Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2008

Ai sang Cam, xuôi Thái, sang Malay - Koh Ker, Prasat Preah Vihear, Siemriep

Viết lại cho những ngày không net và những ngày bị đuổi sớm ra khỏi quán nét đến quán bar... và đây sẽ là 1 entry rất rất dài.

Bangkok 9.30pm 13-01.2008 - vừa đến lúc 8.20pm. Tình hình rất tình hình vì các internet shop ở các nước trong khu vực ĐNA hầu hết đều rất tệ, kể cả ở Bangkok. Do vậy, đang ngồi lóc cóc gõ, hình thì vẫn chưa xử lý (làm nhẹ để dễ post) và chưa post lên được thì bị đuổi vì đến giờ đóng cửa (10.30pm!). Chỉ cập nhật nhanh vài hình ảnh trước, thông tin "hấp dẫn" về những ngày lang thang trong rừng vừa qua sẽ phải cập nhật sau này.

10.01.2007 - Beng Mealea - Siemriep, Koh Ker - Preah Vihear

Chiều hôm trước đã thỏa thuận với bác xe ôm là sẽ đi khu di tích mà gần đây nổi tiếng không kém Angkor là Prasat Preah Vihear (PPV), thuộc tỉnh Preah Vihear. Trên đường đi sẽ ghé 2 khu di tích Beng Mealea (thuộc tỉnh Siemriep, cách SR 64km, cũng được tính vào cụm quần thể Angkor) và Koh Ker (thuộc tỉnh Preah Vihear, thủ phủ là thành phố Tbeng Meanchey), ngoài ra sẽ dừng lại ở các di tích hoặc thắng cảnh trên đường đi, cũng như sẽ dừng lại nghỉ 2 đêm trên đường. Koh Ker và PPV là 2 điểm phát hiện sau Angkor và cho đến nay đường đi vẫn chưa xong nên ít được biết đến với các tour du lịch, nhất là cụm Koh Ker mà hiện nay chưa bị tàn phá nhiều là bởi vì còn rất nhiều bom mìn xung quanh khu vực này. Đi từ Kompong Thom đến PPV là 1 việc rất thử thách, ngay cả những người bán hàng dạo tại PPV cũng rất ngạc nhiên khi biết mình xuất phát từ KPT (vì nếu đi từ Thailand thì đường rất tốt và nơi này chỉ cách biên giới Cam-Thái vài trăm mét mà thôi, và hiện nay, gần như 99% du khách đến viếng điểm này đều đến từ Thailand hoặc sẽ sang Thialand để đi). Đường bụi mù mịt, đầy sống trâu, ổ gà ổ voi. Vào mùa mưa, hầu như chỉ có vài loại xe đặc chủng mới đến được các khu này. Còn mùa khô, bụi đỏ mờ hơn sương, sáng thì rét buốt, trưa thì cháy nắng,... có đi mới biết, không thể tả nổi.

Sáng 10.01, khởi hành sớm, lúc 6.30. Trước đó, mình còn kịp làm 1 vòng Kompong Thom, cũng chẳng có gì đặc sắc, trời thì mù nên ý định ra sông đón bình minh bị phá sản. Đường đi buổi sáng rất lạnh, cũng may là có cái nón bảo hiểm che nên cũng đỡ đỡ, nhưng đội nón vào thì lại không nhìn thấy quang cảnh nên thỉnh thoảng lại "thò ra thụt vào". Quang cảnh cũng chẳng có gì thật đặc sắc, chỉ nổi bật là những ao hồ đầm phá đầy những hoa súng đỏ mạnh mẽ và rực rỡ trong nắng sớm. Đoạn đường này vẫn rất tốt vì vừa làm xong (cho đến qua khỏi Beng Mealea, Svay Leu mới bắt đầu đường xấu). Đây là QL 6 của kam, đi theo hướng đến Siemriep nhưng đến ngả 3 Dam Dek, cách SR 30km thì rẽ phải thay vì đi thẳng. Đi trên đường này bạn sẽ ngang qua cây cầu đá ong Kampong Kdei Bridge, cách SR khoảng 45km, được xây dựng từ TK XII. Cây cầu dài khoảng 85m, cao 14m, hơn 800 tuổi này vẫn chịu đựng được từng đoàn xe tăng, thiết giáp rầm rập đêm ngày của thời chiến tranh vừa qua. Và nếu chú ý, bạn cũng sẽ thấy nhiều cây cầu đá ong nhỏ khác nữa nằm rải rác dọc đường. Cách đây vài năm, cây cầu này còn cho xe hơi chạy qua nhưng bây giờ thì UNESCO đã tài trợ xây dựng cây cầu mới. Bắt đầu từ ngã 3 Dam Dek, bạn sẽ gặp rất nhiều mini tuk-tuk (giống như xe lôi ở VN nhưng nhỏ hơn, chở được 2 khách) chở khách Tây chạy lơn tơn trên đường, từ Siemriep đi Beng Mealea. Chiếc Wave Alpha, nhập từ VN, dừng lại tại Beng Mealea khoảng hơn 10am, trao đổi với bác tài về giờ giấc để đến các điểm kế tiếp, mình chỉ có 1.30h để tham quan khu di tích này. Sau đó mới thật là tiếc về khoảng thời gian ngắn ngủi này, nhưng đã thỏa thuận thì phải giữ lời, và cũng vì từ ngoài cửa vào đến trong khu di tích khá xa, khá nắng chứ nếu không đã chạy ra thỏa thuận lại rồi.

Beng Mealea chưa bao giờ được nhắc đến trong các tour du lịch từ VN, vẫn khởi hành hàng tuần từ các công ty du lịch. Nhưng đây là một trong những điểm du lịch bí ẩn và hấp dẫn nhất của quần thể Angkor. Được xây dựng để tặng cho 1 vị hoàng tử vào thế kỷ XII, cùng thời với Angkor, có cùng số tầng giống Angkor Vat, được bao quanh bởi hào nước rộng khoảng 1,2km (hiện đã thành đất liền)... kiến trúc này bị tàn phá khốc liệt nhất bởi thời gian, chôn vùi những bí ẩn của nó bên cạnh các chạm khắc sắc sảo tuyệt vời cũng như tòa thư viện, những đường hầm gần như còn nguyên vẹn. Khám phá, len lỏi trong những đền đài đổ nát, cũng là trong những rừng cây rậm rạp, có thể bạn sẽ giật mình lúc đầu vì những bóng người thoắt ẩn hiện trong những hốc xó hay trên tường thành cao vợi. Ai vào những chốn linh thiêng này mà chẳng có những ý nghĩ vu vơ đó. Một lúc sau mới biết đó là các em bé Khmer, và cũng chỉ có các bé mới có thể len lỏi vào các nơi đó chứ du khách thì khó lòng đi được. Và đây cũng là nét rất đặc trưng của BM, với những tình nguyện viên du lịch nhí luôn sẵn sàng giới thiệu và hướng dẫn khách len lỏi vào những ngóc ngách bí hiểm mà các tour du lịch hoặc khách đoàn ít có dịp khám phá. Bạn dám thử không?

Cây cầu bằng đá hơn 800 năm tuổi trên đường từ Kampong Thom đi Beng Mealea

Đường vào Beng Mealea, cổng vào ấn tượng với nhiều tượng thần rắn.

Beung Mealea, hoang tàn đổ nát nhưng vẫn ẩn chứa vẻ đẹp bí ẩn qua các chạm trổ, điêu khắc còn nguyên vẹn sót lại.

Nhìn ra từ 1 đường hầm tối thui, dài dằng dặc mà chỉ có 1 mình lang thang, hỏi sao không sợ khi có những bóng người thoắt ẩn hiện.

Trước kia BM được xây trong lòng hồ, giờ đã khô cạn, chỉ còn đâu đó vài ao nhỏ các em bé Khmer đang tắm táp, vui đùa.

Đường vào 1 thư viện của BM, giờ hoang tàn nhưng bên trong vẫn giữ được các chạm khắc tinh xảo (tối thui, không chụp hình được).

Bạn có thấy hoa văn sắc sảo còn sót lại của BM.

Và sau đó, hành trình tiếp tục hướng đến Koh Ker, dĩ nhiên là phải dừng ở thị trấn nhỏ Svay Leu để ăn trưa, trong quán bình dân như những người bạn Khmer nữa chứ. Qua khỏi thị trấn Svay Leu (cách Beng Mealea khoảng hơn 10km), con đường nhựa biến mất đường bụi bắt đầu. Điều thật đáng tiếc là những cánh rừng 2 bên đường bị chặt phá hoang tàn, để phục vụ cho dự án trồng cao su, như lời của bác tài kiêm HDV. Nhìn các gốc cây (mục ruỗng) bị bỏ lại thật to lớn, có thể đoán những cánh rừng này thật sự là rừng già từ rất lâu đời. Vì vậy, thay vì đi trong bóng rừng râm mát, như trong một vài travel blog đề cập, con đường bây giờ rộng hơn nhưng chạy miên man trong nắng cháy và bụi đỏ. Chạy mãi trên đường, cuối cùng cũng đến Koh Ker lúc gần 1.30pm. Rút kinh nghiệm, mình đề nghị hơn 2h cho cụm di tích này, mà lúc đó mình vẫn chưa biết là lớn gần như Angkor! Sau về đọc, các sách du lịch đề nghị ít nhất vài ngày cho cụm di tích này!!!

Koh Ker, 1 thời là kinh đô cũ của Vương triều Jayavarman IV (928-42 AD), vị vua đã dời kinh đô từ Angkor về đây trong thời gian ngắn, là khu di tích Angkorian ít được nghiên cứu và ít biết đến nhất. Dù chỉ là kinh thành trong thời gian ngắn 928-944 và sau đó kinh thành được quay về Angkor, nhưng ở đây đã xây dựng được rất nhiều cụm đền đài trong một diện tích rộng, chia thành nhiều khu, nằm rải rác trong các khu rừng già vẫn đầy bom mìn. Và đặc biệt là còn nhiều nơi đang xây dang dở và bỏ lửng từ TK X đến nay. Bác tài xe ôm phải đưa đi bằng xe máy đến từng cụm và luôn miệng dặn không được đi ra ngoài các đường cảnh báo bom mìn.

Trước tiên, và được nhắc đến nhiều nhất ở Koh Ker là cụm đền đài chính Prasat Thom (còn gọi là Prasat Kompeng) với tòa tháp kiểu Kim tự tháp cao 40m với 7 tầng. Lên trên đỉnh, hơi bị khó đi, bạn sẽ nhìn thấy quang cảnh hùng vĩ bao quanh. Vẫn sau lưng là núi che chở, bao quanh là hào sâu bảo vệ, tường thành che chở, trước mặt là 5 cụm tháp nhỏ, mặt chính hướng về hướng Đông... Prasat Thom không khác gì mấy so với Angkor, và đặc biệt hơn là còn có tòa "kim tự tháp".

Thoạt nhìn từ bên ngoài Prasat Thom

Bước vào trong, đây là đường từ cổng chính vào tòa "kim tự tháp" của Prasat Thom, hoang tàn nhưng vẫn cho thấy sự hùng vĩ của khu di tích.

Và sau đó là con đường sâu hun hút,

... đến cụm 5 tháp chính (vì góc chụp quá hẹp nên không chụp được)

... nhưng ở mặt trước của chính điện, vẫn thấy những chú Garuda kiên nhẫn và trung thành ngồi chầu qua 10 thế kỷ, dù đến lúc "thịt nát, xương tan".

... tiếp nối bằng con đường đá ngàn năm vẫn vững bền dẫn đến tòa "kim tự tháp"..

Tòa Pyramid 7 tầng, cao hơn 40m tại Kohker, đây là biểu tượng đặc trưng, vì đến vào buổi chiều, không chụp được nhiều hình về tòa Pyramid này (ngược nắng - như tất cả các wat/temple khác).

Nhìn tòa pyramid từ 1 góc khác, sáng sủa hơn vì không ngược nắng nhưng lại không thấy được sự hùng vĩ qua hàng cây che khuất.

Với hào sâu vây quanh che chở.

... và tường cao bao bọc

Cụm tháp - đền đài thứ 2 còn đang xây dựng dang dở là Prasat Leung. Tuy chưa xây dựng xong, cụm tháp này có các Linga lớn nhất và được gìn giữ tốt nhất tại Kam. Một điều rất lạ là chính diện của đền này không hướng về Đông như hầu hết các đền đài khác, có hỏi nhưng HDV không trả lời được, ai biết chỉ giúp, sẽ hậu tạ hậu hĩ!

1 trong các đền đài dang dở của Prasat Leung, nhìn từ bên ngoài,

... đến linga hầu như còn nguyên vẹn bên trong (và cả yoni nhưng góc nhìn hẹp quá không chụp hình cả cụm được)...

... nên phải sang 1 đền đài khác, mới chụp được hình cả linga & yoni (dù không còn nguyên vẹn như ở đền trước).

Cụm tháp - đền đài thứ 3, có cấu trúc giống Banteay Srei ở Siemriep nhưng đã bị tàn phá nặng nề, nhất là bởi những kẻ "đào mộ" trong thời kỳ chiến tranh liên miên. Nhưng rất lý thú là trong cụm tháp này có các văn bản khắc bằng chữ Pali trên các trụ đá (nghiên cứu cho thấy niên đại từ 932-1010) nói về lịch sử Cambodia thời bấy giờ. (Bạn nào đọc được chữ Pali, sẽ gửi file hi-res cho để nghiên cứu nhé!).

Rất giống Banteay Serei phải không? Nhưng bị tàn phá rất nặng nề.

Các chữ vẫn còn mãi với thời gian, sau cả nghìn năm - như vậy, "trăm năm bia đá có mòn?"

Ngổn ngang gò đống do những "kẻ cướp ngôi mộ" tàn phá.

Và cuộc chiến giữa cây và đá này, ai thắng, ai bại? Cây cũng có "sự trợ giúp" của "đồng bọn"?

Cụm tháp thứ 4 là Tháp Đen (tên tự đặt và cũng theo lời của HDV). Cụm tháp này rất lạ là sau một thời gian xây dựng, tự nhiên các phiến đá chuyển dần thành màu đen, cả trong lẫn ngoài. Lúc đầu mình tưởng bị cháy nên hỏi, nhưng được giải thích là do tự nhiên.

"Tháp đen", hầu như còn mới nguyên và những chạm khắc tuyệt vời cộng với sự pha màu độc đáo của mẹ thiên nhiên.

Cụm tháp thứ 5, là cụm Prasat Bram, nơi 2 trong 5 tháp bị nuốt chửng bởi các cây đa cổ thụ. Lang thang mãi trong cụm tháp đầy hấp dẫn này mà chẳng chụp được hình đẹp vì các góc quá hẹp, trời đã dần tối (do trong rừng 1 phần), mà còn ngược nắng nữa.

Chụp từ xa để lấy toàn cảnh thì vừa ngược nắng vừa không rõ vì cây rừng rậm rạp.

Chụp gần thì không thấy được sự hoành tráng của cuộc chiến đấu cây và đá.

Ngoài ra, còn có rất nhiều khu đền đài khác mà thời gian chỉ cho phép "hoa xem ngựa cỡi", chưa kể là các khu còn trong sâu hơn chưa đi được vì trời bắt đầu sẩm tối (trong rừng thôi, khi ra đến lộ thì trời vẫn rất nắng).

Các tượng, chạm/điêu khắc tinh xảo ở các đền rải rác trong rừng.

Và đặc biệt, trong suốt thời gian lang thang ở Koh Ker, luôn gặp 1 cặp vợ chồng trẻ người Khmer cũng chở em bé bé xíu đi viếng đền đài và chụp rất nhiều hình cho bé. Tranh thủ, chụp 1 tấm hình của bé, lúc đang ngồi ở Tháp Đen.

Và rời khỏi Koh Ker gần 5pm, vỡ kế hoạch thời gian, lòng đầy tiếc nuối, tiếp tục con đường đỏ bụi, băng qua làng nhỏ Sayong (cửa ngõ vào Koh Ker, cách 9km) hướng về Tbeng Manchey. Chạy xuyên qua nhiều khu rừng xen lẫn làng mạc đến ngã 3 làng Thuâl Bam Bek (43km từ Koh Ker) và bác xe ôm quyết định dừng lại nghỉ đêm ở đây để sáng mai đi tiếp 99km đến Prasat Preah Vihear. Sở dĩ dù còn sớm nhưng bác tài quyết định dừng vì con đường từ đây đi đến hơn 60km nữa chỉ là rừng, không có khu dân cư và đường rất xấu. Lúc đầu cũng không tin, nhưng đúng là ngày mai đi mới thấy sự nghi ngờ của mình là quá đáng trách.

Làng Thuâl Bam Bek là 1 làng nhỏ, đầy bụi và bụi chỉ có 1 nhà trọ duy nhất, và cũng có duy nhất 1 phòng (!), bác tài ngủ chung với mấy đứa trẻ con chủ nhà. Ở đây 9pm cúp điện vì chạy máy phát điện. Biết làm gì cho qua hết đêm???

Hình ảnh chiếc xe được lèn chặt (hoặc người, hoặc hàng hóa) ở làng Thuâl Bam Bek rất quen thuộc bên Kam, nhưng kỳ này đặc biệt là có chú bò hiền lành đứng yên trên xe. Mà không biết bây giờ đã gần 6pm, chiếc xe này sẽ đi về đâu và bao giờ đến với 60km đường cực xấu và đêm đen phía trước.

11.01.2008

Rồi đêm cũng qua nhanh thôi. Hơn 6.30pm mới có nước để tắm rửa vì chờ bơm lên từ giếng đóng. sau đó là đi bộ trên con đường tối thui, đi 2-3 quán mới còn quán cơm bình dân với vài món ăn còn sót (dù sao cũng đỡ hơn là chuyến đi Tây Bắc Việt Nam, 6.30-7pm là đừng hòng kiếm ra quán cơm nào còn nhận khách). Ngồi trong quán (có 2 bàn!) cũng có tốp lái xe tải dừng lại cười nói xôn xao nên cũng đỡ buồn. Lo sợ cho giấc ngủ đêm nay, làm vài lon Crown cho dễ ngủ. Xong về nhà, hình như 8pm thì phải là chuẩn bị chun vô mùng vì ở ngoài quá muỗi và cũng gần cúp điện. Linh tinh 2-3 câu chuyện với chủ nhà mến khách, thông qua bác tài vì chủ nhà không biết tiếng Anh, thấy mệt quá qua 1 ngày dài, đành vào ngủ sớm. Và khi tỉnh dậy cũng đã gần 6.30am - không biết nhờ Crown hay vì quá mệt. Và thế là chuẩn bị nhanh để khởi hành đi Prasat Preah Vihear lúc 7am.

Không kể về đường đi nữa, vì đây là đoạn xấu nhất. Nhưng cũng chưa bằng đoạn cuối cùng. Khi đến ngôi làng dưới chân núi, bác xe ôm dừng lại, chuyển mình sang 1 xe ôm địa phương trẻ khác và bảo rằng bác không đi nổi con đường phía trước. Lúc đầu mình không tin, đi rồi mới thấy đoạn đường 5km dốc dựng ngược này quá là khủng khiếp vì dốc quá ngắn, quá đứng và đường quá xấu (không phải kể nhưng dốc các cổng trời Đồng Văn, Lũng Cú, Mèo Vạc, Khâu Vai mình đã tự chạy xe đi rồi, nhưng cũng không bằng đoạn dốc này). Ngay cả nhóm khách Tây chạy xe cào cào chuyên nghiệp mà còn thấy tụi nó run và chạy vất vả quá trời. Trong khi đó thanh niên trẻ chạy xe ôm thì cứ băng băng, mình cũng "nhắm mắt đưa chân", biết làm gì hơn. Và Prasat Preah Vihear trong mơ đã hiện ra phía trước. Nhưng trước khi đi vào và chia sẻ với các bạn về PPV, mời xem hình bên dưới, với nội dung mình rất tâm đắc trong chuyến đi này, và trong những lúc lang thang trôi dạt trên đất nước chùa Tháp.

"Tự hào được sinh ra là người Khmer!" Đi cũng chưa nhiều nhưng cũng không ít và PPV cũng không nổi tiếng bằng Angkor nhưng sao câu khẩu hiệu này thật quá ấn tượng với mình. Nhất là khi biết PPV cũng đã từng trải qua thời gian dài bị giành giật với Thailand nhưng sau cùng đã được trả về Kam. Có giống Hoàng Sa & Trường Sa?

Bạn nghĩ sao?

Prasat Preah Vihear (PPP) được xây dựng trong suốt 7 triều vua, từ Yasovarman 1 (889-910) đến triều vua cuối Suryavarman II (1112-1152). Và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng một phần các tượng cũng như các vật thiêng ở đây được chuyển về từ Vat Phou Champasak, Laos. Trong suốt nhiều thế hệ (sau thời kỳ hùng mạnh của Đế chế Khmer), PPP trở thành nơi tranh chấp giữa Thai & Kam và phần lớn là nằm trong tay Thai, cho đến lúc Kam là thuộc địa được bảo hộ của Pháp năm 1907. Tuy vậy, cuộc tranh chấp vẫn tiếp diễn khi Pháp rời Đông Dương. Năm 1959, quân đội Thái đã chiếm đóng toàn bộ nơi này, quốc vương Shianouk đã đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế và sau đó 3 năm, 1962, PPP trở về với đất nước Chùa Tháp. Trường hợp Hoàng Sa & Trường Sa có thể rút ra được điều gì từ vụ việc này? Tuy vậy PP tiếp tục rơi vào nhiều cuộc chiến (và cả thảm họa - như cuộc chưỡng bức hồi hương đẫm máu 1979 của quân đội Thái với người tỵ nạn Kam...) mãi cho đến 1998, đây là nơi tụ tập để tái hợp lần cuối, trước khi đầu hàng của tàn quân Khmer đỏ. Chỉ ngay sau đó, với ý đồ gì chưa rõ, Thailand đã cho xây 1 con đường hoành tráng chạy thẳng đến đến đây, thế là PPP lại tiếp tục bị đóng cửa cho đến 2003.

Bỏ qua những vấn đề liên quan đến chính trị, PPP thật sự là 1 cụm di tích hấp dẫn, về nhiều mặt. Từng là nơi hành hương quan trọng của người Khmer trong nhiều thế kỷ, kiến trúc xây dựng độc đáo trên đỉnh núi cao với tầm nhìn chiến lược (đến tận Phnom Kulen ở SP), các chạm khắc tinh xảo, những tòa nhà và bức tượng vừa tinh xảo, vừa hoành tráng... Và với bạn, thêm 1 điều hấp dẫn nữa là nếu bạn đến được PPP từ Kompong Thom, bạn đã vượt qua 1 thử thách rất lớn, và như vậy, sẽ luôn sẵn sàng cho những cung đường gian khó khác trên bước đường lang thang.

Bạn thường ít thấy cờ K, nhưng ở đây, ngay cửa ngõ vào khu đền đài, những lá cờ K bay kiêu hãnh trong gió. Nhìn từ 1 góc khác, cổng hầu như còn nguyên với những nét điêu khắc tinh xảo.

Sau cổng chính là con đường dài, rất nhiều đoàn sư sãi, cũng như các em học sinh từ Thailand sang viếng PPP.

Và đây là các kiến trúc trong cụm đền đài, chia làm 4 cụm (nếu tính luôn cụm cổng là 5 cụm).

Cụm tháp thứ 2, nhìn từ phía trước, nghiêng

... nghiêng hơn nữa, 1 bên của cụm tháp 2

Đường lên cụm tháp 3 cheo leo

... đường xuống cũng vất vả không kém. Nhìn từ trên cao, con đường phía dưới bé xíu với những bóng áo vàng tô điểm. Ngồi trong bóng râm của cây, của đá, mơ cảnh khách thập phương đi nơi khác, đền đài chỉ có những chiếc áo vàng - tưởng được trở về ngày cũ.

Cụm tháp thứ 3, nhìn ngang, hành lang sâu thẳm và gần như còn nguyên vẹn nếu nhìn từ phía sau.

1 cái cửa sổ đá gần như còn nguyên của cụm 3

Con đường nối cụm 3 & 4

Con đường hoành tráng ở cụm tháp thứ 4, và cụm tháp này gần như bị hư hại hoàn toàn

Cụm đền 5, hành lang và cũng là nơi trưng bày tranh tượng ngày trước, bên trong và bên ngoài và bóng áo vàng làm điểm nhấn đặc biệt trong màu của đá và bóng râm cây ngàn năm.

Mặt lưng của cụm tháp cuối cùng, thứ 5 và đất Kam, Thái (có con đường nhựa và cửa khẩu là tòa nhà ngói đỏ) nhìn từ đỉnh đồi, nơi cụm tháp 5 này tọa lạc.

Trong cụm tháp 5 này, ngôi đền ở giữa hầu như được bảo quản tốt nhất nhưng không được chụp hình vì hiện này việc thờ cúng vẫn đang được giữ nguyên. Khuôn viên xung quanh bao bọc bởi các hành lang treo tranh tương đối chật nên không chụp hình được với các góc quá hẹp (chắc kỳ sau bớt đi chơi để dành tiền mua máy chụp hình mới, rồi mới đi tiếp!).

Trên con đường nối cụm tháp 1 và 2, gần tấm bảng Tự hào sinh ra là người Khmer, 1 em bé và ông đang ung dung cỡi trên sư tử đá ngàn năm. Ông của bé chắc chắn sẽ dạy cho bé câu "khẩu quyết" này, chắc chắn!

Chút (lẩn) thẩn thơ với hoa dại bé mọn bên góc đền đài, các linh vật có còn chờ được đến ngày nao?

Được viếng PPP thật sự là 1 điều may mắn với những ấn tượng mạnh mẽ. Ngồi trong góc khuất của đền tháp hay trong gió lộng dưới bóng cây, nhìn đá rêu phong, đền đài vĩ đại, ... cảm thấy thân phận bé mọn của con người, cứ mãi bon chen, sao thật phù phiếm.

Rồi cũng phải chia tay PPP (trễ hơn giờ hẹn gần 2h nhưng anh xe ôm trẻ vẫn vui vẻ chờ), nhắm mắt xuôi con đường xuống khủng khiếp, với các con dốc góc thấp nhất 35 độ (tài liệu) và con đường lổn ngổn đá sỏi trơn chuội. Về đến làng dưới chân núi chỉ kịp ăn vội vài miếng là leo lên xe đi vì sợ về không kịp.

Trước lúc lên núi có trao đổi với bác tài về dự định a/ Phương án 1, về đường cũ; b/ Phương án 2, đến ngã 3 Sa em, chờ xe bus hoặc tuk-tuk về Along Veng rồi từ đó về Siemriep (vì bác tài không chịu đi đường này vì nói nó rất xấu). Do vậy, chạy gần 30km đến ngã 3 ngồi chờ xe nhưng không có xe, hỏi thăm dân địa phương thì chỉ có 1 chuyến vào buổi sáng. Thế là bỏ "toan tính" đi 1 đường, về đường khác và được biết thêm Along Veng, quê hương của Ieng Sary. Đành về đường cũ, vẫn nắng, vẫn bụi, vẫn..... Chạy mãi, bác tài đòi nghỉ lại ở Sayong nhưng khi mình đề nghị, suy nghĩ một lúc bác tài quyết định sẽ về nghỉ tại Svay Leu. Đường đi lúc chiều xuống này quá đẹp. Chạy mãi mà chỉ thấy mặt trời đỏ ối lúc cao, lúc thấp theo con dốc, dù chiều buông đã lâu. Và cuối cùng, cũng đến SL khoảng 6pm, trời chưa kịp tối, mệt rã rời.

Svay Leu là 1 thị tứ nhỏ, rất nhỏ, nằm trên trục đường mới mở từ Beng Mealea đi Koh Ker. Cả thị tứ nằm gọn trên trục đường này, dài khoảng 500m, chỉ có 1 nhà trọ duy nhất, cũng là quán cơm đã ghé hôm đi Koh Ker, tuy có nhiều phòng hơn. Tuy cũng có 1 phòng tắm (chung) nhưng vì bị hư nên khách trọ phải tắm rửa ở giếng nước bên hông nhà trọ, lộ thiên, ngay góc ngã 4 đường, theo phong cách Khmer, với chiếc khăn rằn quấn quanh. Có thể tắm hoặc không, tùy bạn, nhất là khi không có nhiều lựa chọn sau 1 ngày dài nhiều bụi đường, nhiều hơn tất cả con đường bạn đã từng đi. Thị tứ này tuy vậy đỡ hơn Thuâl Bam Bek ở chỗ cúp điện lúc 10pm thay vì 9pm (!).Thế là sau khi tắm rửa, tranh thủ giặt giũ phơi phóng, ăn tối, tám với chủ nhà (qua phiên dịch) xong, đi 1 vòng quanh phố (mất khoảng 1/2h – kể cả đi vào cuối con đường tối thui) về lại nhà trọ, nơi duy nhất còn mở đèn, mua vài lon bia lên lan can lầu 1 ngồi – ưu điểm duy nhất của nhà trọ này là 1 lan can rất rộng, rất vắng, nhìn ra ngã 4 đường chờ đêm xuống – nghĩa là chờ khi cúp điện.

Chờ mãi, rồi thị tứ nhỏ cũng xuống đèn, 100%. Ngồi nhìn phố nhỏ chìm trong đêm đen, leo lét đây đó vài ngọn đèn hột vịt le lói, đường phố không một bóng người, bầu trời trong vắt, đầy sao, tiếng côn trùng rả rích, đêm khuya sương vùng rừng núi xuống lạnh lẽo... chợt nhớ những ngày xưa cúp điện, leo lên sân thượng ngủ, vì trong nhà quá nóng. Mới đó đã hơn 20 năm! Đêm Svay Leu thật bình yên và thật đáng nhớ.

12.01.08 Siem Riep - Dòng sông ngàn Linga & Angkor

Sáng hôm sau, dậy sớm cùng bác tài thẳng tiến về ngã 3 Dam Dek. Ngay ngã 3 là 1 ngôi chợ đông đúc và cũng là 1 bến xe. Leo lên 1 chiếc pick-up, chờ xe chạy lòng vòng nhận hàng hóa, đón khách... đến gần 10am xe cũng đến Siem Riep, ngay chợ cũ, gần với Popula GH mình dự định tạm trú. Ngồi nghỉ ngơi ở 1 bistro ngay chợ, tán chuyện với anh xe ôm và sau khi trả giá, đã book 1 anh xe ôm khác vời giá 15$/ngày với điều kiện đi viếng: Dòng sông ngàn linga - Kbal Spean; Banteay Srei; Bayon Temple; Phnom Bakheng. Mục đích chính là Kbal Spean vì các điểm khác đã đi rồi, tuy nhiên có cơ hội lang thang lại thì càng tốt, nhất là được ngắm hoàng hôn trên Phnom Bakheng. Thế là về HG bỏ đồ đạc và leo lên xe đi Dòng sông ngàn linga, chạy mãi trong Angkor, đến Banteay Srei thì rẽ trái theo 1 con đường đang xây dựng bụi đỏ mù trời đi hơn 18km thì đến khu hàng quán dưới chân núi. Nghỉ ngơi chút và chuẩn bị leo núi.

Cách Siem Riep 50km, Dòng sông ngàn linga là điểm du lịch tương đối mới, hiện còn vắng khách vì đường đi còn chưa xong nhưng sắp tới nó cũng vẫn không phù hợp cho khách đoàn vì phải leo núi, đèo dốc và cây cối rậm rạp... rất khó quản lý cho nhóm đông. Do vậy, nếu bạn đi theo tour, nhất là các tour của Việt Nam thì chắc khó lòng đến được đây. Kbal Spean chỉ mới vừa được phát hiện vào năm 1969 và suốt từ đó đến 1998 nơi này vẫn nằm ngoài các cung đường du lịch vì chiến tranh và bom mìn dày đặc vây quanh. Nằm trên ngọn đồi với khoảng 1,5km đi bộ trong rừng cây rậm rạp, nhiều đèo dốc, K.S rất ấn tượng với các chạm khắc được thực hiện dưới đáy sông bằng đá hay vách đá 2 bên bờ. Nhiều nhất là các linga và thỉnh thoảng đây đó các yoni. Đặc biệt là các tượng Vishnu, Shiva... nằm dọc bờ sông hay trên các tảng đá chìm dưới dòng sông.

Sơ đồ các điểm nhấn trong khu rừng của Dòng sông ngàn linga - Kbal Spean

Dòng suối, chiếc cầu nhỏ rợp bướm vàng dưới chân núi.

Rừng cây rậm rạp với những phiến đá nhiều hình dạng - 1 phiến đá hình nấm

Linga dưới đáy sông, cả yoni và cả linga khổng lồ cạnh các linga nhỏ.

Các chạm khắc kỳ bí bên bờ sông

Thác trong rừng, bạn có thấy các chạm khắc ẩn sau làn nước

Kbal Spean không chỉ có vậy. Lang thang trong khu rừng không biết tuổi, lặng lẽ đây đó các đoạn sông, khúc suối, ẩn mình dưới bóng cổ thụ, mang trong mình những dấu ấn ngàn năm kỳ bí của người xưa thật là những thời khắc khó quên. Biết chừng nào được trở lại nơi này, để được ngồi nhìn lá rừng lặng lẽ rơi trên làn nước im bóng, rơi trên những chạm khắc ngàn năm, để hồn mình cũng lãng đãng, như lá vàng lơ lững trôi trong trên dòng nước, trên ngàn linga huyền bí.

Lang thang mãi, rồi cũng phải lội ngược con đường đầy bụi để về. Do cũng còn sớm nên trên đường về đã yêu cầu anh xe ôm dừng lại ở Banteay Srei, Bayon và 1 số đền đài nhỏ khác, trước khi về leo lên Phnom Bakheng ngắm hoàng hôn, kết thúc ngày lang bạt ở Siem Riep. Vì Banteay Srei va Bayon quá nổi tiếng và hầu như mọi người đều đã đến nên chỉ upload lên vài tấm hình. Loạt hình về hoàng hôn trên Bakheng sẽ cập nhật riêng trong 1 entry khác.

Banteay Srei dày đặc với du khách, làm mình nhớ lại những lúc lang thang trong Koh Ker, Sambor Prei Kuk vắng tênh.

Bayon huyền bí với những nụ cười ngàn năm nhìn xuống nhân gian.

Các đền đài xung quanh Bayon

Hoàng hôn trên đỉnh Bakheng và đoàn người lục tục xuống núi.

Rời khỏi Phnom Bakheng, lên xe ôm về đến Popular GH cũng gần 7pm. Quá mệt sau 1 ngày dài chạy từ Svay Leu qua SR rồi đi Kbal Spean... mệt đến nổi quăng chiếc quần còn passport vào chậu giặt, để đến khi nhớ và lôi ra thì nước đã thấm vào và tệ nhất là hình đã bị nhòe và rất nhiều các stamp cũng bị nhòe luôn. Thật tình là rất lo, nhưng không thể vì thế mà đành bỏ dỡ chuyến đi vừa chỉ mới khởi hành. Thế là bật quạt lên hong passport và bỏ hết mọi phiền muộn lại để ra phố, "ăn chơi" cho bõ mấy ngày trong rừng rú và những chuyến đi mệt nhọc. Tình cờ hay không, lại vào ngồi vào đúng cái quán đã ngồi những ngày đầu tháng 5.2005. Lúc đó thì đông đủ mọi người, bây giờ chỉ mình mình ngồi uống bia. Cũng hơi lưng tưng, quyết định đi đặt vé Poipet để ngày mai rời Siem Riep. Xong lại lang thang vào khu "bar area", chợ đêm, rồi lại bar... không biết la cà như thế nào mà gần 1am mình mới về GH. Đúng là "lang bạt".

13.01.08

Một ngày rất dài và vất vả. 8.30am xe rời khỏi Siem Riep và chạy trên con đường cực kỳ tệ, để mãi đến 3.30pm mới đến Poi Pet. Chẳng có gì để nói trên con đường đi chỉ toàn bụi và bụi, xe thì như bà già rụng răng... Đến Poi Pet thì lại chen chúc làm thủ tục, mệt rã rời. Sang Aranyaprathet lại chờ xe đi Bangkok. Mới chỉ hơn 1 năm mà đã có thay đổi, khách bây giờ không cần vào bến xe Aran mà có xe đợi sẵn ở cửa khẩu để đi thẳng đến Khaosan Road, thay vì đến bến xe Bangkok - thật là thuận tiện. Thế là lên xe ngồi, chạy mãi đến Khaosan lúc 8.20pm. Lang thang 1 hồi rồi cũng tìm được 1 GH với giá 190baht (!), ngay trong Khaosan. Căn phòng chỉ có đủ chỗ cho 1 chiếc giường, nhưng mình cần gì hơn. Tắm rửa xong, ra quán net đến 10.30 bị đuổi (nói nào ngay, các quán net trong Khaosan đều hết chỗ, mình phải đi bộ thật xa chứ các quán net trong KS vẫn hoạt động suốt đêm), thế là quay lại Khaosan, lang thang ăn uống, lê la ở các quán bar đầy dẫy khách Tây Tàu xí lô xí là. Khaosan nhộn nhịp nhưng không phức tạp như Patpong, trên đường phố đầy những nghệ sĩ nhân dân biểu diễn đủ các trò, từ bartender ném chai đến hoạ sĩ đường phố ký họa chân dung đến các băng nhạc tự phát đến... tùm lum trò. Cũng vui! Và như thế đêm trôi. Hẹn sáng mai gặp các bạn ở Lopburi - 1 điểm phát sinh trong kế hoạch, thay vì đi thẳng đến Ayuthaya, sẽ đến Lopburi, là kinh đô trước thời Ayuthaya rồi sau đó mới vòng lại Ayuthaya. Hành trình sẽ còn đầy dẫy những phát sinh - đó là ưu điểm của việc đi chơi một mình!!!!!!!!!!!

P/S: Nếu bạn nào khó ngủ, không nên nghỉ ở các nhà trọ ngay mặt tiền đường Khaosan vì quần chúng ở đây ăn chơi ồn ào suốt cả đêm. Ngay sáng hôm sau lúc rời KS sớm để đi Lopburi, vẫn còn có những nhóm thanh niên Tây (mặt mày đờ đẫn, chân nam đá chân xiêu) lang thang hát hò trên phố.

.

.

(Bangkok 13-01.2008 - vừa đến lúc 8.20pm.

Tình hình rất tình hình vì cac internet shop ở các nước trong khu vực ĐNA đều rất tệ, kể cả ở Bangkok. Do vậy, đang ngồi lóc cóc gõ, hình vẫn chưa load được thì bị đuổi vì đóng cửa. Chỉ cập nhật vài hình ảnh trước, thông tin "hấp dẫn" về những ngày lang thang trong rừng vừa qua sẽ cập nhật sau.

Lược ngắn gọn phần còn lại của hành trình trên đất K kỳ này: Dừng lại ở Kampong Thom, sau đó đi Prasat Preah Vihear, thuộc tỉnh Preah Vihear (thủ phủ là Tbeng Manchey), sẽ ngang qua 2 điểm là Beng Mealea (thuộc Siemriep, cách SR khoảng 64km) và Koh Ker (Preah Vihear). Kohker và PPV là 2 điểm mới phát hiện sau này dù xây dựng cùng thời SR (lịch sử dài dòng sẽ kể sau). Hiện đường đi đến 2 nơi này vẫn là thách thức với dân balo. Mình phải thuê 1 bác xe ôm kiêm tourist guide đi 3 ngày 2 đêm trên những con đường bụi mù mịt đầy ổ gà ổ voi và nắng cháy...

Sau khi đến PPV xong, về SR và chỉ đi điểm mới là "Dòng sông ngàn Linga", nơi thượng nguồn của dòng sông SR. Đây cũng là điểm mới, trước đây (2 năm) còn là con đường mòn nhỏ, còn bây giờ đang làm đường, cũng bụi mịt mù.

Sau đó về SR nghỉ ngơi (?) và sáng sớm hôm sau đi Poipet để từ đó đi Arangyaprathet đi BK - đường ngắn nhất. Đường đi từ SR-PP chỉ 220km nhưng đi từ 8am đến 3pm mới tới và vẫn bụi mù trời vì đang làm dang dở. Đến BK khoảng 8.20 kết thúc 1 ngày vất vả trên đường bằng cách vào khu Tây Balo Khaosan thuê GH (chỉ 190baht) và lang thang ở đó (gần như 1 Patpong thu nhỏ) đến quá ngọ, sau khi bị đuổi khỏi Internet với tinh thần cầu tiến cao là cung cấp thông tin cho bạn bè.

(Entry này sẽ được tiếp tục cập nhật về nội dung và hình ảnh sau, bạn cần biết phải làm gì ở những nơi không có điện vào buổi tối chứ... hay PPV có liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa ntn...).

Cây cầu bằng đá trên đường từ Kampong Thom đi Beung Maeley

Beung Maley, trước xây trong lòng hồ giờ đã thành đồi núi.

Đường vào 1 thư viện của BM, giờ hoang tàn.

Bạn có thấy hoa văn sắc sảo còn sót lại của BM.

Đường vào Kohker hoang tàn

Tòa Pyramid cao hơn 40m tại Kohker, đây là biểu tượng đặc trưng nhưng KK còn nhiều nơi thú vị khác. KK cũng rộng gần bằng Angkor. Vì đến vào buổi chiếu, không chụp được nhiều hình về tòa Pyramid này (ngược nắng - như tất cả các wat/temple khác).

Không có nhận xét nào: