó hơn 2h, với hành trình khoảng 100km. Lý do chậm là rất nhiều đàn gia súc hồn nhiên chiếm mặt lộ nằm đứng ngồi, suy gẫm, thỉnh thoảng lại chạy tớn lên… xem như nhà mình. Xe sẽ dừng chân trước bến phà đi Done Dhet, Done Khone (ngoài ra ở đây còn hòn đảo lớn nhất tên là Done Khong, ở cách xa 2 đảo này). Sau khi kiểm tra thông tin về giờ giấc, phương tiện di chuyển ngày mai, Tây ta đều leo lên chiếc ghe bé xíu, bề ngang ngồi được 2 người lách ngược dòng chảy, men theo bờ, băng qua nhiều “đảo” lớn nhỏ để đến Done Dhet hơn 30p sau đó. Vùng Siphandon này được gọi là vùng “4.000 Islands” vì đây là nơi sông Mekong trải rộng nhất với nhiều cồn, đảo. Vào mùa lũ, khi nước ngập mênh mang, bề ngang sông Mekong lên đến 14km và bao phủ 4.000 “đảo” lớn nhỏ. Thực ra các đảo này có khi chỉ là những cụm đá nhỏ xíu và ngay cả lớn hơn nữa như Done Dhet, thì ở Việt nam cũng chỉ gọi là cồn, như các cồn ở Tiền Giang, Cần thơ…Nhưng có lẽ ở Lào, dân tình kỵ từ ‘cồn” nên phải dịch là đảo (giả thuyết này chưa được kiểm chứng!!!). Sông mênh mang, vàng sánh phù sa và chảy rất xiết, giống các con sông nhỏ ở Miền Trung mùa lũ hơn là 9 dòng Cửu long, ngay cả mùa lũ cũng không chảy xiết đến vậy. Do vậy khi đi ngược dòng, tài công phải len lỏi vào các luồng nhỏ, men theo bờ… để cập ghe vào bến đò của đảo Done Dhet. Từ bến ghe / đò này, bạn có thể rẽ trái hay rẽ phải để kiếm 1 nhà nghỉ cho mình. Trong các hướng dẫn du lịch, cũng như tư vấn của NV Lanexang, bên Done Dhet thì bình dân hơn và tiện nghi ít hơn, Done Khone thì cao cấp hơn và có cả phòng máy lạnh… Chắc bạn cũng chưa điên để nằm trong phòng máy lạnh, khi bờ sông cách chưa đầy 3 bước chân phải không, nhất là bạn đi balo tour chứ không phải spa tour? Như vậy Done Dhet được chọn. Ngay ở Done Dhet, nếu lên bến ghe bạn rẽ phải thì những nhà nghỉ sẽ khang trang hơn, cư dân buôn bán tấp nập nhộn nhịp hơn. Còn nếu rẽ trái, nhà nghỉ và nhà của cư dân cũng thưa thớt hơn. Tùy bạn chọn.

Nhà nghỉ được ưu tiên chọn lần này là hướng rẽ trái nhưng không xa bến đò lắm vì sáng mai phải khởi hành sớm. Đó cũng là “cái duyên” khi gặp được chủ nhân nhà nghỉ vui tính, dễ mến và đặc biệt là từng đi “du học” ở Hải Dương, Việt Nam 2 tháng, vào những năm 1982. Anh đã từng sang VN học ngành Công An nhưng vì sức khỏe không phù hợp đã ngưng và sau đó chuyển về đây mở nhà nghỉ. Đố bạn biết giá nghỉ 1 phòng/đêm ở đây? 15.000 kip, bất kể phòng đó 1 hay 2 người nghỉ, trong khi đó giá 1 beer Lào ở đây là 10.000 kip, có lẽ vì chuyên chở quá vất vả. Cũng như mọi khi, cuốn sổ Đăng ký tạm trú để khách tự điền thông tin vào được nghiên cứu. Và cho đến thời điểm hiện tại, với cuốn sổ được mở từ 2002 (sorry nếu lầm, hoặc 2003), chỉ có 3 khách người Việt, còn lại là Tây là chủ yếu. Dù sao cũng còn may chứ những cuốn sổ ở Phonsavan, Panam, Houixay còn chưa thấy tên Việt Nam nào trong đó hết. Done Dhet là hòn đảo nhỏ (khoảng 1x3km), Done Khone lớn hơn 1 tý (khoảng 2x3km – theo lời chủ nhà) nhưng để đi lại thuận tiện hơn bạn nên thuê những chiếc xe đạp mini be bé, những chiếc xe mà dễ có cả chục năm bạn chưa đi. Với mình thì hơn 15 năm rồi!!! Trên đảo thì cũng chỉ có vài nơi để đi, nhưng có lẽ điều ưa thích nhất của dân balo khi đến đây là treo võng nằm đong đưa dưới những tán cây râm mát bên bờ Mekong (còn có tour gọi là Du lịch võng nữa mà) hoặc chiều xuống, trăng lên ngồi bên bờ sông uống Beer Lào hay rượu nếp LaoLao, nhìn Mekong trôi… thì như tất cả mọi phiền muộn trong người cũng trôi hết theo sông (?) Tuy vậy, bạn cũng nên đi thăm thú vài chỗ, cũng rất hay và cũng rất đặc trưng. Trước tiên là đạp xe vòng quanh đảo để biết hơn cuộc sống của dân bản địa. sau đó dọc theo bờ sông ra đến cây cầu “hoành tráng” nối liền 2 đảo Done Dhet & Done Khone. “Hoành tráng” và vì đã xây từ hồi Pháp thuộc nhưng đến giờ cầu vẫn sừng sững giữa dòng Mekong bất chấp thời gian và dòng lũ xiết mỗi năm tràn về. Qua cầu bạn sẽ bị “đóng thuế” 9.000kip, thuế này, nếu là phí qua cầu thì quá đắt nhưng thật ra là phí tham quan Done Khone và sau đó bạn không trả thêm phí nào khi đi thăm các thác, đảo, chùa chiền ở đây. Điểm kế tiếp là thác Lyphy (đọc là Ly-Py) sau 1 chặng đường đạp xe hơi mệt, qua 1 cây cầu nhỏ, đi dưới 2 hàng cây đan xen vào nhau làm thành 1 con đường đi ngộ nghĩnh râm mát. Thác Lyphy này có lẽ lớn thứ nhì ĐNA (chưa được kiểm chứng!!!!) vì Thác Khone Phapheng, nằm giữa biên giới Lào-Cam, cũng gần đây thì đã được biết đến như là thác lớn nhất ĐNA. Thác Lyphy lớn hơn cả các Pongour, Con Voi, Draysap, Draynu, Datanla,… kể cả Khuangsi tại Luangprabang… Thác rất hùng vĩ, trải rộng và nhiều tầng lớp với dòng nước phù sa mùa lũ chảy mạnh tung tóe. Rừng cây cổ thụ kế cạnh còn được giữ nguyên vẹn cũng là nơi nghỉ chân lý thú.

Thác Lyphy

Rời thác, đi được khoảng 500m, rẽ phải đi thêm khoảng 1,5km bạn sẽ đến Dolphin Beach. Nơi đây rất lạ là có 1 bãi cát bên sông mà nếu chụp hình thì rất dễ nhầm với 1 bãi biển nào đó. Không dự tính, nhưng khi gặp trên đường, 1 tài công trẻ đề nghị đi thăm cá heo nước ngọt trên dòng Mekong. Dù có đọc trên net nhưng cũng không nghĩ là có thể đi được, nhất là nghe nói vào mùa lũ này các chú Dolphin nước ngọt tập trung nhiều ở Kratie hơn là ở đây, nhất là khi nhìn chiếc xuồng độc mộc mong manh giữa dòng sông mùa lũ lại càng ngại hơn nữa. Tuy nhiên, sau cùng thì cũng bị cám dỗ và thế là leo lên thuyền đi. Buồn cười nhất là chú tài công rất ngạc nhiên thấy mình trả giá – có lẽ chưa bao giờ thấy (!!!). Nhưng “rút kinh nghiệm” những ngày qua, cũng trả giá đại xem sao. Nói nào ngay, cũng bớt được chút ít nhưng ở lượt về, thấy chú tài công vất vả quá, lại cho thêm chú – huề, nhưng vui. Dòng sông khúc này là hạ lưu của thác Lyphy nước chảy rất xiết. Dấu tích của mùa lũ trước vẫn còn thấy qua những khúc gỗ bị mắc ở các chạc cây, cao hơn mặt nước hiện tại đến 2m! Chiếc độc mộc chạy khoảng 20 phút là đến bờ bên kia, của đồn biên phòng Cambodia hay là Trạm bảo vệ cá heo nước ngọt nữa cũng không biết. Chỉ biết chắc là đất K. Trên bờ có lán nhỏ có treo những chiếc võng cho khách nằm chờ xem cá heo!!! Lúc đầu chưa quen nên khó nhìn, sau khi bắt đầu quen rồi thì rất dễ nhận thấy các chú. Có cả 1 chú vào gần bờ, nhảy cong người lên khỏi mặt nước cả khúc. Thật thú vị, không ngờ trong 1 chuyến đi ngắn ngày như vậy mà “cỡi ngựa xem hoa” được rất nhiều thứ. Thật ra, việc nằm võng ngoặc bò xuống bờ sông (gần hơn) để canh và xem cá heo nước ngọt cũng rất lý thú, nhất là khi bạn có nhiều thời gian. Chiều về rồi, còn nhiều điểm phải đi nữa nên đành chào tạm biệt các chú cá heo, chào đất Cambodia, hẹn mai gặp lại.

Về lại Done Khone, đạp xe đi lòng vòng thăm Done Khone, thăm lại dấu tích đường ray xe lửa cũ… thì trời cũng gần tối, vả lại giông gió đầy trời nên tranh thủ quay lại nhà nghỉ để chuẩn bị cho buổi tối, hứa hẹn rất hoành tráng.

Đêm xuống rất nhanh trong vùng rừng núi, cũng lạ là không có muỗi chứ như ở các vùng sông nước khác là giờ này chắc bị muỗi “khiêng đi” rồi. Sông đen huyền hoặc với những ngọn gió sông ngày càng lạnh hơn lúc về khuya, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng ghe lạch tạch đi ngang. Ếch nhái rền rĩ khắp chốn, nhất là gặp lúc trời đổ mưa nữa, nghe thật “đã”, khi đã lâu lắm rồi chưa gặp lại. Vài ngọn đèn chạy máy vàng vọt đã được yêu cầu tắt đi và thay bằng nến để tiết kiệm dầu và cũng để chỉ cho chủ nhân nhà nghỉ cách đốt và giữ nến trong gió không bị thổi tắt nữa. Mấy mẹo vặt đôi lúc có tác dụng ra phết trong những chuyến lang thang. Bắt đầu là các món ăn địa phương cộng với beer Lào, sau đó là rượu trắng Laolao. Cũng may là rượu Laolao ở đây tương đối nhẹ, độ rượu cỡ Votka chai nhỏ, chứ như rượu LaoLao ở Luangprabang (đốt cháy được) chắc đã lăn quay từ sớm rồi. Anh chủ nhà cũng nhiệt tình tham gia, sau đó có cả chị Hai chủ nhà ra uống phụ nữa, vui ra phết, giống y mấy “chế” ở miền Mekong Delta, luôn phụ chồng tiếp khách ở tăng 2, nhưng tửu lượng thường cao hơn cả chồng hay các anh các chú. May quá, chị Hai ở đây không “luộc” đứa em, chắc thấy tội nghiệp với lại sông nước mênh mông thế này, “luộc” nó xỉn, biết có chuyện gì? Đêm Mekong thật quyến rũ. Không còn thấy sông đen nữa vì trời quá tối vì mây mù dày đặc không trăng không sao, chỉ còn nghe tiếng đò xuôi ngược lạch tạch lúc sớm và ngưng hẳn lúc khuya. Trời đêm thì lúc tạnh, lúc mưa, lúc rỉ rả, lúc ồ ạt, trăng muộn ngày 21AL lúc ẩn lúc hiện được tý xíu. Gió càng khuya càng lạnh nhưng có lẽ vẫn chịu được nhờ những chén rượu ấm lòng. Đã nhiều kinh nghiệm “ăn chơi” nơi không khí trong lành vùng quê, hải đảo, núi cao… biết rõ là sáng hôm sau thường là ít hoặc không bị nhức đầu nếu so với việc cụng ly nơi đô thị ô nhiễm, tù túng, thế là “tới luôn bác tài” cho đến quá nửa đêm. Đêm ở 4.000 đảo thật ấn tượng.

Sáng, muốn dậy trễ cũng không được vì các chú gà trống thi nhau gáy ỏm tỏi khắp nơi. Và cũng may là sau 1 đêm (hay chỉ 1/3 đêm, vì ngủ rất trễ), đầu óc vẫn bình thường nhờ khí hậu trong lành của vùng sông nước. Do vậy, cảm giác nằm đong đưa trên võng, đón bình minh, trong những cơn gió đầu ngày se se lạnh cũng thật tuyệt. Những trận mưa đêm qua không lớn, những đám mây vẫn còn sũng nước, trời không đủ nắng để tan mây nên bầu trời vẫn cứ xám nhờ nhờ trên dòng sông vàng sánh phù sa cuồn cuộn chảy. Gà cũng thôi gáy, đây đó những chiếc xuồng nhỏ túc tắc chạy trên sông, đi thăm câu, lọp trở về, nhưng với rất ít chiến lợi phẩm. Một điều cũng rất lạ là xã nhỏ Done Dhet nằm bên bờ sông nhưng trong quán xá lại không có cá sông Mekong? Tại khúc sông này nước chảy xiết quá hay tại kỹ thuật của ngư dân không tốt lắm? Chứ ở những khúc sông khác thì cá vẫn rất nhiều mà? Hay tại cả hai. Ngoài ngõ, các cô cậu học sinh bé tí đang tíu tít đến trường, trong lều, khách vẫn lười nhác đong đưa nằm ngắm trời mây sông nước… Nói vậy chứ cũng chỉ được một lúc rồi cũng phải say-good-bye để lên đường. Cuộc chia tay thật cảm động với những người chủ nhà hiền lành thân thiện. Hẹn gặp lại một ngày không xa, ở thêm vài ngày cho đến lúc người chảy dài ra như sông, như tính cách “lười biếng” của mình chứ đi kiểu này chưa “đã”. Tạm biệt xóm nhỏ Done Dhet.

Không có nhận xét nào: