Thứ Ba, 6 tháng 5, 2008

Miễn bình luận - Chuyện buồn ở biên giới Myanmar - Thailand

Sài Gòn - Những ngày mưa mùa tháng 5

Như tiêu đề, mình sẽ không "bình loạn" ở đây, chỉ chia sẻ với các bạn những hình ảnh mình đã gặp trong chuyến đi - với thật nhiều những cảm xúc. Nhưng có thể những cảm xúc này rất cá nhân, do vậy, mình sẽ không "phụ đề Việt Ngữ" nhiều, phần này dành cho bạn, nếu bạn cảm thấy cần chia sẻ.

Đầu tiên, sẽ là những câu chuyện "Miễn bình luận" ở vùng biên giới Myanmar-Thailand. Những "câu chuyện" kế tiếp sẽ được chia sẻ cùng các bạn ở thời điểm thích hợp.

Biên giới giữa Myanmar và Thailand thường cách nhau 1 con sông, 1 cây cầu hoặc 1 vùng biển. Không đi hết, mình chỉ "kể" với bạn những gì mình thấy.

Biên giới giữa Mae Sot/Thailand và Myawaddi. 2 tỉnh này cách nhau bằng 1 cây cầu dài. Thay vì có thể đi qua cầu bình thường bằng giấy thông hành (và có tốn phi), người Myanmar sang Thailand, làm công hoặc buôn bán thường chọn con đường lội sông. Nhưng lội sông thì ướt áo quần, làm sao bây giờ.

Thay vì đi cầu qua sông bằng giấy thông hành chính thức...

... nhiều người dân Myanmar ở Myawaddi đã chọn đường sông, tiết kiệm chi phí phải trả cho hải quan Thailand. Một số người lội qua sông. Một số qua sông bằng dịch vụ mới phát sinh - qua sông bằng phao, có người kéo. Hình chụp lén từ trên cầu biên giới nên không được rõ nét.

P/S: Khi 1 nhà báo phương Tây phỏng vấn 1 nữ NV Hải quan Thái là tại sao Hải quan Thái biết con đường đi "lậu" đó nhưng vẫn để người lao động Myanmar đi bằng đường này. Câu trả lời, kèm theo ánh mắt khó chịu của người NV HQ - như nhận xét của người PV: "Vì người Thái có trái tim nhân hậu".

Biên giới giữa Mae Sai/Thailand & Tachilek - mọi việc còn tệ hơn rất nhiều.

Cây cầu biên giới giữa Mae Sai & Tachilek, nơi dân Thái và Myanmar ồn ào qua lại để mua bán. Thành phố Tachilek là 1 trong những thành phố có doanh thu về buôn bán lớn nhất Myanmar, dù đây chỉ là 1 thành phố nhỏ vùng biên.

Và nơi đầu nguồn sông Mae Sai, cách cây cầu khoảng 200m, nơi đây không có những chiếc phao, những người dân lao động Myanmar, phải "thay quần áo" để lội sông. Bạn có biết nước sông miền Tây Bắc Thái buổi sáng lạnh thế nào không - rất lạnh.

Không chỉ lội sông, nhiều người còn phải vác nguyên chiếc xe đạp hoặc cả chiếc xe cải tiến - phương tiện lao động - qua dòng sông lạnh

Cũng khoảng giờ này, nếu bạn quay lưng đi và chụp hình bình minh nơi đầu kia của dòng sông - bình minh vẫn đẹp mơ màng, dòng sông vẫn yên bình trôi lững lờ trong sắc hồng ban mai, có biết đâu bao người dân nghèo đang lầm lũi qua sông.

Dòng sông Mae Sai này sẽ chảy đến vùng 3 biên giới Thái - Miến - Lào, Golden Triangle - Tam giác Vàng. Nơi đây, dòng Mae Sai sẽ đổ vào sông mẹ Mekong để xuôi về nam, đất Việt.

Ở biên giới Ranong - Kawthaung vùng cực nam Myanmar thì lại khác. Dù biên giới cũng chỉ cách nhau 1 con sông nhưng lại bị ngăn cách bởi rừng núi, do vậy muốn qua lại, cư dân 2 vùng phải "vượt biển", đi mất khoảng 20-40 phút, tùy biển, con sóng và gió. Và sau đó, việc gì sẽ chờ đợt người dân Myanmar ở Thái. Vụ việc về hơn 50 người nhập cư Myanmar bị chết ngạt trong thùng xe, ở Ranong, gần đây báo chí đưa tin là 1 chuyện rất buồn, nhưng không hiếm.

Từ chiếc cầu tàu này ở Kawthaung, Myanmar, người lao động, hoặc người buôn bán Myanmar chồng chất trên những chuyến đò đầy, chòng chành trên sóng để sang Thái.

Và tặng bạn những hình khó kiếm được giữa dòng sông biên giới, giữa 2 đô thị phồn vinh Mae Sai - Tachilek. Các em bé Thái - Miến hồn nhiên tắm giữa con sông biên giới - trên bờ anh lính Miến đứng nhìn.

Hy vọng những em bé hồn nhiên cuối entry này sẽ làm nhẹ đi những hình ảnh nhọc nhằn trên. Có điều, đó chỉ là phần nhỏ trong những hình "chộp được". Bạn có thắc mắc là tại sao chỉ có hình ảnh những người đàn ông Myanmar lội sông để đi sang làm việc ở Thái? Không có nữ? Hay vẫn có, mà người chụp hình không dám đưa các hình ảnh đó lên?....

Không có nhận xét nào: