Thứ Tư, 24 tháng 10, 2007

Lướt qua Kanchanaburi - Sangkhlaburi - 4




Cầu sông Kwai chỉ cách khu trung tâm khoảng 3 km, sau khi đi qua Nghĩa trang Kanchanaburi, của những tù nhân của phe Đồng minh đã ngã xuống trong quá trình xây dựng chiếc cầu, vào thời Thế chiến thứ 2. Khách đến thăm Kanchanaburi bây giờ không chỉ thăm viếng cầu mà còn thăm cả đường ray tử thần (Death Railway) vì thực ra, cây cầu này chỉ là 1 phần trong kế hoạch xây dựng đường ray xe lửa từ Thailand sang Myanmar, chính xác là nối liền Bangkok và Rangoon, Myanmar, để phục vụ cho quân đội Nhật bản. Ngoài ra, còn có các di tích khác nữa như Hẽm núi Lửa Địa Ngục (Hellfire Pass Memorial), Bảo tàng chiến tranh JEALTH, Nghĩa trang Chungkai… Chỉ tại Nghĩa trang Kanchanaburi, số tù nhân phe Đồng minh ngã xuống là 6.982 người. Hẽm núi Lửa Địa Ngục là đoạn đường dài 500m và có 26m đục xuyên qua núi đá. Các tù nhân chỉ làm đường, phá bằng các cuốc chim, búa và các dụng cụ thô sơ. Họ dùng cuốc chim để đục các lỗ và đặt thuốc nổ vào, sau đó, dọn dẹp đất đá bằng tay trần. Hơn 1.000 tù nhân người Anh và Úc đã mất 12 tuần (1943), để đục hẽm núi, trong đó 700 người đã nằm xuống. Cái tên lửa địa ngục bắt nguồn từ những ngọn đuốc mà các tù nhân chong lên trong đêm để làm việc. Điều đáng buồn là ở Kanchanaburi chỉ có các nghĩa trang cho tù nhân phe Đồng minh, không có nghĩa trang nào khác cho các tù nhân và các công nhân Châu Á, mà con số tử vong nghe nói còn cao hơn gấp nhiều lần, đến vài chục ngàn.

Cầu sông Kwai hôm nay không giống như ngày xưa, trong phim ảnh. Mới và đẹp và lạ, không như trong suy nghĩ. Cây cầu cũ đã bị ném bom sập trong chiến tranh và người ta đã xây cây cầu này để tưởng niệm, và cũng để phục vụ cho du lịch nữa. Khách du lịch rất đông, bên cạnh những khách Châu Âu muốn tìm đến thăm nơi có người thân hoặc đồng hương đã ngã xuống, đông nhất vẫn là khách Nhật, như muốn đến để thắp nén nhang tạ lỗi cho những gì cha ông ngày trước đã làm. Cạnh cây cầu bây giờ là khu đô thị tấp nập sầm uất. Sông Kwai nước vẫn trong xanh, thi thoảng những chuyến xe lửa chở đầy du khách phì phò qua lại trên chiếc cầu huyền thoại. Cảm giác như thế nào giữa chốn ồn ào náo nhiệt này? Đâu rồi cây cầu của David Lean, Omar Sharif…. Cũng có chút chút cảm giác, nhưng không nhiều. Đến đây, cần có nhiều thời gian hơn, có lẽ nên đến vào buổi tối, cuốc bộ dọc theo đường ray để vào sâu trong rừng chắc sẽ ấn tượng hơn rất nhiều. Hẹn dịp khác với Cầu sông Kwai huyền thoại, với những tiếng huýt sáo không thể lẫn vào đâu được khi xem và rất nhiều năm sau khi xem bộ phim quá hay này.

Hành trình kế tiếp là đi Tiger Temple, ngôi chùa cưu mang những con hổ mua lại từ các thợ săn trộm, hoặc thương tích… nuôi dưỡng và thuần hóa chúng để du khách có thể đi dạo, chụp hình với chúng, như với những chú cún con hiền lành. Nghe thích không nào, vậy sao không đi nhỉ. Đường đi hơn 40km, chạy gần 1h về hướng Sangkhlaburi và xuyên qua những cánh rừng còn rất tươi tốt, khác với Tây Nguyên mến yêu của chúng ta, và sau đó rẽ vào một con đường đất đỏ nhỏ đầy bụi. Té ra ở Thailand vẫn còn những con đường như vậy à? Đến nơi, buồn muốn khóc (hic), vì vừa bị quá giờ vào xem hổ, mà chỉ mới vài phút. Ở đây hàng ngày chỉ mở cửa cho khách tham quan từ 1pm đến 4.30pm, giờ thích hợp nhất là từ 3-4pm. Đã cất công chạy từ xa thật xa mà không được vào. Mà không chỉ có mình, nhiều khách khác đi theo nhóm, tour vẫn bị trễ. Sao kỳ vậy ta, khách đi theo tour, nhóm thường phải biết thông tin này chứ? Đành đi 2-3 vòng trước sân, căng mắt nhìn qua hàng rào sắt (mà chẳng thấy gì cả), xem các bảng biểu thông tin, poster… nói về nguồn gốc, hoạt động của ngôi chùa rồi lên đường về lại thôi. Bác tài xe ôm cũng rất áy náy khi thấy mình bị hụt hẫng như vậy. Thôi kệ, như vậy mới có dịp trở lại Kanchanaburi lần nữa, và nhiều lần nữa chứ. Đây cũng là hệ lụy của việc chuyến xe từ Sangkhlaburi đi Kanchanaburi bị trễ đã đề cập ở trên. Ở đời ai biết trước được chữ ngờ. Về, hôm sau nghe đồn rằng hôm đó có 1 chú hổ trở tính, đuổi khách chạy có cờ, có người xém bị ăn thịt nữa. Tự nghĩ, té ra mình còn may (à just kidding, tin này từ Thông tấn xã Con vịt cồ).

Về lại Kan rồi, chia tay bác tài xe ôm đi lơn tơn về GH. Tắm rửa cái chứ, cả buổi nhiều lông nhông ngoài đường rồi còn gì. Tỉnh cả người. GH chẳng có ai cả, thế là “bành trướng” cái ghế dài nằm ngắm sông chiều chơi chút, cho nó ra vẻ nên thơ. Nhưng nên thơ gì nổi, vừa kéo ghế ra nằm bỗng nghe tiếng gì kêu ục ục đâu đó, nhìn quanh quẩn chẳng thấy ai, nghe kỹ là cái bao tử của mình!!! Xấu hổ quá, ra sông thôi, vì hàng quán đều nằm bên bờ sông mà. Chẳng kịp nghỉ ngơi gì cả, đi lon ton ra bờ sông, ngắm xem cái nhà hàng nổi nào đông khách chút chút xông vào vì an toàn hơn mấy chỗ vắng khách – chắc thế nào cũng có lần bị tổ trác vì cái vụ “ham đông” này quá. Vào an tọa trong 1 nhà hàng, lấy vị trí tốt ngay lan can, ngồi sát sông luôn, quá đã, nhưng lại gặp chút chút khó ăn về ẩm thực. Không phải là vì món ăn, vì vốn rất dễ nuôi, mà vì cái menu. Thực đơn ở đây không có bán lẻ (!) mà là a-la-carte theo từng phần, là nguyên dĩa/tô, mà dĩa nào dĩa nấy bự chà pá, kêu 1 món chắc chỉ ăn được 1 phần tư vì ăn hết làm sao ăn món khác. Đây cũng là “khó khăn” thường gặp phải trên bước đường “độc hành lang thang”. Thây kệ. Dân chơi gặp mưa rơi thì mặc áo mưa, sợ gì! Cứ gọi đại.

Người Thailand quả là biết kinh doanh. Khúc sông dày đặc những nhà hàng còn chưa đủ, còn có quá trời các nhà hàng du thuyền, các chiếc phà-nhà-hàng… thôi thì đủ kiểu. Có cả phà-nhà-hàng-disco nữa, mở nhạc ầm ĩ và nhảy nhót ì xèo, dù chỉ mới cuối giờ chiều. Các chiếc tàu-phà-nhà-hàng này tới lui nhộn nhịp cả khúc sông nhưng có lẽ nhờ có tuân thủ các điều kiện vệ sinh nên sông vẫn sạch. Ở VN mà như vậy, chắc sau 2 tháng sông này trở thành kênh Nhiêu Lộc hay sông Tô Lịch quá.

Không có nhận xét nào: