Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2008

Những ngày lang thang - Nà Hang - Mường Lay - Mường Tè

Xe đi Bắc Kạn chạy sớm lúc 5.30, đến ngã ba Phủ Thông khoảng 9am, xuống xe đi tiếp vào Ba Bể, đến nơi đi xe ôm (18km) tiếp vào đến hồ Ba Bể, thuê đò đi đến Thác Đầu Đẳng để từ đó đi sang Đà Vị, rồi đến Nà Hang, mục tiêu của chuyến đi. Thuyền dạo trong Ba Bể, theo cảm nhận của mình hồ Ba Bể không đẹp bằng khu Lòng hồ Nà Hang, Bắc Mê vì không có những ưu thế của vùng rừng chuyển thành hồ, nhất là những khu “rừng phong lan” rất đặc sắc. Đến gần Thác Đầu Đẳng, xuống thuyền dừng lại ăn trưa ở đây và sau đó cuốc bộ (500m) ra đến bến đò dưới chân Thác Đầu Đẳng. Đã hơn 2pm, do vậy thuyền ở đây từ chối không đi Nà Hang, vị sợ về không kịp mà đi tối nguy hiểm vì thuyển nhỏ, mà chỉ đi đến Đà Vị, từ đó đi xe ôm ra Nà Hang. No choice! Đà Vị là xã mới, do cư dân vùng lòng hồ khi ngăn đập phải di dời lên đây, chủ yếu là người Tày. Đường từ Đà Vị ra Nà Hang đang xây dựng nên đầy bụi, chưa kể là có những đoạn chưa làm xong cả phần đường cơ bản nên xe rất khó chạy. Chỉ có 37km nhưng đi gần 2h đồng hồ và khi đến nơi thì cả người và hành lý đều bám 1 lớp bụi dày, cả 2 thanh niên Tày lái xe ôm cũng lắc đầu.

Nà Hang, Tuyên Quang nơi 1 còn gà gáy 3 tỉnh đều nghe vì giáp với Hà Giang, Bắc Kạn, trước đây là 1 huyện rất hẻo lánh, chỉ mới phát triển gần đây nhờ công trình thủy điện Tuyên Quang. Thị trấn nhỏ cũng đầy bụi và vắng vẻ, có điều rất thân thiện vì dân tộc chủ yếu là Tày (nhưng mặc đồ như người Kinh, nếu không nói ra thì không ai biết). Tối đó, lang thang trong phố, “tám” với các thanh niên trẻ ở phòng quản lý du lịch xong leo lên nhà sàn ngồi ăn đặc sản rau dớn, thịt dúi… và thử đến 4 loại rượu, rượu ngô cách thủy, rượu đao (làm từ lõi thân cây đao), rượu ngô ngâm bao tử dúi (trị đau nhức) và rượu ngô ngâm dây tơ hồng cây gỗ nghiến (ông uống bà khen!). Cuối cùng mình chọn rượu đao, “cho nó ra vẻ” lạ! Đang lưng tưng uống thì có khách bàn bên sang mời (trong quán chỉ có 2 bàn!), biết là “dược sĩ” (chưa biết là đã bỏ nghề!) liền mời sang bàn kế bên uống rượu tưng bừng vì cùng nghề (!). Bàn bên là Giám đốc TTYT Dự phòng Nà Hang cùng với 1 cán bộ bên Sở YT Tuyên Quang đang đi thị sát CT Tiêm chủng. Anh BS Giám đốc TTYTDP là người Tày, rất chân tình làm mình cũng “chân tình” theo. Chưa hết, xong rồi bàn đó lại trả tiền luôn cho bàn mình dù mình tìm mọi cách thoái thác. Xong rồi còn đi uống tiếp với 1 bạn trẻ trong nhóm, đây là lần thứ 2 mình uống nhiều, sau đêm ở Bảo Lâm.

Sáng hôm sau vẫn dậy sớm để đi du lịch Lòng hồ. Đập thủy điện Tuyên Quang năn lại nơi 2 con sông Gâm và sông Năng gặp nhau, khi đổ vào sông Lô. Do vậy đi du lịch lòng hồ có 2 tuyến, đi ngược sông Gâm (hướng lên Bắc Mê) hoặc ngược sông Năng (hướng về Đà Vị, Ba Bể). Nói chung cả 2 tuyến đều đã đi 1 khúc rồi nhưng theo gợi ý là tuyến đi sông Gâm sẽ có rừng Amazon Việt Nam nên đã chọn hướng này. Đi đã chẳng thấy rừng Amazon gì cả, thật ra đó là cách nói về các cánh rừng ven sông khi ngập nước, trở thành rừng trong hồ, giống như rừng ngập nước ở Amazon! Đi đã rồi lại tới Đà Vị, đi tiếp nữa đến Đầu Đẳng thì hôm qua đã đi rồi nên dừng thuyền lại lên Đà Vị chơi. Hôm qua chỉ dừng tại đó để đi xe ôm, hôm nay đi sâu vào ngó nghiêng phố phường (vẫn đầy bụi), tám với cư dân địa phương, kể cả anh xe ôm hôm qua tình cờ gặp lại (và ngơ ngác không biết mình làm cái quái gì mà mới hôm qua nằng nặc đòi đi ra Nà Hang hôm nay lại lang thang ở đây!!!)… xong rồi xuống đò về lại Nà Hang. Thế là xong chuyến đi Nà Hang, chuyến đi gây nhiều khó khắn và trắc trở nhất trong suốt hành trình, với lý do là đọc báo và quá tin những gì báo chí đồn thổi.

Về đến Nà Hang, chỉ kịp quơ cào đồ đạc nhét vào balo để leo lên chiếc xe về Tuyên Quang với lời dụ dỗ của tài xế là sẽ vừa kịp chuyến xe đi Lào Cai (để đi Sìn Hồ, Mường Lay, Mường Tè như theo lịch trình). Tài xế thật ba xạo, như nhiều tài xế khác gặp trong hành trình này. Xe vất vưởng vừa chạy vừa đón khách, đến bến xe TQ gần 5pm. Lúc đó lại có 1 tài xế khác thề thốt rằng đi xe về đến ngã ba Đoan Hùng sẽ có chuyến xe đi thằng Lào Cai. Vì cũng nóng lòng đi để tranh thủ, thế là leo lên xe này, nhưng đến ngã ba Đoan Hùng mới biết chẳng có xe nào đi Lào Cai giờ này (bị lừa lần 2 trong ngày, chán!). Thế là thay đổi kế hoạch, đón xe đi Yên Bái và từ đó đón tàu Hà Nội – Lào Cai để đi. Và kế hoạch này đã khả thi, đến Yên Bái ăn uống nghỉ ngơi, đến 2am lại lên tàu đi Lào Cai. Vừa xuống ga Lào Cai, thấy có xe gắn bảng Mường Lay, mừng quá leo lên thì lại bị lừa tiếp, xe này chỉ đến Lai Châu (mới, Tam Đường cũ) mà thôi! Thây kệ, tới đâu hay tới đó, bực mình cũng chẳng được gì. Xe chạy qua Sapa, qua Thác Bạc, đèo Trạm Tôn…, ngã ba Than Uyên, Bình Lư… toàn những địa danh nổi tiếng trong các guidebook dành cho dân balo. Đường từ Sapa qua Lai Châu đang mở rộng nên rất xấu, còn đoạn đường từ đèo Trạm Tôn, đèo cao nhất Việt Nam, 1900m) thật xứng đáng mệnh danh là một trong những đoạn đường đèo đẹp nhất VN. Núi rừng hiểm trở, đường dốc ngoằn ngoèo bên vách đá bên vực sâu… rất hùng vĩ.

Đường từ Lai Châu đi Mường Lay (Lai Châu cũ) nhỏ hẹp, chạy gần biên giới Trung quốc và chạy dọc theo con sông Đà. Ở đoạn này, sông Đà nhỏ, hẹp, có lẽ mùa này chưa phải là mùa lũ. Không biết sắp đến, khi đập thủy điện Sơn La hoàn thành, thị trấn Mường Lay sẽ ngập trong nước thì khúc sông này có thành lòng hồ hay không và con đường mới sẽ nằm ở đâu.

Thị trấn Mường Lay nhỏ, buồn và xơ xác. Dấu tích của những trận lũ hung dữ cuốn trôi hơn trăm người của thập niên 90 không còn nhiều nhưng hầu như người dân không xây mới vì biết rằng thị trấn sẽ chìm vào lòng hồ nay mai. Nhà cũ ở Mường Lay được lợp bằng những phiến đá mỏng rất đẹp. Cây cầu treo qua sông khi chiều xuống đem đến cho thị trấn một vẻ đẹp hiếm có. Đi lang thang vào nhưng con đường nhỏ, bản làng người Thái rất đẹp, nhà sàn với những hàng rào phên tre rất hay. Hàng rào nhà nào bằng gạch cao kín cổng đếu biết ngay là nhà của người Kinh. Dân cư ở Mường Lay ngoài người Kinh, còn lại chủ yếu là người Thái đen, rất vui vẻ và mến khách. Buổi chiều, khi lang thang vào trong bản xem các ngôi nhà sàn, nhà cổ thì được 1 nhóm thanh niên đang dỡ nhà để chuẩn bị xây nhà mới mời vào nhà uống nước / rượu (!), và sau đó mời buổi tối quanh lại để tham gia liên hoan mừng nhà mới. Tối quay lại và vào nhà chơi, uông rượu gạo địa phương với các thanh niên và cả các bậc cao niên. Họ cũng rất tinh ý, khi thấy 2 vòng chỉ đeo tay của mình liền biết ngay là mình từ Thái hoặc Lào về, vì đây là tập tục của người Thái. Sau đó mình được thêm một chỉ tay cầu khước nữa, có điều là màu đen. Hi Hi, như vậy 3 vòng chỉ trên tay mình đến từ 3 nước Thái Lào Việt. Đêm đó uống thật vui nhưng các thanh niên Thái say trước nên đành chia tay sớm. Về, ra quán ăn đêm thì có 1 chú ở bàn bên cạnh cầm chai rượu sang và nói rằng: “Hơn 30 năm rồi mới nghe lại giọng Sài gòn, vui quá!...”. Thế là mình lại tiếp tục ngồi chơi với chú cho đến khuya.

Xe Mường Lay đi Mường Tè ghi trên bảng lịch trình là chạy lúc 5.30 nhưng đến 6.30 mới khởi hành, với bao nhiêu là đồ đạc của các người anh em chất trên và trong xe. Đường đi có ½ đoạn đường rất xấu, xấu chưa từng có và bụi mờ mịt. Chỉ có 98km mà xe chạy hơn 5 giờ đồng hồ. Dù sao cũng cố gắng, biết bao giờ mới đến được điểm cực Tây tổ quốc để thỏa lòng mong ước. Như vậy, trước đây mình đã đi Trà Cổ, Năm Căn, đến cực đông và cực Nam và chuyến này đi được Lũng Cú (cực Bắc), Mường Tè (cực Tây) xem như là đi đủ 4 cực của đất nước rồi. Thị trấn Mường Tè mới xây dựng các khu hành chánh lớn nhưng đơn điệu. Thị trấn dạo này đông đúc hơn vì có mỏ vàng ở gần biên giới Lào và rất nhiều người đổ xô đến khai thác. Qua cầu, đi 2km nữa là đến thị trấn Mường Tè cũ, với những căn nhà cũ và ngôi chợ cũ. Đi thêm 5km nữa là đến suối Nàng Bân có chiếc cầu treo xinh xắn qua bản Thái, có dòng suối xinh đẹp với rất nhiều cối giã gạo bên bờ suối và đặc biệt là với rất nhiều cô gái Thái xinh đẹp tắm tiên bên bờ suối. Chỉ bây nhiêu đây là đủ bỏ công sức đi Mường Tè rồi. Trên đường phố Mường Lay cũng có rất nhiều các phụ nữ người Dao và các dân tộc khác nữa đi chợ bán và mua hàng. Khác với các phụ nữ Thái bình thường khi chụp hình, các phụ nữ Dao thường núp hoặc chạy đi hoặc che mặt khi bị chụp hình. Lúc đầu tưởng rằng họ bị “Sapa hóa” đòi tiền khi chụp hình nhưng sau khi hỏi người địa phương thì biết rằng họ thẹn, vì không mặc đồ đẹp, vì lem luốc… Nếu có đi Mường Tè bạn nhớ đi sang bản người Thái nhé, rất hay khi lang thang vào trong bản, đi vào những ngõ ngách nhỏ với hàng dậu phên tre, những hàng cây rậm rịt xanh mát. Và không thể quên được những em bé Thái dễ thương, mến khách. Buổi tồi MườngTè buồn và lạnh tê tái, cũng chẳng có quán cóc nào bán (rượu), lang thang trong phố đen thì bị chó đuổi và sém bị trâu húc (!). Đành về KS xem TV để sáng mai dậy sớm đi ngược Lai Châu, vào Sìn Hồ.

Không có nhận xét nào: